Thái Nguyên: Chăm lo đời sống đồng bào DTTS

(Mặt trận) - Công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn
Chung tay chăm sóc sức khỏe cho người DTTS

Với gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đồng Hỷ đã linh hoạt triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện các nội dung Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách nuôi con nhỏ, làm mẹ an toàn… đã được huyện quan tâm chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, Trung tâm Y tế Đồng Hỷ phối hợp với phòng Y tế, phòng Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên. Đồng thời, tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất để thực hiện công tác dân số quyết liệt, hiệu quả. Mặt khác, Trung tâm Y tế huyện cũng phối hợp với Hội Người cao tuổi huyện tổ chức các buổi tư vấn, khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho người cao tuổi trên địa bàn…

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe cho người dân là một trong những nội dung quan trọng được Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai quan tâm, chú trọng. UBND huyện ban hành các Kế hoạch triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn, đặc biệt với người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo hướng dẫn Chương trình. Song song, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Võ Nhai tổ chức ra quân “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023. Đây là hoạt động nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và Chương trình. Nhiều hoạt động đã được tổ chức tại chương trình,: khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Với trên 3.100 nhân khẩu, trong đó, đồng bào DTTS(Mông, Tày, Nùng, Dao) chiếm 97% tại xã Cúc Đường. Tổng số phụ nữ từ 15-49 tuổi ở xã là 785 người, trung bình mỗi năm có từ 30-40 phụ nữ mang thai, nhưng do phong tục tập quán của đồng bào cùng đời sống kinh tế khó khăn nên nhiều phụ nữ còn thờ ơ và chưa quan tâm đến vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đặc biệt, phụ nữ đồng bào dân tộc Mông đa phần sinh tại nhà, rất ít trường hợp đến cơ sở y tế dẫn đến nhiều trường hợp trẻ em mắc các bệnh: Down, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh… Để hạn chế tình trạng trên, thời gian, các đoàn thể của xã, xóm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hệ thống loa truyền thanh của xã, xóm nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về việc chăm sóc sức khỏe thai sản, khám thai định kỳ, kiểm tra sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Cùng với đó, trạm y tế xã thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác dân số... trung bình mỗi xóm tổ chức từ 2-3 buổi/năm. Ngoài ra, số phụ nữ mang thai trên địa bàn xã đều được thống kê chi tiết. Đồng thời vận động tuyên truyền phụ nữ mang thai đặc biệt là phụ nữ DTTS đi siêu âm, làm các xét nghiệm để chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi tại Trạm Y tế xã hay các cơ sở y tế. Đối với những phụ nữ khi sinh đẻ tại trạm đều được vận động, thuyết phục đến các cơ sở y tế tuyến trên để xét nghiệm máu gót chân từ 24-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, trong 3 năm qua, 100% phụ nữ mang thai trên địa bàn xã đã chủ động đến các cơ sở y tế khám sàng lọc trước sinh, trên 90% số trẻ được khám sàng lọc sau sinh. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều đến Trạm Y tế siêu âm từ 3-4 lần, không còn phụ nữ sinh con tại nhà.

Nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh

Để phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thái Nguyên đã đầu tư gần 240 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương trên 146 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 90 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác...

Tỉnh rất quan tâm đầu tư, hoạt động đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở, đặc biệt là lực lượng công tác viên dân số thôn bản thông qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ y tế cơ sở; kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, quản lý hoạt động. Mặt khác, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào DTTS và miền núi... để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích nghi với tình trạng già hóa dân số nhanh. Bên cạnh đó, duy trì đội ngũ công tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. 

Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các vùng núi và hẻo lánh, việc xây dựng các trạm y tế cộng đồng là một yếu tố quan trọng.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: internet

Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bệnh tan máu bẩm sinh tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Cùng với đó, lực lượng y tế cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động và xây dựng môi trường xã hội ủng hộ, tham gia chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Tại các xã vùng khó, các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình được tổ chức 2 đợt/xã/năm. Mặt khác, cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với thực trạng văn hóa của từng dân tộc; chú trọng các mô hình can thiệp vận động đồng bào có điều kiện kinh tế khó khăn có mức sinh cao nên sinh ít con hơn; tăng cường bảo vệ, phát triển dân tộc dưới 10 nghìn người… Ngoài ra, tỉnh sẽ bổ sung trang thiết bị cho Kho dữ liệu chuyên ngành; rà soát thông tin, cơ sở dữ liệu; củng cố, kiện toàn kho dữ liệu chuyên ngành dân số; chia sẻ, kết nối với cơ sở dữ liệu các ngành liên quan (Tư pháp, Công an...).

Triển khai nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” của Dự án 7 thuộc Chương trình, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 25% nam, nữ tại các địa bàn vùng DTTS khám sức khỏe tiền hôn nhân; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu, ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; mỗi năm có 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Hà My

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều