Phát triển bền vững vùng Đông Bắc, góp phần xây dựng khối đoàn kết các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Vùng Đông Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng của nước ta. Đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên một nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng Đông Bắc nói riêng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở vùng miền núi Đông Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong chiến lược phát triển đất nước, vùng Đông Bắc cần được tiếp tục quan tâm, nghiên cứu và có những giải pháp phù hợp kịp thời trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.

Kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc vùng Đông Bắc trong thời gian qua

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và khu vực Đông Bắc nói riêng. Trong đó, đặc biệt là một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện ở các tỉnh khu vực Đông Bắc như: Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định 551/QÐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình 135, giai đoạn III; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vượt qua đói nghèo; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015; Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;...

 Đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang.      ẢNH: QUANG VINH

Ngoài ra, còn có một số chính sách về giáo dục, y tế đã được Chính phủ ban hành trong suốt những năm qua như Quyết định số 661/GDĐT ngày 29/6/1985 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động các trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm, vị trí, kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của các trường phổ thông dân tộc nội trú trên toàn quốc.

Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội miền núi, từ năm 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chính sách tuyển sinh, mở các lớp riêng hệ cử tuyển tại một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về cán bộ là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chính sách này là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số; Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2015”; Quyết định số 139/2002/TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo;…

Gần đây là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc đã đồng tâm, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, từng bước nâng cao đời sống. Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp nhau cùng phát triển, hộ khá giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào giúp đỡ nhau chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình giúp đỡ nhau phát triển sản xuất đã được triển khai có hiệu quả ở các địa phương. Trong đó, phải kể đến vùng cây ăn quả mang lại thu nhập và kinh tế cho đồng bào các dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu của người dân nơi đây như:

Vùng cây ăn quả; vải thiều; mô hình nuôi gà đồi ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (hiện nay, phong trào nuôi gà đồi ở huyện Yên Thế và đã nhân rộng mô hình nuôi sang các huyện như Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang),…; các mô hình trồng cây thanh long, mận, hồng, đào, cam... (tỉnh Hà Giang); mô hình trồng quýt, bưởi, cam, chanh (Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai); mô hình trồng cây ăn quả của các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả Quang Vinh, mô hình trồng cây ăn quả tại phường Nông Tiến ở thành phố Tuyên Quang, cam sành Hàm Yên và một số mô hình trồng cây ăn quả có múi khác ở tỉnh Tuyên Quang,…; mô hình trồng na ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, các mô hình na trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tập trung ở các vùng na chính của huyện như: thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, xã Quang Lang, Mai Sao,...; vùng Chè Phú Thọ, mô hình nuôi gà chín cựa ở huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ),…; vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) hay còn gọi là chè Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, Hợp tác xã chè La Bằng (tỉnh Thái Nguyên),… Chè Tân Cương là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm qua. Với địa hình đồi thấp trùng điệp, những mô hình đồi chè đẹp mắt, đến nay vùng đặc sản chè Tân Cương đang dần chuyển mình thành những điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng thu nhập cho người dân…

Nhờ đó, kinh tế của các tỉnh khu vực Đông Bắc đã có sự tăng trưởng khá và đồng đều, cơ cấu kinh tế của vùng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ lệ ngành nông, lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đã thường xuyên tăng với mức khá cao. Cũng chính nhờ sức mạnh của toàn thể nhân dân các tỉnh khu vực Đông Bắc đã góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao.

Đồng bào các dân tộc đã góp công, góp của để xây dựng cơ sở hạ tầng, trực tiếp phục vụ đời sống. Không chỉ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng quê hương, đồng bào các dân tộc ở khu vực Đông Bắc còn cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống cộng đồng. Nhiều bản làng đã xây dựng nếp sống văn minh, gắn với việc phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, một số lễ hội truyền thống được khôi phục và phát triển. Trình độ dân trí được nâng lên, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện rõ rệt, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, trong thời gian qua việc triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc ở khu vực Đông Bắc đã đạt được những kết quả đáng kể như sau:

Một là, tập trung ổn định và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cộng đồng các dân tộc. Trong những năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, khu vực Đông Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong công tác định canh, định cư chính quyền các địa phương các tỉnh khu vực Đông Bắc đã hỗ trợ đồng bào định canh định cư, ổn định đời sống. Đến nay, đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức định canh, định cư; các bản, làng được bố trí lại cho phù hợp với quy hoạch khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất, chấm dứt tình trạng du cư, giảm hộ đói, nghèo.

Đồng thời, khu vực Đông Bắc đã mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, vùng Đông Bắc còn phát triển theo các tuyến và các cực - Việt Trì: Theo hai tuyến sông Thao, sông Chảy và sông Lô trên cơ sở khai thác thiếc, thuỷ điện Thác Bà, chè Phú Thọ - Sơn Dương, khai thác apatit, chế biến gỗ, du lịch Tân Trào - Sa Pa - Thái Nguyên: Với hai tuyến quốc lộ 3 và liên tỉnh 13 dọc theo sông Cầu, trên cơ sở khai thác quặng sắt, than, thiếc, chì, kẽm; phát triển cơ khí Gia Sàng, kính Đáp Cầu, chè Thái Nguyên, du lịch hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, hang Pác Bó. Hình thành nên các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội, các cụm công nghiệp, các khu dân cư tập trung, một số thành phố, thị xã. Dân số ở thành thị ngày càng tăng, trong khi dân số ở nông thôn có xu hướng giảm, đặc biệt những năm gần đây dân số ở thành thị tăng nhanh hơn. Nhờ ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng tăng lên.

Nền kinh tế các tỉnh khu vực Đông Bắc có sự tăng trưởng khá và đồng đều, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Đồng thời, cơ cấu kinh tế của vùng cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực.

Các tỉnh khu vực Đông Bắc đã tăng cường phát triển công nghiệp, nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ lệ ngành nông, lâm nghiệp và dịch vụ, trong đó, Thái Nguyên có sự dịch chuyển cơ cấu ngành mạnh mẽ và theo hướng tích cực hơn. Kinh tế tăng trưởng, phát triển tạo điều kiện thuận lợi cải thiện đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người đã thường xuyên tăng với mức khá cao.

Đời sống của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Các tỉnh khu vực Đông Bắc ngày càng có nhiều hộ gia đình biết vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính sức lao động của mình, nhiều mô hình giảm nghèo đã được nhân rộng. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã mang lại những lợi ích thiết thực, đặc biệt chính sách xóa đói, giảm nghèo đã tác động toàn diện đến đời sống đồng bào các dân tộc.

Hầu hết, đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng vươn lên hòa nhập vào sự phát triển chung, góp phần to lớn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc. Đồng thời, những kết quả đạt được cũng chứng tỏ khả năng vươn lên làm chủ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Tuyên Quang triển khai hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. ẢNH: HẢI YẾN


Hai là
, đội ngũ cán bộ các dân tộc được quan tâm xây dựng vững mạnh. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc từng bước được điều chỉnh hợp lý hơn. Hầu hết, các địa phương đều chú trọng trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức, thực hiện chế độ đối với cán bộ ở cơ sở, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được tăng cường về số lượng, trình độ, cơ cấu ngày càng hợp lý hơn.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng có bước trưởng thành, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền nhà nước, các đoàn thể quần chúng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, củng cố đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Sự tham gia ngày càng đông đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vào cơ cấu chính trị địa phương, cùng với đó là sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, một mặt thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm bình đẳng về quyền lợi chính trị cho đồng bào các dân tộc thiểu số, mặt khác cũng phản ánh sự trưởng thành về ý thức chính trị của đồng bào các dân tộc.

Ba là, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Đời sống văn hóa ngày càng phong phú. Nằm trong vùng có nhiều nền văn hóa dân tộc bản địa cùng với sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc cộng với xu hướng mở cửa hội nhập, nền văn hóa nói chung của vùng núi Đông Bắc trong những năm qua có những đổi thay đáng kể. Những tập quán sản xuất vẫn còn được duy trì như: tập quán sinh sống của người Mông trên cao, người Tày, người Nùng lại có thói quen làm ruộng nước theo kiểu bậc thang;... nhiều ngành nghề thủ công như đan lát, dệt vải thổ cẩm, đúc gang, đục đá, làm gạch, chưng cất tinh dầu, khai thác và chế biến thuốc quý,… vẫn còn tồn tại, là một trong những nguồn thu nhập chính góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào, đem lại diện mạo mới cho vùng cao.

Hiện tượng tiếp biến văn hóa xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi đã tác động mạnh đến lối suy nghĩ của nhiều tộc người; cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thay đổi cả kinh tế, chính trị, xã hội lẫn lối sống, nhận thức của con người. Nền văn hoá vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát triển phong phú hơn, đời sống văn hóa của đồng bào được nâng cao một bước, văn hoá truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, nhiều hoạt động văn hoá cũng được khôi phục và phát triển, nhiều lễ hội, nhiều phong trào hoạt động mới được được khuyến khích. Nhiều dịch vụ xã hội đã đến được với người dân vùng sâu, vùng xa (thông tin, tín dụng, bảo hiểm, khám, chữa bệnh…), đảm bảo chất lượng hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể thao, du lịch; hoạt động rộng khắp hơn, xây dựng nhiều chương trình mới và tăng thời lượng phát sóng có hiệu quả phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, đặc biệt hướng về cơ sở, tạo được không khí đồng thuận trong xã hội.

Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin lưu động đã thường xuyên bám sát cơ sở đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được tăng cường; tu bổ và phục hồi một số di tích, danh lam thắng cảnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hoá được củng cố theo tiêu chí mới, góp phần nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi trong nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều bản làng đã xây dựng nếp sống văn minh, gắn với việc phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ.

Điều dễ nhận thấy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc đã được cải thiện vượt bậc so với thời kỳ trước đổi mới. Những thành tựu quan trọng đó không chỉ góp phần củng cố mà còn biểu hiện sự tiến bộ vững chắc của mối quan hệ dân tộc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế quốc tế.

Bốn là, công tác dân vận có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả thiết thực. Thực hiện đường lối của Đảng “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, tôn trọng và có trách nhiệm với dân, qua đó đã huy động được sức dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ở Bắc Giang, công tác dân vận đã tích cực vận động Nhân dân vùng thấp giúp đỡ nhân dân vùng cao, đồng bào Kinh giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khá giúp đỡ hộ nghèo, vận động đồng bào các dân tộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng cây ăn quả lớn xếp thứ ba trong cả nước, đặc biệt là cây Vải thiều đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu nơi đây, phong trào nuôi Gà đồi ở huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) đã phát triển sang cả các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, đưa tổng đàn gia cầm toàn tỉnh xếp thứ nhất cả nước; tập trung giải quyết được cơ bản tình trạng nhà tạm, thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác di dân tái định cư, công tác quy hoạch, sắp xếp, phân bổ dân cư,... góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Tại tỉnh Quảng Ninh, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư sống tốt đời đẹp đạo” nhiều mô hình tiêu biểu vượt khó, làm kinh tế giỏi đã xuất hiện. Nhiều hộ ở xứ Đông Khê (huyện Đông Triều) đã cải tạo hàng trăm ha vườn tạp thành vùng kinh tế vườn đồi để trồng na, cam cho thu nhập từ 50 triệu đến 300 triệu đồng/năm. Các mô hình vừa nuôi cá vừa đánh bắt, chế biến hải sản làm dịch vụ là thế mạnh của giáo họ Cô Tô, Thanh Lân; phong trào 5 không ở xứ Trà Cổ như “không trộm cắp, không cờ bạc, không nghiện hút, không tàng trữ mua bán chất ma túy”; các hoạt động từ thiện của giáo dân được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhiều giáo dân đã tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.

Những kết quả trong công tác dân vận biểu hiện sinh động, đầy đủ sự đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau của cộng đồng các dân tộc khu vực Đông Bắc. Bằng những hành động cụ thể như giúp đỡ nhau lúc thiên tai, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp… đã không ngừng xây dựng tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Năm là, chủ động làm thất bại mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đoàn kết dân tộc ở khu vực Đông Bắc cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu và có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đó là khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh và giữa các dân tộc thiểu số ngày càng giãn rộng, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, tỷ lệ nghèo chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, còn một số vấn đề cũng cần quan tâm chú trọng như môi trường sinh thái; giá trị văn hóa; đạo đức truyền thống; yếu tố văn hóa truyền thống (ngôn ngữ, nhà cửa, kiến trúc, quần áo, âm nhạc, món ăn, phong tục, lối sống); tội phạm buôn lậu, buôn bán ma túy;… Đây là những vấn đề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng dân cư và gây ra nhiều hệ lụy xã hội ở khu vực Đông Bắc; trong đó có một số nguyên do như: Tác động của cơ chế thị trường; quan hệ cộng đồng tộc người bị chi phối; tình trạng di dân ồ ạt dẫn đến tranh chấp nguồn lợi sống, va chạm lợi ích giữa cư dân bản địa với dân di cư ở nơi khác đến;…

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là tập hợp, huy động và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, vững chắc, đồng thời là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, vừa là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước của Đảng ta.

Những năm qua, đời sống xã hội ở các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, trực tiếp góp phần củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Bên cạnh những kết quả đáng kể đã đạt được, trong quá trình xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã nảy sinh những vấn đề cần quan tâm, tiếp tục nghiên cứu. Trong đó, cần chú trọng giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các dân tộc với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời quan tâm phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái, góp phần thiết thực vào quá trình xây dựng và củng cố đoàn kết dân tộc ở các tỉnh khu vực Đông Bắc.

Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng đoàn kết cộng đồng các dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đông Bắc nói riêng, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nhất là cán bộ, đảng viên, người có uy tín để hình thành những hạt nhân nòng cốt trong xây dựng đoàn kết dân tộc.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết kịp thời nguyện vọng, bức xúc chính đáng của Nhân dân.

Thứ tư, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Thứ năm, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Các tổ chức này cần được thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ sáu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng đoàn kết dân tộc.

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; động viên Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa - xã hội; khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Thứ tám, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc.

Thứ chín, đặc biệt thường xuyên xây dựng đoàn kết trong nội bộ tộc người, từng cộng đồng dân cư làm nền tảng để xây dựng đoàn kết dân tộc.

Thứ mười, cần giải quyết dứt điểm những vấn đề nảy sinh, gây bức xúc trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân…

Do vậy, để phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định dân cư, gắn với xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Đông Bắc nói riêng là vấn đề hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Có nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm, bài toán đặt ra không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được, cần phải có lộ trình chiến lược, kế hoạch cụ thể và sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó đất sản xuất, đất ở là điều kiện tiên quyết nhằm tạo sinh kế cho đồng bào để có thể giảm nghèo bền vững và ổn định đời sống lâu dài.

Đồng thời, thực hiện chủ trương đến năm 2025 cần có đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến… theo tinh thần của Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tài liệu tham khảo

1.   TS. Phan Văn Hùng, Báo cáo chuyên đề “Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc với Quốc gia và Quốc tế”, năm 2014.

2.   Nguyễn Xuân Thắng, “Kinh nghiệm xây dựng khối đoàn kết dân tộc ở vùng Đông Bắc nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 2, tháng 6/2016.

3.  Anh Dũng, “Xây mô hình trồng na kiểu miệt vườn”, Báo Lạng Sơn điện tử, ngày 30/6/20217.

4.   Duy Nghĩa, “Lạng Sơn: Đổi đời nhờ trồng na theo hướng VietGap”, Trang tin điện tử Hội Nông dân Việt Nam, ngày 31/8/2017.

5.  “Phát huy nội lực, tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 4/12/2020.

6.   Giàng Páo Mỷ, “Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu - kết quả và một số kinh nghiệm”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2/1/2021.

Nguyễn Quang Hải - Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc, Ủy ban Dân tộc

**  Nguyễn Ngọc Diệp - Công ty Xuất bản và Giáo dục Vizibook 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều