Sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Nam

(Mặt trận) - Ngày 03/7/2023, tại Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) từ năm 2021 đến năm 2023, khu vực phía Nam.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân)

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành có đông đồng bào DTTS & MN khu vực phía Nam.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, các nội dung thành phần của Chương trình đã triển khai hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS & MN như: Đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo nghề, y tế, văn hóa; đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản,... đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS & MN đối với Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn 2021-2023, các tỉnh, thành phố phía Nam được phân bổ hơn 2.700 tỷ đồng. Đến 31/5/2023, các địa phương giải ngân hơn 701 tỉ, đạt 25,92% (Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh là các tỉnh có tỉ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước). Một số chỉ tiêu ước đến ngày 31/12/2023 hoàn thành, vượt kế hoạch được giao, như: Nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước ổn định và phát triển; tỉ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi, tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề,... đã đạt và vượt so với khu vực khác; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh... đạt rất cao. Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 1.89%; tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông đạt 100%; tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 92.1%. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS & MN khu vực phía Nam đang đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng ngập mặn, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Bảo tồn văn hóa còn vướng về hướng dẫn định giá chung mức giá các hiện vật bảo tồn trong nhà văn hóa cộng đồng; một số văn bản cần sửa đổi bổ sung còn chậm do chưa sát thực tế; công tác đào tạo nghề chưa hiệu quả; việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân; khó khăn trong giải quyết hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vì nhiều địa phương không có quỹ đất công… Các địa phương trao đổi, chia sẻ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định; tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN.

Để  triển khai Chương trình đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung triển khai tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc nhằm tập trung tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện Chương trình; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng; hướng dẫn về định mức vốn...

Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN sẽ được triển khai tích cực trong thời gian tới, là đòn bẩy thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS & MN phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế phục vụ chuyển đổi sản xuất… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.                                                                                                                                                     

Hạnh Nguyễn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều