Người Vân Kiều, Tà Ôi có cuộc sống ngày càng no ấm

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em sinh sống với nhau qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có hai dân tộc sống ở vùng miền tây khu vực Trị Thiên cũ, là người Vân Kiều, Tà Ôi được vinh dự mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Mô hình trồng cây bời lời lấy vỏ làm kinh tế của người dân tộc Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa.

Trong chiến tranh, người Vân Kiều và Tà Ôi một lòng theo Đảng, ủng hộ cách mạng. Ngày nay, họ luôn năng động thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế để thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Khi chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi ở phía tây Trị Thiên, tặng các già làng nhiều áo lụa và ảnh Bác Hồ, truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Bác và của Đảng, tất cả các dân tộc đều là anh em, bình đẳng yêu thương nhau.

Khi lên danh sách cử tri, mọi người chỉ cho biết tên mình và nói rằng tất cả người Vân Kiều, Tà Ôi đều là con cháu của Bác Hồ, mang họ Hồ. Già làng cho dân bản biết Bác Hồ lãnh đạo họ đánh giặc, dạy học chữ, làm rẫy để có gạo ăn, thay củ sắn, củ mài. Hình ảnh Bác Hồ được người Vân Kiều, Tà Ôi đón nhận như ngọn lửa bừng sáng giữa đêm tối mịt mùng. Từ năm 1946 đó, trong thẻ cử tri của mình, người Vân Kiều, Tà Ôi đã mang họ Hồ.

Ông Hồ Ray là người Vân Kiều, nguyên đại biểu Quốc hội khóa IV, V, VI, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị khi còn sống đã nhiều lần kể chuyện cho người Vân Kiều, Tà Ôi nghe: Khi biết tin Bác Hồ vào thăm tỉnh Quảng Bình, người Vân Kiều, Tà Ôi cử đoàn đại biểu do ông Hồ Ray đại diện đến gặp Bác ngày 16/6/1957 để xin cho dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi được mang họ Hồ của Người. Biết rõ ước vọng đó, Bác đã dành cho người Vân Kiều, Tà Ôi những tình cảm thiết tha. Người đã gửi gương soi mặt in hình đất nước, xà-phòng thơm và khăn mặt tặng người Vân Kiều, Tà Ôi. Những món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng bao nhiêu nghĩa tình, gửi gắm.

Anh Hồ Văn Cường là người dân tộc Vân Kiều ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi. Anh Cường đã xây dựng được cho gia đình mình một trang trại tổng hợp với gần 10ha tràm, 2ha cây bời lời. Tổng thu nhập của gia đình anh từ trang trại khoảng vài trăm triệu đồng/năm. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Hồ Văn Cường còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách xây dựng mô hình kinh tế cho các gia đình trong vùng.

Gia đình anh Cường có 3 người con, người con đầu đã tốt nghiệp đại học, con thứ hai và con út đang theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường học tại địa phương. Còn anh Hồ Văn Lô là người dân tộc Tà Ôi ở thôn A Dơi Cô, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cũng có mô hình phát triển nông nghiệp gồm hơn 2ha cao-su cho khai thác mủ kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản. Anh Lô cho biết, từ ngày được cán bộ hướng dẫn cách phát triển kinh tế thì cái nghèo bao đời qua đã biến mất, cả gia đình đã được ấm no, bây giờ đang hướng đến cuộc sống sung túc hơn.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Lệ Hà cho biết: Anh Cường, anh Lô là hai trong rất nhiều nông dân người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi sản xuất giỏi. Người Vân Kiều, Tà Ôi còn có nhiều mô hình kinh tế tốt như trồng chuối xuất khẩu, trồng sắn lấy tinh bột xuất khẩu, trồng cà-phê, chăn nuôi trâu bò…

Trên hết, họ luôn có tấm lòng chung thủy, trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc, luôn năng động thay đổi nếp nghĩ, chuyển cách làm kinh tế để thoát nghèo, khát vọng vươn lên có cuộc sống no ấm bền vững. Hiện nay, dân tộc Vân Kiều có gần 100 nghìn người, dân tộc Tà Ôi có hơn 20 nghìn người, sinh sống chủ yếu tại hai huyện Hướng Hóa, Đakrông, một phần nhỏ ở huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Những năm qua, nhờ nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp cho nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch năng động, đúng hướng; sản xuất nông nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra được người tiêu dùng đón nhận. Các tiềm năng, lợi thế được khai thác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị được hiệu quả hơn, mong muốn các cấp, ngành Trung ương tăng cường hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa, nhất là các hướng dẫn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy cao nhất hiệu quả, tính nhân văn trong chính sách.

Tại địa phương, mong muốn cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. Các sở, ngành cần có hướng dẫn kịp thời, cụ thể hóa từng chủ trương, chính sách để các cấp chính quyền triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển nhanh nhằm sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, thúc đẩy đời sống người dân ngày càng có chất lượng, góp phần ổn định xã hội.

Theo LÂM QUANG HUY/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều