Nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

(Mặt trận) - Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hàng năm là chủ trương có ý nghĩa chính trị và mang giá trị thực tế rất tích cực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, để việc tổ chức Ngày hội tránh đi vào lối mòn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hình thức sinh hoạt có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò Dân là gốc, Dân là chủ và Dân làm chủ rất cần có sự đổi mới hơn nữa hoạt động này để luôn đúng với ý nghĩa là “Ngày hội” thực sự của toàn dân.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được thực hiện nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/1996) theo Thông tri số 226-TT/MTTW của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Khoá IV) ban hành ngày 7/10/1996, tiếp theo là Nghị quyết số 04-NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoá V) ban hành ngày 1/8/2003.

Đây được xem là ngày hội có sức lan toả lớn hàng năm của Mặt trận không chỉ nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh mà còn là dịp tổng kết, đánh giá, định hướng công tác Mặt trận cùng các hoạt động văn hoá - xã hội của các khu dân cư, cộng đồng dân cư.

Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tri và Nghị quyết để Mặt trận các cấp thực hiện, kêu gọi hưởng ứng và tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một sự kiện chính trị quan trọng, một trong những hoạt động đánh dấu sự đổi mới một bước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước.

 Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tháng 9/2023.     ẢNH: QUANG VINH

Đây là một điểm sáng của Mặt trận cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có tư duy, nhận thức mới về vai trò của quần chúng Nhân dân, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, để tổ chức được Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc như nói trên là cả một chặng đường phấn đấu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bằng Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 18/4/1983) đã làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt những yêu cầu của Đảng về việc hướng mạnh hoạt động của Mặt trận về cấp cơ sở bằng những hình thức, phương thức hoạt động phù hợp nhằm tạo ra cuộc sống mới ở các khu dân cư, cộng đồng dân cư.

Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 465-CV/TW ngày 26/3/1986 về việc lấy ngày 18/11 hàng năm là ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh (ngày 18/11/1930) làm ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 18/11 hàng năm không chỉ là dịp để các cấp Mặt trận lấy làm ngày kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà với mỗi khu dân cư còn trở thành Ngày hội với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng của địa phương mình.

Thông tri số 226-TT/MTTW của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 7/10/1996 nêu rõ: “Nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/1996) sẽ tổ chức liên hoan động viên phong trào ở các khu dân cư và từ nay hàng năm lấy ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) tổ chức thường xuyên hoạt động này lấy tên là “Ngày hội đoàn kết toàn dân” nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đoàn kết của dân tộc ta; biểu dương sức mạnh đoàn kết của Nhân dân trong khu dân cư; biểu dương người tốt, việc tốt, biểu dương tổ, nhóm đoàn kết, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu đã có những cố gắng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” và tạo không khí đoàn kết, phấn khởi, vui tươi như một ngày hội thực sự của nhân dân”1.

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục có Nghị quyết số 04-NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất giao Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tri (số 10/TT/MTTW ngày 4/8/2003) hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên tổ chức có kết quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11), Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuỳ theo yêu cầu, điều kiện từng năm đều có định hướng, chỉ đạo cho các cấp Mặt trận thực hiện tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đầy ý nghĩa này ở các khu dân cư, cộng đồng dân cư. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương cho đến các đồng chí lãnh đạo các cấp ở địa phương đến ngày này đều về chung vui ngày hội với Nhân dân càng tạo thêm sự gắn bó mật thiết, gần gũi giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Có thể nói, đây chính là cụ thể hoá một bước Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, thể hiện nhận thức về đại đoàn kết toàn dân tộc có những bước phát triển mới “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”2. Đây là những tư tưởng rất quan trọng, làm tiền đề để từng bước Đảng hoàn thiện tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xem đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực chủ yếu để phát triển đất nước.

Chính vì vậy, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là từng bước các tầng lớp nhân dân được nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường cùng nhau đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức chung lòng ủng hộ công cuộc đổi mới đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân là gốc, dân là chủ và dân làm chủ, là “lấy sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân, chăm lo cho dân” được hiện thực hoá qua hàng loạt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận, các đoàn thể, bộ ngành Trung ương phát động hoặc phối hợp phát động và tổ chức thực hiện như:

“Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phát huy dân chủ ở cơ sở”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… đã có tác dụng cổ vũ, lan toả thành phong trào cách mạng sâu rộng cùng hướng đến mục tiêu chung, tạo sự cố kết, đồng thuận xã hội, tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau cùng hướng tới tương lai tươi sáng chung của đất nước. Về thực chất đây cũng chính là cơ sở, nền tảng giúp cho Đảng ta từng bước hoàn thiện đường lối chiến lược về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.

Từ khi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp 18/11 hàng năm, công tác Mặt trận đã không còn là việc riêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà ngày một thu hút sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, cả đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Nói cách khác, đây còn là bước đổi mới của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện cơ chế dân chủ, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vận động và tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào các công việc quản lý nhà nước và xã hội, mặt khác cũng giúp tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thì việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã thực sự là bước đưa dân chủ vào thực tiễn cuộc sống mạnh mẽ hơn, để người dân được thực hành dân chủ nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Với sự nỗ lực của Mặt trận các cấp, sự cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã động viên được tối đa sức mạnh quần chúng nhân dân; ý thức tự lực, tự cường, tính tích cực xã hội của từng người dân được phát huy. Đây chính là cơ sở cho những thay đổi từ trong nhận thức đến hành động, nhất là tư duy về làm ăn phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thực hiện chính sách với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ gìn kỷ cương phép nước; phòng, chống tệ nạn xã hội… theo tinh thần 5 nội dung cơ bản của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đến cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị vặn minh” đề ra.

Trên phạm vi cả nước đã có nhiều hộ gia đình được sự chung tay giúp sức của tổ chức đảng, các cấp Mặt trận, chính quyền, đoàn thể xã hội đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đưa quê hương đất nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Cũng thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm mà truyền thống văn hoá dân tộc tốt đẹp của quê hương, đất nước, cộng đồng xã hội được tôn vinh, đề cao, trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp.

Các giá trị đạo đức, tính nhân văn, lòng nhân ái “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách” thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày một thấm sâu, bám chắc vào từng cộng đồng, từng người dân. Phong trào xây dựng môi trường văn hoá; gia đình văn hoá; thôn, bản, tổ dân phố văn hoá; bảo vệ môi trường sinh thái cũng qua đó mà được định hình, phát triển ngày một góp phần khơi dậy ý thức tự giác, tính tích cực xã hội, tinh thần làm chủ của mỗi một người dân.

Mỗi năm vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là dịp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống chính trị nói chung biểu dương, khen thưởng cho những tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, có nhiều thành tích tiêu biểu trong lao động, học tập, công tác, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Đây cũng là dịp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, hệ thống chính trị nói chung tổ chức các hoạt động thiết thực như: trao tặng “Nhà tình nghĩa”, nhà “Đại đoàn kết”, trao tặng sổ tiết kiệm, vốn hoặc quà bằng tiền, hiện vật hoặc con giống, vật nuôi cho các hộ gia đình gặp khó khăn, thương binh, gia đình có công với nước, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa… với rất nhiều ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc.

Hầu khắp các địa phương trong kế hoạch, chương trình tổ chức điều hành Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đều chia thành 2 phần: phần hội và phần lễ. Đây là cơ chế “mở” cho các khu dân cư, cộng đồng dân cư ở khắp các vùng miền khác nhau trong cả nước mặc sức sáng tạo tuỳ theo yêu cầu, điều kiện, khả năng của mỗi địa phương như: tổ chức biểu diễn văn nghệ, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian theo truyền thống, phong tục địa phương, giao lưu văn hoá… với phần hội và ôn lại truyền thống lịch sử văn hoá địa phương, lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, hành trình phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo đánh giá công tác Mặt trận trong năm, hội thảo, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong lao động, hoạt động, công tác… của phần lễ.

Nhiều khu dân cư còn có sáng kiến tổ chức thành các đoàn đi tham quan, giao lưu học tập, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, thậm chí tổ chức “bữa cơm thân mật”, tạo sự gần gũi chân tình, làm tăng tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư do Ban Công tác Mặt trận ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, phum, sóc đứng ra tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận cấp trên. Song thực tế việc chuẩn bị và tổ chức ngày hội luôn có sự tham gia tích cực, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, bao gồm: tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Điều đó càng nói lên tầm quan trọng cũng như ý nghĩa đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Qua đó càng cho thấy, hệ thống chính trị ở cơ sở nước ta thực sự đã có sự đổi mới. Vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, hướng về người dân và ngày càng có sự gắn kết với Mặt trận.

Điều quan trọng hơn, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là dân chủ và đoàn kết được củng cố, mà việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là minh chứng rõ nhất cho thấy không chỉ dân chủ ngày một gắn bó với đoàn kết, tăng cường đoàn kết mà qua đó dân chủ ngày một thấm sâu vào xã hội, là động lực thúc đẩy tính tích cực xã hội, tinh thần làm chủ của mỗi một người dân cùng chung tay, chung sức tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, mặt tích cực, những thành tựu đã đạt được, thực tiễn từ khi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 hàng năm cũng cho thấy, còn một số mặt hạn chế, còn nhiều việc phải làm để việc tổ chức ngày hội nói trên được hoàn thiện, có hiệu quả tốt hơn. Do việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác nên không tránh khỏi chương trình, nội dung tổ chức ở một số địa phương đi vào lối mòn. Số đông các khu dân cư thường có không gian sinh hoạt cộng đồng nhỏ hẹp nên số lượng người dân tham gia còn hạn chế, chủ yếu là số cán bộ trong hệ thống chính trị khu dân cư và đại diện số ít hộ gia đình người dân.

Chính vì vậy sự lan toả cũng như hiệu quả tuyên truyền, giáo dục của việc tổ chức ngày hội bị hạn chế, cần có sự quan tâm đổi mới để ngày hội thực sự của toàn dân. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở. Trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị, cầu nối mật thiết của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với Nhân dân. Nhân tố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước trong thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích:

1.   Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Tập III (1975 - 2000). Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2004. tr. 625 - 626.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật. H. 1987. tr. 29.

 

Nguyễn Quang Du -  Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ

và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều