MTTQ tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay

(Mặt trận) - Tham gia xây dựng pháp luật, góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định, công tác xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn liền với quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó đã góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham gia xây dựng pháp luật, góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và tại Điều 21 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, theo đó:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước ban hành có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã bổ sung quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó quy định rõ: 

(1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

(2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định;

(3) Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

(4) Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 30/12/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động và sớm triển khai các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch, tập trung vào việc chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định tại Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tại các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

ẢNH: PV


Thứ nhất, về nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật

Thực hiện đề nghị tại Kế hoạch số 81 về việc Nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 403); Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch, yêu cầu báo cáo sơ kết theo đề cương tới Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; gửi văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403. Ban Thường trực cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 tại 4 tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo kết quả 5 năm thi hành Nghị quyết liên tịch số 403 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo của Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và kết quả kiểm tra, khảo sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội1.

Kế hoạch số 81 cũng giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo. Thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang xây dựng đề án nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật; dự kiến hoàn thiện các sản phầm của Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2023.

Tại Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB ngày 30/12/2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất đưa dự án xây dựng Pháp lệnh về giám sát của Nhân dân vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, nhằm cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó Chương trình hành động số 3 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 nêu rõ "Nghiên cứu đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của Nhân dân". Đây là nhiệm vụ chưa được xác định trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.

Ngày 26/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân”. Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch2, trong đó có nội dung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Trong quý IV năm 2023, Ban Thường trực sẽ tiến hành khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội nghị, xây dựng văn bản đề xuất, kiến nghị định hướng xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Thứ hai, về phối hợp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với 58 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị…

Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; góp ý hồ sơ dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân trong toàn hệ thống.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều, khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.

Quốc hội khóa XV đã đi qua nửa nhiệm kỳ, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tham gia vào dự án Luật này, ngay từ đầu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia khâu lập đề nghị xây dựng Luật đến khi Luật được ban hành. Đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án; tham gia trực tiếp ý kiến tại các cuộc họp lấy ý kiến. Ban Thường trực đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật (tháng 11/2021) và tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật này (tháng 4/2022). Sau phản biện, Ban Thường trực đã có văn bản phản biện gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều ý kiến phản biện đã được nghiên cứu, tiếp thu trong dự án Luật.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, việc triển khai thực hiện Luật là một nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” và “Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”, đảm bảo các quy định trong Nghị định thể hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Quá trình tham gia góp ý đã nêu cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước và vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Đảng “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Thứ ba, về việc thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật quan trọng như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đặc biệt đối với dự án Luật Đất đai, Ban Thường trực đã tổ chức phản biện 2 lần trước khi Quốc hội cho ý kiến. Đây là các dự án luật quan trọng, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Các hội nghị phản biện đã huy động sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong đó hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông qua các Hội nghị phản biện, cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe nhiều ý kiến phản biện đa chiều, phong phú, sâu sắc vào các vấn đề cốt lõi, quan trọng, được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, thông tin về nội dung của các dự án, dự thảo văn bản sẽ được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội trước khi được thông qua.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

Trong quá trình tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn gặp một số khó khăn, cụ thể như:

Ở cấp Trung ương đến nay hầu như mới chỉ phản biện xã hội được đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, ít tổ chức phản biện xã hội được đối với dự thảo các chương trình, dự án, đề án của các cơ quan cùng cấp (chỉ phản biện đối với 1 dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia).

Công tác phối hợp trong hoạt động phản biện xã hội của cơ quan chủ trì soạn thảo với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đôi lúc còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời. Các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chủ động, kịp thời gửi đề nghị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện mặc dù kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm đã được gửi lấy ý kiến thống nhất của Chính phủ, nhưng khi thực hiện việc đề xuất hầu hết đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động yêu cầu, đề nghị phối hợp. Việc tiếp thu ý kiến, phản hồi sau phản biện xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức.

Thiếu cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một số đề xuất và giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Trong quá trình triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB còn một số điểm cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Một là, cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực, chủ động phối hợp với Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, bởi trong giai đoạn này các chính sách cơ bản, quan trọng được định hình, việc phản biện xã hội sớm sẽ góp phần hoàn thiện và tạo sự đồng thuận về các chính sách ngay từ khâu hoạch định, phân tích.

Hai là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc với cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản; việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc (đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng); văn bản phản biện cần được thể hiện rõ trong hồ sơ trình dự án, dự thảo văn bản.

Ba là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thực hiện đa dạng hóa thành phần tham gia phản biện xã hội, ưu tiên đối tượng thụ hưởng, đối tượng chịu tác động của văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Đề án, dự án… để các ý kiến phản biện phản ánh được sâu rộng hơn ý chí, mong muốn của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu thực hiện công khai Báo cáo phản biện xã hội, huy động sự vào cuộc của Nhân dân, của các cơ quan báo chí, truyền thông để giám sát các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau phản biện xã hội.

Bốn là, về các nhiệm vụ cụ thể Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung các nội dung trọng tâm:

- Thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; trong đó tập trung vào việc tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

- Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân; Luật Điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận để theo dõi, đề xuất kịp thời việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến phản biện; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản. Về lâu dài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân, nghiên cứu để tiến tới xây dựng luật, pháp lệnh về hoạt động giám sát của Nhân dân.

Chú thích:

1.  Báo cáo số 697/BC-MTTW-BTT ngày 18/7/2023.

2.  Kế hoạch số 672/KH-MTTW-BTT ngày 5/1/2023 thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phùng Thị Ngọc Yến -  Thạc sĩ, Ban Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều