Một thế kỷ ‘Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin’

Lịch sử thế kỷ XX cho biết, lần đầu tiên V.I. Lenin viết bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (gọi tắt Luận cương Lenin) để trình tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Bản thảo vừa viết xong, tạp chí Quốc tế cộng sản đăng ngay lên số ra ngày 14/7/1920; báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp cũng đăng trong số ra ngày 16 và 17/7/1920. Vừa kịp lúc cuộc tìm kiếm của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa đã trải qua 10 năm, đưa ông đến Đảng Xã hội Pháp.
 

Báo Nhân đạo đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin - Ảnh tư liệu

Người đảng viên thuộc địa duy nhất lúc đó tham gia thảo luận của Đảng Xã hội Pháp về các Quốc tế có nhiều điều chưa hiểu: “Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy? Với Quốc tế thứ hai, hoặc thứ hai rưỡi, hay là thứ ba, thì người ta cũng đều làm được cách mạng cả, sao lại phải cãi nhau? Và còn Quốc tế thứ nhất nữa, người ta đã làm gì với nó rồi?” Thực ra đối với Nguyễn Ái Quốc lúc này, “Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp - là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”; Người nhớ lại: “Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi… Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo”.

Nguyễn Ái Quốc không dễ đọc văn kiện trên báo tiếng Pháp, càng khó thấu hiểu tư tưởng mới của người sáng lập Quốc tế cộng sản, ông thấy “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính”. Người viết trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lenin (1960): “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Như người đi tìm chân lý đã bắt gặp và “vui mừng đến phát khóc lên”, cảm xúc ấy có thể liên tưởng với niềm vui của Archimedes nhảy ra ngoài phố reo lên Eureka (Tìm ra rồi) khi nhà vật lý học phát hiện ra nguyên lý về lực đẩy hồi thế kỷ III trước Công nguyên. Nhưng Eureka là kết quả của sự tình cờ, không phải 10 năm đi và tìm kiếm như Nguyễn Ái Quốc. Những khát khao mong đợi suốt chặng đường dài được Luận cương Lenin giải đáp trúng bằng nhiều tư tưởng chiến lược lớn: Các dân tộc, da trắng hay da vàng, da đen, kể cả dân tộc thuộc địa đều có quyền tự quyết; Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc phải ủng hộ, giúp đỡ phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc; Các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc muốn giải phóng phải chống cả ách thống trị của nước ngoài lẫn các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình. Nhiệm vụ của cách mạng vô sản là đoàn kết chặt chẽ phong trào đấu tranh, thực hiện liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức; Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới…

Cuộc khảo sát 10 năm “đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi”, qua “những đất tự do, những trời nô lệ”, đã thấy nhiều “con đường cách mạng”, nghiên cứu cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789… Nhưng chỉ đến khi đọc Luận cương Lenin, Nguyễn Ái Quốc mới nhận ra “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”, vì vậy “đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”. Cũng chính Luận cương đã chỉ dẫn Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu Cách mạng tháng Mười để nhận thấy: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”; “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”.

Nguyễn Ái Quốc “hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III” bằng hành động bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III” (cuối năm 1920), cùng các đồng chí chân chính trong Đảng Xã hội Pháp đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp (đầu năm 1921). Người tìm thấy sự chỉ dẫn về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và điều thôi thúc Người hành động là đem Luận cương Lenin “về quê Việt”.

Trong 25 năm sau đó (1920-1945), bằng những hoạt động vận dụng sáng tạo để tạo ra hai bước ngoặt cơ bản: Xây dựng Đảng kiểu mới và xác lập quyền lãnh đạo cho Đảng ấy trong thực tiễn cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên hiện thực hóa Luận cương Lenin ở thuộc địa, mở ra bước phát triển dài lâu của con đường cách mạng vô sản Việt Nam.

Trong 10 năm đầu (1920-1930), phải “chọc thủng lưới sắt của thực dân Pháp” để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin và ảnh hưởng Cách mạng tháng Mười về thuộc địa, thành lập “Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lenin”. Đến ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tạo ra “bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam”.

Tiếp theo là 15 năm đưa Đảng ra trường tranh đấu, từng bước lãnh đạo phong trào dân tộc qua nhiều cao trào cách mạng. Khi xuất hiện thời cơ thuận lợi (tháng 8/1945), với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng phát động và tổ chức lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Thế là “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Từ đó Đảng tổ chức, xây dựng, phát triển, củng cố nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân và Đảng tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật của nhà nước cách mạng ấy. Đảng là thành viên trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất và đảm đương vai trò lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng không ngừng xây dựng và phát triển năng lực lãnh đạo, cùng toàn dân kháng chiến trường kỳ giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc (1945-1975), xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện công cuộc Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế (1975-nay). Quá trình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn luyện Đảng cầm quyền với nhiều “bảo bối” bằng những lời chỉ dạy cặn kẽ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (1947), “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (1960), “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (1969).

Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên viết thật gọn sự kiện lịch sử tháng 7 năm 1920: “Luận cương đến Bác Hồ/Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin”. Một thế kỷ đã qua, đất nước và nhân dân thực hiện con đường cách mạng được vận dụng sáng tạo từ Luận cương Lenin, làm nên những đổi thay to lớn và trọng đại, xác tín cả một hành trình tìm đường cứu nước “giúp đồng bào chúng ta”. Vậy nên càng thấm thía lời Người chỉ giáo: “Chủ nghĩa Lenin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới”.

Theo Hà Minh Hồng/Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều