Nghị quyết đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ thực hiện khát vọng phát triển đất nước

(Mặt trận) -  Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết 23), Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII họp từ ngày 2 đến 8/10/2023 đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43). Nghị quyết 43 đã kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng về đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với tình hình mới, nhất là các quan điểm của Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, Nghị quyết 43 được xem là Nghị quyết đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - truyền thống và sức mạnh

Tiêu đề của Nghị quyết: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc trong cả tọa độ không gian và thời gian, đồng thời thể hiện được khát vọng phát triển đất nước của cả dân tộc mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Nói đến truyền thống là nói đến sự kế tục không đứt đoạn trong dòng lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao biển hỗ trợ kinh phí xây dựng 40 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương cho tỉnh Sơn La. (Ảnh minh họa)

dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã cố kết tạo nên bức thành lũy vĩ đại để chiến đấu và chiến thắng thiên tai, địch họa. Cùng với yêu nước, đoàn kết đã trở thành “từ khóa” của những thắng lợi, thành công trong lịch sử và bản sắc dân tộc Việt Nam. Nghị quyết 43 đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nói đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nói đến sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc được tạo nên bởi sự cố kết chặt chẽ của các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong và ngoài nước thành một khối vững chắc, sự cộng hưởng giữa người Việt Nam với bè bạn quốc tế. Đó là “kết cấu” của đại đoàn kết toàn dân tộc được nhìn theo lát cắt không gian.

Sẽ là phiến diện nếu chỉ đề cập đến đại đoàn kết toàn dân tộc như một truyền thống hoặc như một sức mạnh. Do vậy, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một chỉnh thể hoàn thiện, kết hợp giữa giá trị tinh thần và vật chất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được người Việt Nam kế thừa, trao truyền và phát huy từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Tiêu đề của Nghị quyết 43 đã thể hiện một cách súc tích quan điểm của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc và mục tiêu của đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Nền tảng của đại đoàn kết

Đây là vấn đề cốt lõi, là nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam là đường lối hướng tới số đông quần chúng lao động. Nghị quyết 23 cùng nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng xác định nền tảng của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên nền tảng này không ngừng mở rộng, đoàn kết với tất cả các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, cách xác định nền tảng đại đoàn kết này đã bó hẹp trong phạm vi kết cấu giai cấp, không thấy được các mối quan hệ phong phú, đa dạng đan xen trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đến Nghị quyết 43, quan điểm về nền tảng đại đoàn kết toàn dân tộc có sự đổi mới quan trọng. Không chỉ là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc còn được Nghị quyết xác định: “là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”. Như vậy, nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc được nhìn nhận qua các chiều cạnh mới như: mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân; đoàn kết trong nội bộ Đảng; đoàn kết trong xã hội; đoàn kết với bạn bè năm châu. Đoàn kết trong Đảng được đặc biệt coi trọng, bởi đó “là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”.

Để xử lý tốt những vấn đề mới nảy sinh trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết yêu cầu phải: “Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm rõ sự phân hóa, biến đổi của các giai tầng xã hội trong quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng; nội dung cốt lõi của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Xây dựng và triển khai Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đại đoàn kết để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Nghị quyết 23 xác định: “Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng” để đoàn kết các giai cấp, thành phần xã hội trên tinh thần cởi mở, tin cậy, hướng tới tương lai. Sau 20 năm, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Vượt lên trên thách thức, đất nước ta đang đứng trước vận hội mới. Đại hội XIII của Đảng đã tuyên bố khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, ý Đảng đã quyện với lòng dân, do đó có sức hiệu triệu mạnh mẽ mọi người dân yêu nước chân chính. Đại hội XIII của Đảng trở thành một dấu mốc, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Nghị quyết 43 đã xác định: “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân”. Khát vọng phát triển đất nước và đại đoàn kết toàn dân tộc có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với nhau. Muốn thực hiện khát vọng phát triển đất nước thì phải đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy khát vọng phát triển đất nước làm điểm tương đồng.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết 43 xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Dân chủ và đoàn kết có mối liên hệ biện chứng với nhau, dân chủ giúp cho đoàn kết thực chất và chặt chẽ, đoàn kết giúp củng cố và phát huy dân chủ. Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra sự cộng hưởng, nhân lên sức mạnh tổng hợp của đất nước, thể hiện nét đặc thù và tính ưu việt của chế độ ta. Dân chủ cũng là phương thức để giải phóng tiềm năng, phát huy sức sáng tạo vô cùng, vô tận của Nhân dân.

Để hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, Nghị quyết 43 đã đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nếu Nghị quyết 23 chú trọng đến các chính sách mang tính “hỗ trợ” cho sự phát triển của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, thì Nghị quyết 43 lại chú trọng đến các chính sách phát huy nội lực của các giai cấp, tầng lớp. Đây cũng là sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta trong chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân.

Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lần đầu tiên được nêu ra trong Đại hội XIII của Đảng, và được Nghị quyết 43 tiếp tục khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết xác định nhiệm vụ: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động, đoàn kết Nhân dân, trọng tâm là địa bàn cơ sở đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt hoạt động giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và đảng viên trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ. Tuyên truyền, vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để làm tốt vai trò đó, Nghị quyết 43 yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; bảo đảm hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên”.

Mặt trận không bó hẹp trong cơ quan chuyên trách, không phải là một tổ chức quần chúng để tự đề ra và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống cơ quan chuyên trách, cũng không phải là cơ quan cấp trên có chức năng chỉ đạo các thành viên trong Mặt trận. Một trong những đặc điểm của loại hình tổ chức liên minh là tính tự nguyện và bình đẳng giữa các thành viên trong cả tổ chức và hoạt động. Hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động vừa là nguyên tắc tổ chức, vừa là phương thức hoạt động cơ bản nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để phát huy được vai trò của tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự là một người nhạc trưởng, không bao biện làm thay các thành viên; mọi chủ trương, quyết sách đều phải được các thành viên bàn thảo dân chủ, xây dựng để trở thành ý chí và quyết tâm chung, từ đó cụ thể hóa thành nhiệm vụ của tổ chức mình để thực hiện. Sức mạnh của Mặt trận là tổng hòa sức mạnh của các thành viên trong mối liên hiệp có tổ chức. Nói cách khác, Mặt trận phải làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động giữa các thành viên; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các thành viên trong việc thực hiện chương trình hành động chung của Mặt trận. Có làm được như vậy, Mặt trận mới thực sự làm tốt vai trò nòng cốt chính trị trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân.

Nghị quyết 43 cũng yêu cầu, Mặt trận phải chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực lãnh đạo, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những biến đổi trong cơ cấu và giai tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Có thể nói, Nghị quyết 43 đánh dấu sự phát triển mới trong tư duy lý luận về đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta, là cơ sở để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh tổng hợp của dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Những quan điểm mới trong Nghị quyết 43 là động lực mới, sức sống mới cho sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

CHU VĂN KHÁNH - Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm

Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

** BÙI THỊ HOÀN - Thạc sĩ, Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều