Thế trận lòng dân ở Tây Nguyên (Tiếp theo kỳ trước)*

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, sau những sự kiện nóng năm 2001 và năm 2004, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng ngày càng được chú trọng, nhất là tăng cường sức mạnh tổ chức cơ sở đảng trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cấp ủy các cấp hết sức chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi phương pháp làm việc, thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để giải quyết những bức xúc phát sinh từ cơ sở…
Cán bộ khuyến nông huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì (sắn) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ĐINH YẾN 
Bài 2 : Hướng về cơ sở

Trong những năm, tháng đất nước còn chìm trong máu lửa, các chiến sĩ cách mạng khi về với buôn, làng vận động nhân dân kháng chiến đã dựa vào dân, “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói) với dân. Cán bộ, đảng viên sống chung với đời sống đói cơm, nhạt muối của đồng bào để bám buôn làng, núi, rừng đánh giặc. Còn ngày nay, hình ảnh của Đảng giữa buôn, làng phải là sự hiện hữu của những chương trình, của từng ý nghĩ, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả sống động cho mỗi vùng quê và mỗi người dân. Rút ra những bài học sâu sắc về sự chủ quan, mất cảnh giác trong thời điểm trước, cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, quyết liệt trong công tác xây dựng Đảng và củng cố thực lực hệ thống chính trị với phương châm Đảng phải gần dân, sát dân, hiểu dân, vì dân. Tổ chức đảng và đảng viên hướng về cơ sở, phát huy mọi nguồn lực vì sự bình an, phát triển quê hương, vì cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung xây dựng, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở cơ sở, nhất là các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa. Đến nay, toàn vùng có 99,92% số buôn, làng đã có chi bộ, (tăng 17,12%); 99,81% buôn, làng có đảng viên là người tại chỗ, tăng 2,21% so với năm 2007. Trong những năm qua, tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và phức tạp về an ninh nông thôn; tiếp tục phân công cấp ủy viên các cấp phụ trách, theo dõi và tham dự sinh hoạt với những chi bộ có tính đặc thù. Bên cạnh đó, các đảng bộ, chi bộ cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp cho đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở được phát hiện, giải quyết kịp thời; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh trật tự ổn định; xác lập sâu sắc niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tây Nguyên từng xảy ra điểm nóng, những khó khăn mới phát sinh như xung đột do mâu thuẫn về đất đai, về tài nguyên rừng, khoáng sản, di cư tự do… cũng là những vấn đề phải giải quyết thường xuyên. Nếu cấp ủy các cấp không kịp thời phát hiện, xử lý rốt ráo thì rất dễ dẫn đến diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường. Chính vì lẽ đó, “gần dân”, “dựa vào dân để lo cho dân” không phải là những khẩu hiệu mà trở thành phương châm hành động của các cấp ủy…

 Miền quê trù phú ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). 
Với phương châm hướng về cơ sở, từ năm 2001, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức bốn đợt luân chuyển và tăng cường có thời hạn 234 lượt cán bộ ở các sở, ban, ngành của tỉnh và các phòng, ban của huyện xuống xã, phường, thị trấn công tác. Tỉnh phân công 49 cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh phụ trách 49 xã đặc biệt khó khăn; 487 cơ quan cấp huyện, thị xã phụ trách 487 thôn, buôn và gần 100 doanh nghiệp đứng chân trên các địa bàn, đăng ký kết nghĩa giúp các xã khó khăn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS được cấp ủy và chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm. Tính từ năm 2013 đến nay, tại Gia Lai đã có gần 1.000 cán bộ là người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, vùng đồng bào DTTS. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ Gia Lai đã kết nạp 13.802 đảng viên. Bình quân mỗi năm kết nạp 2.760 đảng viên, trong đó số lượng đảng viên người DTTS được nâng lên đáng kể. Gia Lai là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành việc “xóa” thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên từ năm 2012, hiện toàn bộ thôn, buôn, tổ dân phố có tổ chức đảng. Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực chăm lo phát triển kinh tế; tích cực, chủ động tham gia xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy. Chính quyền cơ sở giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các buôn, làng; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân…
Kon Tum là một trong hai tỉnh khó khăn nhất Tây Nguyên, có đường biên giới dài và tỷ lệ đồng bào DTTS cao. Tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy ban hành năm 1994 về “Xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới”, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xã của tỉnh được phân công xuống 53 xã trọng điểm và đặc biệt khó khăn, phối hợp các lực lượng xây dựng xã, bám làng, nắm hộ để phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân. Đội ngũ này vận động nhân dân chăm lo làm ăn, thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tạo mối quan hệ sâu sắc giữa Đảng và dân. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về phân công cán bộ, đảng viên giúp các xã đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội của Kon Tum đã và đang từng ngày đổi mới, nhất là kết cấu hạ tầng, đời sống của nhân dân được cải thiện. Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa của tỉnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn chăm lo công tác an sinh xã hội. Hàng năm, tỉnh chi ngân sách hỗ trợ các cơ quan kết nghĩa xã nhằm triển khai những nội dung thiết yếu. Đến nay, toàn bộ xã đặc biệt khó khăn ở Kon Tum đã có đường ô-tô đến trung tâm, 96% số xã có điện lưới quốc gia, trong đó hơn 95% số thôn và 98% số hộ được sử dụng điện. Công tác sắp xếp lại khu dân cư, giãn dân, tách hộ, lập vườn được quan tâm triển khai; 99% số hộ đồng bào DTTS đã định cư vững chắc; 100% số thôn, buôn đã có đảng viên và 98% số thôn, buôn có tổ chức đảng…

 Trong những năm qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở. Chế độ, chính sách đối với đối tượng này được quan tâm hơn. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn. Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, DTTS tăng; trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị từng bước nâng cao. Đến nay, toàn bộ thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn đã có chi bộ; 99,79% số thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên người DTTS tại chỗ. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành biến chuyển tốt. Đội ngũ cán bộ cơ sở có tinh thần trách nhiệm cao, vượt khó, bám sát thực tiễn và là hạt nhân lãnh đạo. Nhờ đó, nhiều vấn đề phát sinh tại địa bàn thôn, buôn kịp thời được phát hiện và giải quyết.
 
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 70 nghìn hộ với khoảng 314 nghìn người đồng bào DTTS sinh sống (khoảng 24% dân số của tỉnh). Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong ba nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng rất coi trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng cốt cán, xóa vùng “trắng” đảng viên, phát triển Đảng trong vùng đồng bào DTTS. Năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 1.226 cán bộ, công chức là người DTTS; đến nay đã lên hơn 2.600 người; toàn Đảng bộ có hơn 4.500 đảng viên là người đồng bào DTTS. Tỉnh đã xây dựng được gần 500 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào DTTS; già làng, người có uy tín chính là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng dân cư với hệ thống chính trị. Hằng tháng, hằng tuần, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng lên kế hoạch, lịch trình cùng các sở, ban, ngành, huyện về cơ sở để gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân; từ đó đưa ra định hướng cho dân làm. Cấp trên chứng kiến thực tế, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở; căn nguyên những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.
 
Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc (là huyện nghèo và tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất Lâm Đồng) mỗi tháng lại trực tiếp về một chi bộ thôn, buôn để dự sinh hoạt cùng đảng viên tại cơ sở. Địa bàn được chọn thường là nơi khó khăn hoặc mới phát sinh vấn đề cần xử lý. Đồng chí Lộc nói: “Có những buổi sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tôi đề nghị mở rộng thành phần cho đại diện người dân cùng tham gia. Khi lãnh đạo cởi mở, lắng nghe, mọi thông tin sát thực sẽ đến rồi cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ; việc nào cần thời gian sẽ giao cho cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết và báo cáo lại”.
 
Về với dân mới thấy được thực tế đổi thay qua hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng; hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Về với dân để giải đáp những tâm tư của người dân, để lĩnh hội thực tiễn bằng hình ảnh trực quan và đưa ra quyết sách kịp thời, đúng đắn nhằm điều chỉnh những bức xúc phát sinh, những điều chưa hợp lòng dân…
 
Năng lực, chất lượng tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị ở thôn, buôn tại Tây Nguyên được nâng cao đã kịp thời lãnh đạo, nắm bắt tâm tư, ghi nhận những khó khăn của đồng bào để đề xuất các ngành, các cấp giải quyết. Các tỉnh quan tâm bồi dưỡng, phát huy vai trò của già làng, lựa chọn người có uy tín tại cộng đồng, trong đó nhiều người trở thành đảng viên. Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Bon Yô Soan, chia sẻ: “Khi già làng, người có uy tín là đảng viên thì sẽ càng thuận lợi. Trước hết, họ là người được buôn, làng tín nhiệm, lại được trang bị về lý luận, cùng với việc am hiểu phong tục, tập quán của người dân, qua đó, sẽ có nhiều cách tuyên truyền phù hợp. Họ thuyết phục đồng bào dễ nghe”.
 
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, hướng đảng viên về cơ sở, cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên đã nhận ra những bất cập, hạn chế, cần phải khắc phục. Đó là nhiều dự án quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp, thủy điện, công trình cấp nước sạch tập trung, nhà văn hóa cộng đồng, chợ nông thôn, chăn nuôi, trồng trọt… bố trí thiếu hợp lý, thiếu khoa học nên không mang lại hiệu quả hoặc gây lãng phí thậm chí dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đó là vấn đề dân di cư tự do liên tục phát sinh, rất khó giải quyết. Đặc biệt, vấn đề luôn luôn nóng ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên là công tác quản lý, bảo vệ rừng, các dự án nông - lâm nghiệp, vấn đề quản lý tài nguyên đất đai và khoáng sản. Đã xảy ra những xung đột lớn, những vụ việc nghiêm trọng xuất phát từ vấn đề này. Nếu không chấn chỉnh và xử lý kịp thời thì đây chính là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bất ổn xã hội mà càng để kéo dài càng khó giải quyết…
 
 (Còn nữa)

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều