Xóa bỏ các tập tục văn hóa gây hại đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Đó là chủ đề cuộc Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức tổ chức ngày 22/6 tại Bắc Giang. Trên thực tế, các vấn đề về tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, còn gọi là các “hủ tục” đã và đang diễn ra tại các vùng dân tộc thiểu số (DTTS), có ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển, đến việc thực hiện bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái.

Chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam. Cùng dự có đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo Hội Người Cao tuổi Việt Nam; Ủy ban Dân tộc và Hội LHPN 50 tỉnh, thành, đơn vị trong cả nước.


Đại  biểu tham dự Hội thảo

Đây là hoạt động thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hội thảo xoay quanh các vấn đề về tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe đã và đang diễn ra tại các vùng DTTS, có ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển, đến việc thực hiện bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái các dân tộc, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, về việc áp dụng, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các cách làm hay trong vận động người dân, phụ nữ xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe.

Tại Hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng, nhiều phụ nữ và trẻ em gái DTTS đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người như tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của đồng bào DTTS ở phía Bắc bị biến tướng sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ”. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn biến phức tạp.

Số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Năm 2018, con số này là 27,5%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 22,4%. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%.

Tục thách cưới của một số DTTS ở Tây Nguyên diễn ra phổ biến, vật thách cưới thường là trâu, bò, chum ché, vàng, tiền, thường cao so với điều kiện kinh tế thực tại của gia đình nhà gái. Những hủ tục lạc hậu trên đã tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, các tập tục văn hoá có hại nêu trên gây hậu quả là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện. Các cháu gái chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản. Bên cạnh đó, phụ nữ DTTS kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề.

Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, hạn chế việc tiếp thu những tri thức tiên tiến, hiện đại, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, tài năng. Các em phải lao động từ sớm để trang trải cho cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em; là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa lao động, hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) từ năm 2013 đến năm 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%) và đa số là người DTTS.

Có thể nói, các tập tục văn hóa lạc hậu đã gây ra sức ép lớn đến việc thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ, làm hạn chế sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc. Đồng thời các hủ tục lạc hậu cũng góp phần tác động đến sự phát triển lâu dài của vùng DTTS.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, sự hiện diện của tập tục lạc hậu, bắt nguồn từ chức năng xã hội của tập tục đó và trình độ nhận thức của cộng đồng. Mỗi tập tục đều có chức năng xã hội riêng, ví dụ như tục tảo hôn ngoài chức năng gia đình, duy trì nòi giống, còn có chức năng kinh tế, giải quyết vấn đề thiếu lao động, đồng thời sớm tái sản xuất nguồn nhân lực. Tục kết hôn cận huyết, có chức năng để duy trì, thắt chặt quan hệ anh em họ hàng và bảo toàn kinh tế dòng họ (tránh để người và của cải thất thoát sang dòng họ khác); tục cúng bái khi ốm đau, có chức năng để chữa bệnh; tục cúng giải hạn để cầu sức khỏe bình an… Do đó, sự tồn tại của bất kỳ tập tục nào cũng đều có ý nghĩa giá trị nhất định đối với cộng đồng đó. Tập tục chỉ thay đổi và mất đi khi nó không còn giá trị và người dân nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cộng đồng, mong muốn xóa bỏ.

“Như vậy, để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại – các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái DTTS, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và chị em các dân tộc”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đề xuất giải pháp xóa bỏ tập tục văn hóa có hại sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới như: Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh "Cuộc sống đổi thay”

Cùng với Hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới”, Triển lãm ảnh "Cuộc sống đổi thay” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện được trưng bày tại sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang đến hết ngày 23/6. Với hơn 40 pano ảnh tập trung minh họa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho người dân xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, các câu lạc bộ, tổ/nhóm sinh hoạt, các mô hình rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao tại các vùng DTTS và miền núi sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về hoạt động của Hội LHPN các tỉnh/thành, đơn vị trong quá trình thúc đẩy xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; lưu giữ, phát huy các phong tục truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa mới, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều