Kon Tum: Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) - Ngày 5/7, HĐND tỉnh Kon Tum khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh)

Tại kỳ họp, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023: Toàn tỉnh có 42 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 10 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 10 huyện, thành phố. Có 188 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7.731,89 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.

Có được kết quả trên là do thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt. Cùng với sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, tỉnh giao nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương; chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh được đảm bảo. Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thông tin, bưu chính viễn thông, thương mại, tài chính, ngân hàng, lao động việc làm, trật tự an toàn xã hội, chỉ số giá tăng đều. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...  

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể: Thu ngân sách Nhà nước 1.838 tỉ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 81% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công 1.166 tỷ đồng, đạt 35,6% so với thực nguồn kế hoạch vốn được giao. Việc khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra, nhất là khoáng sản làm vật liệu thông thường. Tình trạng xây dựng công trình trái phép, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một số nơi vẫn còn diễn ra...  

Dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, tránh trùng chéo, đảm bảo đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.

Đồng thời, phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng từ 12,28% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.670 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 14.560 tỉ đồng trở lên; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 90%; diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh 500 ha, trồng mới thêm 3.950 ha rừng; giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 130 triệu USD và phấn đấu có thêm 550.000 lượt khách du lịch đến tỉnh.... Mặc dù, tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn... Do vậy cần những cơ chế chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm đạt mục tiêu tích hợp các chính sách thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo đủ nguồn lực tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phát triển bền vững và phát huy nội lực, lợi thế, tiềm năng của từng vùng, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS, sự hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và MTTQ tiếp tục có được những hoạt động hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ hộ gia đình DTTS và miền núi có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống; thu hẹp, rút ngắn khoảng cách mức sống của người dân trong khu vực.

Hạnh Nguyễn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều