Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đang xem xét theo theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 189/HSPT ngày 19/12/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết việc bà Nguyễn Thị Oanh (Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) khởi kiện Chủ tịch UBND xã Cát Quế.
Trở lại thời điểm giữa năm 2013, sự kiện làm rúng động dư luận lúc đó là vụ án hành chính được Tòa án nhân huyện Hoài Đức đưa ra xét xử giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Oanh trú tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội kiện Chủ tịch UBND xã Cát Quế ra tòa vì cho rằng: “UBND xã Cát Quế ban hành quyết định cưỡng chế sai quy định pháp luật, gây tổn hại danh dự và vật chất với gia đình, trong khi gia đình bà là chủ sở hữu hợp pháp mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân từ năm 1969 và đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ”.
Theo đó, vào ngày 19/11/2012, UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức tiến hành cưỡng chế đối với gia đình bà Lê Thị Oanh, trong khi gia đình bà này đã sử dụng mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân từ năm 1969.
Mảnh đất khu ao gò Trung Quân được bà Lê Thị Lễ chuyển nhượng lại cho gia đình ông Lê Văn Phát (chồng bà Lê Thị Oanh) từ năm 1969. Tới năm 2000, gia đình ông Phát đổ đất, làm vườn trồng cây. Trong suốt quá trình sử dụng, đất không có tranh chấp với ai.
Ngày 25/3/1992, mảnh đất 65m2 và các phần đất khác của nhà ông Lê Văn Phát được Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Cung ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số B125227. Giấy chứng nhận QSDĐ của nhà ông Lê Văn Phát ghi rõ: Diện tích đất ở là 125m2, diện tích đất làm kinh tế gia đình 120m2 (số thửa 137); đất ao là 65m2 (số thửa 138a).
Sau khi ông Lê Văn Phát mất, bà Oanh và các con tiếp tục sử dụng ổn định phần đất khu ao gò Trung Quân. Ngày 17/11/2010, Chủ tịch UBND xã Cát Quế ra Quyết định số 118/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt về lĩnh vực đất đai đối với gia đình bà Oanh. Đến ngày 31/3/2011, UBND xã Cát Quế đã đến cưỡng chế tháo dỡ tường rào, chặt phá cây trồng trên đất.
Cho rằng UBND huyện và xã cố ý xâm phạm quyền lợi hợp pháp, ngày 8/11/2011, gia đình bà Oanh đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND xã Cát Quế ra TAND huyện Hoài Đức.
Công trình xây dựng ngang nhiên thi công trên phần đất đang còn có những tồn tại giữa chính quyền xã Cát Quế, huyện Hoài Đức và gia đình bà Nguyễn Thị Oanh.
Sau một thời gian chờ đợi, tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/8/2013, UBND xã Cát Quế đã nêu ra trước tòa 2 văn bản do UBND tỉnh Hà Sơn Bình trước đây ban hành, làm cơ sở chứng minh việc cưỡng chế đối với nhà bà Oanh là không sai. Theo trình bày của UBND xã Cát Quế, xã này được UBND tỉnh Hà Sơn Bình giao quản lý ao đầm nhằm mục đích cải tạo lòng sông bằng Quyết định 414/QĐ ngày 19/9/1978.
UBND xã Cát Quế cho rằng phần diện tích đất ao 65m2 được cấp GCNQSD đất cho gia đình bà Oanh thực tế không nằm ở khu ao gò Trung Quân mà nằm trong thửa 138, 138a mà ông Lê Văn Sinh (con trai ông Phát) đang là chủ sở hữu. Tuy nhiên, UBND xã Cát Quế lại không chỉ ra được 65m2 đất đó nằm ở vị trí nào thuộc thửa đất nêu trên. Thậm chí, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức và UBND xã Cát Quế tỏ rõ thái độ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm khi biện minh rằng, “do tờ trình của UBND xã kèm theo hồ sơ xin cấp GCNQSD đất cho các hộ dân được UBND xã trình gồm các cột mục theo thứ tự: Thứ tự, số gốc, số can, diện tích, đất ở, tên chủ sử dụng, vườn, ao, %. Danh sách này không kẻ cột, mục, phân loại. Do vậy, trong quá trình thống kê có sự nhầm lẫn giữa các cột với nhau. Trường hợp của hộ ông Lê Văn Phát có sự nhầm lẫn từ đất vườn sang thành đất ao, theo đó hộ ông Phát được sử dụng 65m2 đất ao tại thửa đất 138a, tờ bản đồ số 01 - bản đồ xã Cát Quế năm 1990. Năm 1992, ông Lê Văn Phát đã được UBND huyện Hoài Đức cấp Giấy CNQSD đất trong đó có 65m2 tại thửa 138a là do sự nhầm lẫn giữa các cột mục”.
Rõ ràng, UBND xã Cát Quế không đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh phần diện tích 65m2 đã cưỡng chế của gia đình bà Lê Thị Oanh là đất công do UBND xã quản lý, thế nhưng, hậu quả nhãn tiền cho việc làm tắc trách trên thì người dân đã phải gánh chịu hoàn toàn. Ấy vậy mà HĐXX vẫn ban hành Bản án số 02/2013/HC-ST ngày 27/8/2013 tuyên Quyết định 118/QĐ-KPHQ của Chủ tịch UBND xã Cát Quế là đúng quy định của pháp luật, qua đó bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Oanh.
Khiếu kiện kéo dài đã khiến bà Oanh và gia đình rơi vào tình trạng kiệt quệ và cả thể chất lẫn tình thần.
Sau hơn 3 năm, bản án của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã có hiệu lực thi hành với phán quyết nhiều điểm có lợi nghiêng về UBND huyện và xã như đã nêu ở trên được dư luận đánh giá chưa thật sự công tâm và khách quan, có phần “trọng cung hơn trong chứng”. Cho đến nay, nhiều dấu hỏi lớn trong vụ án vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, còn gia đình bà Oanh vẫn vô cùng bức xúc, cùng với đó là những tổn thất to lớn về danh dự và vật chất không thể bù đắp nổi.
Nói về vụ án, ông Lê Văn Lâm, con trai bà Oanh cho biết, vụ việc xảy đến với gia đình ông đã được vài năm những vẫn không thể nguôi ngoai, bởi các lẽ:
Lẽ thứ nhất, Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức tuyên ông Lê Văn Sinh và ông Lê Văn Phát là hai bố con nên không chia mốc giới trên thửa 138. Nhưng kể cả có là bố con đi chăng nữa, khi chia đất cho nhau cũng đều phải phân định mốc giới một cách rõ ràng. Vậy tại sao tại tòa và phía chính quyền không làm rõ vấn đề này?
Lẽ thứ hai, UBND huyện Hoài Đức thừa nhận việc cấp GCNQSD đất cho bố tôi là ông Lê Văn Phát đối với phần diện tích đất 65m2 tại thửa 138a có sự nhầm lẫn về loại đất. Vậy tại sao đến nay, UBND huyện không thu hồi GCNQSD đất đã cấp sai cho gia đình tôi? Tôi đề nghị, UBND huyện Hoài Đức tiến hành điều chỉnh lại GCNQSD đất theo kiến nghị và cấp lại cho gia đình tôi GCNQSD đất mới thể hiện đúng ranh giới và vị trí của phần diện tích 65m2 đất vườn.
Theo Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
“a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”
Khẳng định có sai sót, nhầm lẫn trong quá trình cấp GCNQSD đất cho hộ bà Nguyễn Thị Oanh, nhưng UBND huyện Hoài Đức vẫn chây ỳ việc thu hồi.
Quy định của pháp luật là vậy, nhưng điều “lạ thường” trong cách hành xử của các cấp chính quyền huyện Hoài Đức nằm ở chỗ, đối với đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nếu có nhầm lẫn, sai sót thì chính cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, trong khi UBND huyện chưa giải quyết đúng trình tự pháp luật đối với việc chỉnh sửa, thay đổi hay thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ đất đối với gia đình bà Nguyễn Thị Oanh thì UBND xã Cát Quế lại tiếp tục tiến hành các hoạt động xây dựng trên khu đất còn có những tranh chấp giữa UBND xã và người dân.
Khi hay tin, UBND xã Cát Quế ban hành thông báo số 43/TB-UBND ngày 19/12/2016 về việc thu dọn mặt bằng phục vụ xây dựng nhà lớp học và công trình phụ Trường Mầm non Cát Quế A tại khu ao Gò Trung Quân, bà Nguyễn Thị Oanh có đến UBND xã phản ánh nhiều tài sản hoa màu do bà trồng vẫn nằm trên khu đất và khu đất này vẫn đang trong tình trạng khiếu kiện chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết. Vì vậy, UBND xã ban hành thông báo thu dọn là không đúng.
Tuy nhiên, UBND xã Cát Quế vẫn khăng khăng giữ quan điểm yêu cầu bà Oanh phải thu dọn toàn bộ cây cối, hoa màu đã trồng trong khuôn viên Trường Mầm non Cát Quế A để UBND xã và Ban Quản lý dự án huyện tiến hành thi công công trình.
Nói là làm, sáng ngày 26/12/2016, trước sự chứng kiến của nhiều người dân, có rất đông lực lượng cùng phương tiện máy móc tiến vào khu đất bà Oanh đang sử dụng phá tan tành cây cối, hoa màu mà gia đình bà đã gây dựng trong nhiều năm, gây thiệt hại lớn về của cải, vật chất.
Quá bức xúc trước cách hành xử lâu nay của chính quyền địa phương, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh đã làm đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần tiếp tục làm rõ vị trí, ranh giới phần diện tích phần đất ao 65m2 tại thửa số 138a đã cấp GCNQSD đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Oanh.
Bà Nguyễn Thị Oanh đề nghị Tòa án nhân dân tối cao làm rõ nhiều mâu thuẫn trong Bản án hành chính phúc thẩm số 189/HSPT ngày 19/12/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cụ thể:
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ vào đơn đăng ký quyền sử dụng đất năm 1991 và các đơn từ do UBND xã Cát Quế cung cấp làm chứng cứ vậy tại sao trong phiên tòa, gia đình bà Oanh yêu cầu giám định chữ ký trong đơn, tòa án lại nói rằng không cần khi chữ ký có dấu hiệu bị giả mạo?
Ngoài ra, tại sao tại sổ mục kê của xã Cát Quế thể hiện hộ ông Phát, bà Oanh đứng tên kê khai có đất ao 65m2 mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội lại cho rằng đất này là đất vườn?
“Rõ ràng 65m2 đất vườn là không hề tồn tại và gia đình chúng tôi từ năm 1992 đến nay chỉ quản lý và sử dụng 65m2 đất ao tại khu ao gò Trung Quân” – bà Nguyễn Thị Oanh cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
(Mặt trận) - Có giá bán cao “ngất ngưởng” lên tới hơn chục tỷ đồng, được chủ đầu tư, đơn vị phân phối hết lời...
(Mặt trận) - Hàng loạt công trình sai phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận...
Phan Anh Tuấn