Lai Châu: Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Lai Châu là tỉnh miền núi với 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tỉnh tập trung  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước nâng cao đời sống của người dân, trong đó nhiều mô hình kinh tế của đồng bào DTTS được tỉnh tích cực hỗ trợ.

Đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu tích cực trồng trọt, chăn nuôi

Để đưa Chương trình vào thực tiễn, Lai Châu đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở nhằm đồng bộ trong việc ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ, triển khai và giám sát quá trình thực hiện Chương trình. Tỉnh Lai Châu xác định việc triển khai có hiệu quả Chương trình có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh miền núi, biên giới Lai Châu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS một cách đồng bộ, từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng; bảo đảm an sinh xã hội cho hộ nghèo dân tộc thiêu số; thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập cho đồng bào so với mức bình quân chung của tỉnh.

Công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế luôn được Đảng bộ, chính quyền Lai Châu đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhằm lan tỏa các mô hình phát triển kinh tế, tỉnh Lai Châu đã huy động các hội như: Hội Nông dân xã, Hội Phụ nữ  hợp với các tổ chức chính trị trong huyện, xã tuyên truyền bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận dụng một số nguồn tín dụng từ quỹ hỗ trợ nhân dân của tỉnh, của huyện để hỗ trợ vốn cho bà con. Từ đó, nhiều hộ dân được vay vốn phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại thu nhập cao.

Ngay khi Chương trình được đưa vào triển khai, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Văn bản số 447/UBND-TH ngày 18/2/2022 rà soát nội dung xây dựng thực hiện Chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; trong đó, tập trung vào giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 để tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước xóa dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình, đến nay đã giải ngân 157 tỷ đồng cho 3.011 hộ vay vốn (vay vốn làm nhà 1.629 hộ, số tiền 65,097 tỷ đồng; cho vay đất sản xuất 598 hộ, số tiền 38,462 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở 132 hộ, số tiền 6,580 tỷ đồng; cho vay chuyển đổi nghề 652 hộ, số tiền 46,861 tỷ đồng)…; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng DTTS.

 

Mô hình trồng sâm Lai Châu đem lại giá trị kinh tế cao

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu quý đem lại giá trị kinh tế cao, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 9/11/2022 về Kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng trồng 3.000ha trên địa bàn 6 huyện, định hướng đến năm 2045 phát triển mở rộng vùng trồng lên 7.000ha. Qua rà soát đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt cho cây sâm. Hiện Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Chỉ riêng tại huyện Sìn Hồ có hơn 600 ha dược liệu các loại. Riêng từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120 ha các loại cây dược liệu, trên địa bàn huyện cũng hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.

Các sản phẩm dược liệu qua sơ chế, chế biến đã giúp huyện Sìn Hồ có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Lai Châu. Từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu và trở thành cây trồng giúp người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có thu nhập tốt hơn, xóa đói giảm nghèo nhanh hơn.

Bên cạnh việc trồng dược liệu quý, tận dụng tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Lai Châu đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con DTTS phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung hàng hóa. Qua thực tế tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa đã phát huy hiệu quả. Tại huyện Than Uyên, từ 5 năm trở lại đây, tận dụng đất đai rộng rãi, khí hậu phù hợp bà con nơi đây đã từng bước đầu tư chuồng trại, trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc với số lượng lớn. hiện có 66 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó 50 cơ sở chăn nuôi trâu, bò (quy mô 20 con trở lên); 12 cơ sở chăn nuôi lợn (quy mô 60 con trở lên); 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm (quy mô 500 con trở lên). Tổng diện tích trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc ước đạt 227ha. Trên 90% tại các hộ gia đình chăn nuôi đại gia súc, có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo phòng, chống rét và có dự trữ thức ăn trong vụ đông.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình các tỉnh, thành phố phía Bắc do Uỷ ban Dân tộc tổ chức (tháng 6/2023, tại Tuyên Quang), Lai Châu được ghi nhận là địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS cao, với mức giảm 3,68%, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%. Tỉnh có 5 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều