Tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta và những vấn đề đặt ra

(Mặt trận) - Hội nhập quốc tế là chủ trương chính trị quan trọng, là định hướng mới trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta khi đất nước bước sang thời kỳ mới, phản ánh bước phát triển mới trong tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở nhận thức sâu sắc về các xu thế lớn của thời đại và thực tiễn Việt Nam. Bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước đã đem lại những thành quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và địa bàn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996) là Đại hội khởi đầu quan trọng cho một chủ trương đối ngoại lớn và xuyên suốt của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Kế thừa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đại hội VIII, Đại hội Đảng lần IX, X, XI, XII, XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Có thể nói, hội nhập quốc tế là quyết sách chính trị quan trọng, là định hướng mới trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta khi đất nước bước sang thời kỳ mới. Ở nước ta, hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp nên khi các địa phương triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đã có những biến đổi nhanh chóng và sâu sắc, đạt được những thành tựu trên nhiều mặt như: thành tựu về thu hút vốn đầu tư; về mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến…

Đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động diễn ra mạnh mẽ theo hướng tích cực đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân tộc thiểu số chủ động tiếp cận thị trường, nắm bắt cơ hội mới để khai thác, phát huy mọi nguồn lực góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việc hội nhập kinh tế quốc tế tác động tích cực đến tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể những năm gần đây, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp thông qua các dự án nước ngoài vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng thu hút vào các ngành sản xuất, chế biến gạo, chế biến thủy sản, chè, cà phê, hồ tiêu, rau quả, trồng hoa… với nhiều dự án của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào phát triển sản xuất ở vùng miền núi đã có tác dụng tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, một phần vốn ODA sử dụng cho phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường thể chế, xoá đói giảm nghèo đã tác động tích cực đến việc tăng vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình hội nhập tạo điều kiện để nhập khẩu với số lượng lớn nhiều loại vật tư thiết yếu cho phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc, trong đó có nhiều mặt hàng rất cần thiết cho phát triển sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, giống mới…

Ảnh minh họa (nguồn TTXVN) 
Các chính sách thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch và dịch vụ của các địa phương ở các vùng dân tộc thiểu số trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế nên tỷ trọng lao động người dân tộc thiểu số có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 81,9% năm 2015 xuống còn 73,3% trong năm 2019. Số lượng doanh nghiệp hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản ở các vùng dân tộc thiểu số phát triển đáng kể với gần 45 nghìn đơn vị, chiếm 0,8% số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy phát triển giao thông, công nghiệp chế biến nông sản, tạo điều kiện tốt cho phát triển nông nghiệp hàng hoá, tạo ra sự thay đổi so với trước kia. Nếu tính từ những năm đầu hội nhập (1996), số xã có đường giao thông đến trung tâm xã chiếm tỷ lệ rất thấp thì đến nay đã có 95,2 % số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Điện lưới, mạng điện thoại, sóng phát thanh, truyền hình, mạng internet đã phát triển không còn xa lạ đối với vùng đồng bào các dân tộc.

Các tiện nghi sinh hoạt của hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện, nhiều hộ gia đình có tivi, đài (radio, radio casetts), máy vi tính (máy bàn, laptop), điện thoại cố định, di động, máy tính bảng… giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin văn hóa, xã hội và công nghệ thông tin. Trong đó, tivi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở cả khu vực nông thôn và thành thị với 81,5% hộ gia đình có sử dụng tivi. Tỷ lệ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 92,5,%. Tỷ lệ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng tủ lạnh là 54,5%; tỷ lệ hộ sử dụng điều hòa là 6,6%. Tỷ lệ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện đạt 89,1%. Tỷ lệ hộ sử dụng ô tô đạt 2,1%. Cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được mở rộng với tỷ lệ hộ sử dụng Internet đạt 61,3%.

Những đóng góp của nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần nâng cao kết cấu hạ tầng, tác động tích cực đến sản xuất và giao lưu hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào các dân tộc sinh sống đã trở thành những vùng sản xuất hàng nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như: nguyên liệu chè xuất khẩu ở vùng miền núi phía Bắc; cà phê, tiêu, điều, cao su ở vùng miền Trung, Tây Nguyên; thuỷ sản xuất khẩu ở vùng Tây Nam Bộ… tạo đầu ra ổn định cho nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biểu hiện rõ nét nhất là việc nhập khẩu các loại giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ, thiết bị, cách thức quản lý kinh tế, như các giống ngô lai tạo từ nước ngoài hay lai tạo trong nước có một phần giống gốc từ nước ngoài đã được trồng phổ biến ở vùng miền núi phía Bắc; nhập khẩu giống sắn năng xuất cao từ Thái Lan trồng phổ biến ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tăng sản lượng gấp 2-3 lần so với giống sắn trước đây.

Trong ngành chăn nuôi, việc nhập khẩu giống lợn Landrace, Yorkshire, bò thịt, bò sữa từ Đan Mạch, Hoa Kỳ, Australia; các giống gà nhập khẩu như Lương Phượng, vịt Bắc Kinh, đà điểu… đã góp phần cải thiện đáng kể năng suất chăn nuôi và cung cấp được số lượng lớn cho nông dân, nhất là các trang trại chăn nuôi thâm canh theo kiểu công nghiệp. Một số phương pháp tạo giống kỹ thuật cao từ kinh nghiệm nước ngoài đã áp dụng vào Việt Nam có kết quả như công nghệ gen, nuôi cấy mô ghép đỉnh sinh trưởng trong nhân giống cây trồng đã tạo cho đồng bào có cơ hội áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, chăn nuôi…

Hiện nay, ở nhiều tỉnh miền núi đã nuôi trồng phổ biến các loại cây trồng, vật nuôi nhập khẩu, như: lợn, bò, chè, măng bát độ, sắn hoặc cỏ Pricam, cỏ Piri, cỏ Stylô... đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Một số địa phương ở vùng dân tộc thiểu số đã tích cực chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn và có tỷ trọng xuất khẩu tăng trưởng cao, dự đoán trong năm 2022 nước ta xuất khẩu thủy sản đạt hơn 11 tỷ đô la; cà phê xuất khẩu ước tính đạt khoảng 3 tỷ đô la; mủ cao su khô xuất khẩu ước đạt hơn 2,5 tỷ đô la; hồ tiêu gần 1 tỷ đô la; chè búp khô xuất khẩu ước đạt khoảng 100 triệu đô la... Xuất khẩu các mặt hàng nông sản không chỉ làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước mà còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thêm hàng triệu việc làm cho công nghiệp chế biến, dịch vụ, thương mại liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo ra bước đột phá cho các địa phương phát triển ngành du lịch, dịch vụ phát triển nhanh như ở Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn (Hà Giang); Đà Lạt (Lâm Đồng); Hà Tiên (Kiên Giang)… Ngoài ra, việc hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đổi mới hệ thống luật pháp, chính sách và cách thức chỉ đạo của nhà nước đối với phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, nâng cao trình độ kinh doanh của các đơn vị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ có liên quan.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những tác động tiêu cực do sự biến động thường xuyên của thị trường quốc tế, có lúc tăng, có lúc giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến giá nông sản. Tình trạng nông dân chạy sau thị trường, nay trồng, mai bỏ xảy ra khá liên tục ở nhiều địa phương gây tổn thất lớn cho nông dân và các ngành có liên quan. Xuất hiện sự chênh lệch về đầu tư và trình độ phát triển giữa các ngành nghề, giữa các vùng và nhóm dân cư, gia tăng phân hoá giàu nghèo do việc sản xuất hàng hoá, nhất là những mặt hàng chủ lực tham gia xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào một số vùng như: sản xuất gạo, thủy sản xuất khẩu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê tập trung ở Tây Nguyên; cao su, hồ tiêu ở Đông Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên; điều ở Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh Nam Trung Bộ; chè ở một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Lâm Đồng… Do quy mô và trình độ sản xuất hàng hoá, nhất là xuất khẩu chênh lệch lớn giữa các vùng, nên phân bố công nghiệp chế biến, các hoạt động thu mua, dịch vụ xuất khẩu cũng tập trung vào một số vùng. Từ đó, tạo ra khoảng cách chênh lệch lớn không chỉ về thu nhập, đời sống mà cả tư duy, cách kinh doanh giữa các vùng, tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Đồng thời, quá trình hội nhập nếu không kiểm soát được tình trạng buôn lậu, dẫn đến thất thu thuế, không kiểm soát được chất lượng, tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi và gây hại cho sức khoẻ của con người.

Theo thỏa thuận, cam kết của Việt Nam và các đối tác quốc tế, hàng nông sản của Việt Nam có thể bán ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngược lại, hàng nông sản của họ cũng có thể xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Trong các đối tác thương mại của Việt Nam có nhiều quốc gia có tiềm năng, số lượng xuất khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan... trong đó có nhiều loại nông sản trùng với nhiều loại nông sản Việt Nam đang sản xuất nhưng có chất lượng tốt hơn, giá thấp hơn. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã thực sự ảnh hưởng đến quy mô phát triển một số ngành nông nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người nông dân, nhất là người nông dân ở các vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa được quản lý hiệu quả đang là những nhân tố tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến phát triển nông nghiệp ở cả hai mặt: Bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường sinh thái.

Như vậy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra thời cơ thuận lợi nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức, khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì để phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế sâu, rộng với quốc tế trong thời gian tới. Thiết nghĩ, để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế nhanh, bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị các cấp vùng dân tộc thiểu số cần thực hiện tốt các nhiệm vụ của Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2030. Trong đó, thực hiện tốt dự án 5 về phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các tiểu dự án như: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp. Đây là những nội dung, cơ sở pháp lý quan trọng, là điểm mới so với các chương trình trước đây nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng nguồn nhân lực để phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu phát triển nguồn nhân lực không chỉ dừng lại ở việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục phổ thông mà cần lựa chọn những hạt nhân trong từng cộng đồng dân tộc để đưa đi đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học trên nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp lý… để chính những hạt nhân này sẽ là những người hướng dẫn, dẫn dắt đồng bào mình ứng dụng các kiến thức khoa học trong đời sống, sinh hoạt và lao động sản xuất. Tiếp tục nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ tài chính, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số. Ở những vùng đã đảm bảo an ninh lương thực cần hướng dẫn và hỗ trợ dân cư chuyển sang thực hiện an ninh dinh dưỡng nhằm nhanh chóng cải thiện thể chất nguồn nhân lực nông thôn, hướng dẫn vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời cần có những biện pháp thích hợp để nhanh chóng thay đổi tâm lý, thói quen cũ, lạc hậu của đồng bào, tạo lập sự liên kết kinh tế giữa các hội nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hoá và kinh tế nông thôn.

Vũ Đăng Minh - Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều