Đổi mới, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm công tác giám sát của Mặt trận

Giám sát có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai thực hiện, nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, hoạt động này cần được đổi mới, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức các cuộc giám sát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong đó, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã được ghi nhận trong đời sống chính trị - xã hội, với ý nghĩa là một trong những quyền và trách nhiệm cơ bản của MTTQ Việt Nam.

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan ngày càng cụ thể hơn nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam, trở thành quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức và viên chức.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, những năm qua, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam đã có nhiều bước tiến và đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về công tác giám sát được nâng lên, các cơ sở chính trị, pháp lý trong hoạt động giám sát ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn. Công tác giám sát của Mặt trận ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả và được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Nội dung, phương thức giám sát ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là việc theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, đôn đốc đến cùng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao, thậm chí không đánh giá được kết quả giám sát trong một vụ việc nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy và tổ chức đảng về công tác giám sát có mặt chưa đầy đủ. Sau giám sát, xử lý vi phạm ở một số nơi còn thiếu kiểm tra việc khắc phục, sửa chữa những sai phạm, thiếu sót. Việc giải quyết kiến nghị của một số ngành, chính quyền địa phương còn chậm.... Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó là việc chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát của Mặt trận.

Tập trung những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc

Tại Hội thảo khoa học "Đổi mới nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp - thực trạng và giải pháp" diễn ra mới đây, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam. GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đổi mới phương thức hoạt động giám sát của Mặt trận là nhân tố góp phần tích cực vào việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - nhiệm vụ trung tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong đó có đổi mới MTTQ Việt Nam.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật,Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam .

Theo GS Đường, đổi mới tổ chức và phương thức giám sát của Mặt trận phải gắn chặt với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", cùng với Nhân dân nâng cao hiệu lực và hiệu quả giám sát, làm chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân thực hiện và phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất cần ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân với yêu cầu quy định về trách nhiệm của đảng viên, nhất là người đứng đầu, đồng thời quy định cụ thể việc MTTQ Việt Nam được thay mặt Nhân dân, đại diện cho Nhân dân trong hoạt động giám sát,... "Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân nếu được ban hành sẽ trở thành 'bộ luật' về giám sát của Nhân dân, của MTTQ Việt Nam với đầy đủ cơ chế, chính sách, chế tài trong giai đoạn hiện nay", TS Nguyễn Văn Pha góp ý.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, ông Nguyễn Đình Xiển - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng, nội dung giám sát của MTTQ các cấp cần được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nội dung chỉ đạo, định hướng của MTTQ Việt Nam cấp trên và của cấp ủy cùng cấp, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà Nhân dân, dư luận đang quan tâm để tổ chức các cuộc giám sát. Muốn thế, MTTQ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các cuộc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp..

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình Xa Đức Thọ.

Với góc nhìn của mình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình Xa Đức Thọ cho rằng, MTTQ các cấp cần chủ động tham mưu các nội dung giám sát chuyên đề, tập trung vào những vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Đặc biệt cần theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, có văn bản yêu cầu các cơ quan được giám sát trả lời, từ đó tạo niềm tin đối với cử tri và Nhân dân.

"MTTQ các cấp cần quán triệt, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động làm cho Nhân dân biết và thấy được vị trí vai trò của Mặt trận, từ đó nhân dân quan tâm, tích cực tham gia vào hoạt động giám sát", ông Xa Đức Thọ đề xuất./.

 
Theo Nam Khánh/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều