Mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của thầy thuốc

Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm hộp, cơm phần ăn vội tại phòng trực ở bệnh viện dã chiến; những làn da khô sạm do mất nước, có những bước đi loạng choạng do làm việc quá sức… Nhưng tất cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế đều không rời trận tuyến bởi một điều giản dị: Các anh, các chị là lương y, niềm tin cậy của người bệnh; sự níu kéo cuối cùng của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
 Ảnh minh họa
Đó là những gì thực tế nhất đang diễn ra tại các nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ngay từ khi dịch xuất hiện từ đầu năm 2020, đặc biệt trong đợt thứ 4 này với diễn biến phức tạp, bước vào giai đoạn cam go thì các y, bác sĩ tuyến đầu đã liên tục phải làm việc với cường độ cao trong một thời gian dài bất kể ngày đêm, bất chấp nguy cơ để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng nhưng rất khó khăn, rất nặng nề và nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng vì dịch bệnh không trừ một ai. Điều này thể hiện rất rõ trong công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 7/9 của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn qua những con số. Đó là mỗi bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày phải chăm sóc, quản lý từ 140-150 người bệnh; mỗi ca trực kéo dài 8 - 10 tiếng trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải; suất ăn 120.000 đồng/ngày nhưng khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền Bắc khiến nhân viên khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch. Hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc, có 3 y, bác sĩ trong số đó đã không thể qua khỏi….

Thấu hiểu được điều đó, chia sẻ tại buổi gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tâm sự rằng: “Chúng ta vô cùng xúc động khi các hình ảnh y bác sĩ chiến sĩ, tình nguyện viên sẵn sàng đi vào tâm dịch, đối mặt với các nguy cơ rủi ro, quên đi sức khỏe của bản thân để gác lại việc riêng của gia đình, thậm chí có trường hợp có cha mẹ già yếu, con nhỏ xung phong đi vào điểm nóng của đại dịch, vào tâm dịch ngày đêm miệt mài làm nhiệm vụ trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, dốc hết sức lực, thậm chí kiệt sức. Đó là những điển hình của những "lương y như từ mẫu", hết lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân , vì nhân dân phục vụ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết".

Đúng thế! Vẫn biết chiến trường nào cũng biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Nhưng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Mới đây, “Ranh giới” - phim tài liệu VTV1 công chiếu tối 8/9 phần nào giúp người xem hiểu hơn về những gì thực sự xảy ra nơi tuyến đầu chống COVID-19. Họ phải căng mình làm việc quên giờ giấc. Phim cho thấy sự tất tả của nhân viên y tế và một phần nỗi vất vả khi họ tranh thủ ngủ vạ vật chỗ nào có thể… Chính vì thế mà nó tạo thành một làn sóng chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội kèm những dòng trạng thái đầy trăn trở, xúc động khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và xót thương trước sự mong manh của sự sống và cái chết giữa bệnh dịch. Bộ phim đã giúp nhiều người hiểu rõ hơn những sự hy sinh, tận tụy của các y, bác sĩ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Chúng ta chắc chắn rằng, không một y, bác sĩ nào lại muốn bỏ mặc bệnh nhân của mình hay từ bỏ bất cứ khả năng nào để cứu sống người bệnh. Bởi khi đã chọn ngành nghề này, họ phải thực sự yêu nghề, biết trước sẽ gian nan, vất vả và cả những hy sinh. Nhưng áp lực trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra, không phải ai cũng trụ vững được. Nhiều y, bác sĩ ngất xỉu sau những ngày làm việc liên tục với cường độ cao. Không ít thầy thuốc vừa hoàn thành nhiệm vụ tại những vùng tâm dịch ở miền Bắc, chưa kịp về thăm nhà lại lên đường vào các tỉnh phía Nam tiếp sức trong khi các con đã bước vào năm học mới với rất nhiều việc phải lo.... Có những y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch có người thân qua đời cũng không thể về chịu tang… Thậm chí đã có một số nhân viên y tế kiệt sức, giảm hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ. Đâu đó cũng đã có trường hợp không chịu nổi áp lực.

Những câu chuyện nói trên phần nào cho thấy sự đóng góp, hy sinh to lớn của đội ngũ thầy thuốc cùng các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Lo sợ nguy cơ lực lượng y tế vốn đang phải căng sức có thể sẽ thiếu hụt hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý hành chính hoặc thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề với người tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề. Tuy nhiên, vào thời điểm này, đó không phải là phương án tốt nhất để giữ chân các y, bác sĩ. Họ cần thời gian để phục hồi, do đó, quan tâm đến chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi dành cho các y, bác sĩ mới là điều quan trọng. Điều này cần làm ngay để động viên kịp thời đối với họ.

Bởi cuộc chiến với dịch bệnh còn kéo dài, lực lượng y, bác sĩ vẫn sẽ là thành trì vững chắc không thể thiếu. Do đó, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần dành sự quan tâm, động viên, khích lệ, chăm lo chu đáo hơn nữa cả về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu. Cần điều chỉnh chế độ đãi ngộ sao cho bảo đảm các điều kiện giúp y bác sĩ vừa chăm sóc bệnh nhân hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân. Đặc biệt, lên kế hoạch điều phối, phân công, có sự chia sẻ của các tỉnh, thành phố khác để giảm tải cho lực lượng y tế. Đồng thời kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng để khích lệ, động viên, nhân rộng điển hình; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch làm cơ sở để đánh giá, sử dụng cán bộ sau này… Có như vậy, mới có thể giữ chân được các y, bác sĩ tuyến đầu, vừa không dập tắt nhiệt huyết với nghề của họ.

 Những hình ảnh trong phim tài liệu "Ranh giới" gây xúc động đặc biệt cho người xem.  
Đất nước ghi nhận sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến  "chống giặc” COVID-19 vô hình này. Tuy nhiên, vì cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn chông gai, con đường đi còn nhiều gian khó, tính mạng các “chiến sĩ áo trắng” đang rình rập và những hy sinh, thiệt thòi đó là để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, an toàn cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành liên quan cần nhanh hơn nữa để tìm các giải pháp phù hợp như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Vì dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng việc nghiên cứu bổ sung những chế độ, chính sách ưu đãi dành cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu rất cần thiết.

Có thể những hỗ trợ chưa được như kỳ vọng nhưng đó là sự ghi nhận những hy sinh, cống hiến của cán bộ y tế, thể hiện sự quan tâm đến lực lượng này trong lúc khó khăn. Đó chính là cách giữ chân các y, bác sĩ tốt nhất mà không cần phải dùng đến mệnh lệnh hành chính nào. Vì tất cả đều sẵn sàng lên đường, không chỉ là chấp hành quyết định của cấp trên mà còn là mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của người Thầy thuốc…/.

Theo Thu Hà/Báo điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều