Từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Các hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại qua nhiều đời, nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đặt ra mục tiêu xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Tích cực tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp vùng đồng bào DTTS (Ảnh: Kontum TV)

Những hủ tục, tập quán không còn phù hợp còn tồn tại trong đồng bào DTTS và miền núi như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, mê tín di đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm, giết mổ gia súc, gia cầm trong đám tang…, vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân như tư tưởng người dân không muốn thay đổi, đặc biệt là các hủ tục, phong tục này mang tính tâm linh, tín ngưỡng lâu đời trong đời sống của đồng bào DTTS.

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với UBND, các hội, đoàn thể ở từng địa phương tuyên truyền, phổ biến xóa bỏ những hủ tục lạc hậuvùng đồng bào DTTS.

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã được triển khai rộng khắp tại tỉnh Hà Giang và bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Là một tỉnh vùng cao, biên giới, DTTS chiếm trên 87%, một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân địa phương đặc biệt các hủ tục liên quan đến ma chay như tập tục làm ma khô, không đưa người chết vào áo quan, tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc để cúng lễ…

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng các ban ngành địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, tổ chức mạn đàm, tuyên truyền thông qua băng zôn, khẩu hiệu, trên loa phát thanh… Từ năm 2021 đến nay, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, toàn huyện Đồng Văn đã nỗ lực, kiên trì vận động được 6 dòng họ/nhánh dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm tang lễ.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình “dân vận khéo” trong việc vận động tang chủ đưa thi thể người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà đồng thời thực hiện văn minh trong tang ma, không giết mổ nhiều gia súc, không tổ chức dài ngày, ăn uống hợp vệ sinh... Mô hình này tại các xã đã và đang phát huy hiệu quả cao, từng bước được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân tại các vùng đồng bào DTTS.

Hủ tục kéo vợ hay bắt vợ vẫn còn tồn tại ở một số địa phương (Ảnh: toquoc.vn)

Tỉnh Quảng Bình có 2 DTTS chủ yếu là dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều (chiếm hơn 90% tổng dân số đồng bào DTTS trên địa bàn). Những hủ tục như chôn sống, tục nối dây, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…  là bi kịch đối với nhiều gia đình trong một khoảng thời gian dài.

Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chính sách có liên quan như Đề án 1899 về giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi; Đề án 1163 về nâng cao tuyên truyền, phổ biến pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi, triển khai có hiệu quả các chính sách đầu tư, phát triển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, giáo dục, giúp bà con dân bản nâng cao dân trí. 

Nhờ các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình từng bước xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục lạc hậu, chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tại tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng tập huấn về “tăng cường nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, cán bộ theo dõi công tác dân tộc ở các địa phương.

Tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 397 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Suốt một thời gian dài, cấp ủy, chính quyền cùng Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương này đã vận động bà con từ bỏ tục đâm trâu trong các dịp lễ hội; không mời thầy cúng mỗi khi nhà có người ốm... Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng có vai trò tiên phong trong việc kêu gọi bà con xóa bỏ hủ tục. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện cũng đang xây dựng bộ khung tiêu chí mới dựa theo quy định của pháp luật, nhất là quy định của Đảng để lồng vào hương ước của thôn, của xã cho phù hợp thực tế hiện nay.

Để chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra văn bản số 861/BVHTTDL-VHDT ngày 17/3/2022 gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch về việc chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hóa dân tộc nói riêng trong cộng đồng các DTTS. Tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Thu Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều