Theo đó, qua công tác thanh tra 38/204 dự án tại TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP Về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014.
Thanh tra Chính Phủ thanh tra 38 dự án thì tất cả những dự án này đều có sai phạm; nhiều dự án làm trái các văn bản của Chính phủ, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, vi phạm Luật Ngân sách.
Đối với Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển TP, qua thanh tra cho thấy: Quỹ Đầu tư phát triển TP là đơn vị không có chức năng thu và quản lý nguồn thu. Tuy nhiên, tính đến năm 2014 Quỹ đã thu về tài khoản là 2.040.589,33 triệu đồng, đến năm 2015 Quỹ đã nộp đủ 2.040.589,33 triệu đồng vào ngân sách TP.
Từ 2010-2015, Sở Tài chính đã thu về tài khoản của Sở tại kho bạc là 2.955.358,53 triệu đồng, bao gồm 2.507.926,53 triệu đồng tiền bán nhà tái định cư do Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội nộp đến tháng 9/2015. Số tiền 447.432 triệu đồng tiền sử dụng đất của các dự án (Công ty Hapulico 272.082 triệu đồng, Công ty CP ĐTXD và kinh doanh nhà Từ Liêm 78.990 triệu đồng; Dự án xây dựng Khu văn phòng, dịch vụ và nhà ở tại 310 Minh Khai là 963.360 triệu đồng). Sở Tài chính đã chi 1.323.420,08 triệu đồng, còn dư trên tài khoản là 1.631.938,45 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển TP thực hiện việc thu, quản lý và sử dụng một số khoản thu: tiền sử dụng đất, tiền chênh lệch giữa giá bán nhà và giá thành xây dựng, khoản thu từ bán chung cư của dự án, khu đô thị và bàn giao cho TP... là thực hiện không đúng chức năng theo quy định của pháp luật tại Khoản 2, Điều 7 Luật Ngân sách 2002; khoản 3 Điều 54 Luật Ngân sách; sử dụng nguồn thu chưa đúng tại Điều 72 Luật Ngân sách 2002.
Trách nhiệm thuộc thường trực UBND TP, Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển TP các nhiệm kì từ 2008-2015.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm tại các dự án, kiến nghị TP Hà Nội xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan
Đối với Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua Kết luận Thanh tra, có thể thấy đơn vị này phải chịu trách nhiệm vi phạm xây dựng, quy hoạch của hàng loạt dự án; về việc quản lý, ký hợp đồng cho thuê kinh doanh dịch vụ...
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội từ năm 2013-2015 đã ký hợp đồng mới cho 66 đơn vị, cá nhân theo chấp thuận của Sở xây dựng và 17 đơn vị, cá nhân hết hợp đồng tiếp tục sử dụng; có 34/65 đơn vị còn nợ tiền thuê nhà 6.199,47 triệu đồng.
Hiện có 28 điểm Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đã tự bố trí cho các hộ sử dụng diện tích kinh doanh nhưng không có hợp đồng thuê và chưa được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội với diện tích là 5.387,85m2; Công ty tự tính tiền sử dụng của các hộ kinh doanh với số tiền phải thu là 23.471,77 triệu đồng, số thu được 2.891,50 triệu đồng, số còn phải thu là 20.880 triệu đồng.
Việc Công ty tiếp tục ký hợp đồng với cho 66 đơn vị, cá nhân tất cả các hợp đồng đều không được tổ chức đấu giá là thực hiện không đúng quy định tại Điều 1 và Điều 17 Quyết định 33/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của UBND TP Hà Nội. Trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng.
Một loạt dự án vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch có trách nhiệm của Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, điển hình như: Dự án KĐTM Dịch Vọng do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc công trình nhà ở cao tầng NO9-B1 và NO9-B2 thêm tầng kĩ thuật tại văn bản số 1100/QHKT-P1 ngày 3/8/2007 và công trình nhà NO-10 điều chỉnh tăng quy mô từ 32 tầng lên 34 tầng (bao gồm cả tầng kĩ thuật và tầng tum) tại văn bản số 1176/QHKT-P8 ngày 1/4/2014 là không phù hợp với QHCTXD tỷ lệ 1/500 và QHCTXD tỉ lệ 1/2000 đã phê duyệt, vi phạm Khoản 2, điều 7 Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ.
Chủ đầu tư đã xây dựng 3 tầng kĩ thuật diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng lại cho thuê làm văn phòng kinh doanh là không phù hợp quy hoạch xây dựng, sử dụng không đúng mục đích, vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 36 Luật Xây dựng năm 2003. Việc xây dựng sai quy hoạch đối với các tòa nhà trên chưa được cơ quan quản lý về quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị xử lý theo quy định, vi phạm Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm tại dự án Kim Văn - Kim Lũ.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc còn phải chịu trách nhiệm tại các dự án như: Dự án KĐTM Kim Văn – Kim Lũ do Vinaconex 2 làm Chủ đầu tư. Tại đây, Sở này đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể tỉ lệ 1/500 là không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và mật độ xây dựng 40,5% là không phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008, tại bảng 2.7A mật độ xây dựng tối đa là 37%, tăng 3,5% so với quy chuẩn xây dựng...
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội (TN&MT), thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng tại các dự án. Cụ thể, tại Dự án KĐTM Kim Văn – Kim Lũ do Vinaconex 2 làm Chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Việc Công ty Vinaconex 2 ký hợp đồng hợp tác đầu tư hạ tầng kĩ thuật với doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên diện tích 13.802m2.
Đến thời điểm thanh tra, 2 doanh nghiệp này chưa có hợp đồng chuyển nhượng cho Nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng nhà chung cư trên diện tích đất này, và chưa được cấp có thẩm quyền của TP cho phép. UBND TP chưa xác định tiền sử dụng đất phải nộp, chủ đầu tư (Vinaconex 2) chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Căn cứ hợp đồng hợp tác đầu tư, DNTN xây dựng số 1 Điện Biên đã đầu tư xây dựng tòa nhà và đứng tên bán toàn bộ 2.177 căn hộ cho khách hàng. Theo đó, Sở TN&MT đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng, vi phạm quy định của Nhà nước về đất đai (Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai).
Ngoài ra, các Sở, ngành trên còn phải chịu trách nhiệm ở một loạt dự án qua thanh tra có sai phạm như: Dự án Khu đô thị Xa La; Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế 2 do Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ Hà Nội (Handi Resco) làm chủ đầu tư; Dự án TP Giao lưu do Công ty CP đầu tư xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư. Dự án khu Nhà ở tại Mễ Trì, Từ Liêm do Công ty CP kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội (Hanhud) làm chủ đầu tư...
Trong số các dự án có sai phạm phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung gồm có: chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng về sử dụng công trình, mua bán căn hộ, đầu tư hạ tầng và nợ đọng tiền chênh lệch như: Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty CP Hữu Nghị Fortika, Công ty CP Thanh Bình, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội.
Dự án Khu nhà ở Trung Văn của Vinaconex 3 vi phạm Quyết định của Thủ tướng về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi số tiền 1.053.097,84 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể: số tiền 205.950,23 triệu đồng do các dự án điều chỉnh quy hoạch xây dựng, xây sai quy hoạch, nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích tăng thêm.
Đặc biệt, một loạt Sở của TP Hà Nội liên quan đến những sai phạm nêu trên đã được làm rõ trách nhiệm, chỉ tên trong từng dự án cụ thể. Việc này, thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị về xử lý trách nhiệm: UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kì để xảy ra sai phạm.
Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trải qua 12 năm (2002 – 2014) trên địa bàn TP Hà Nội đã có hàng trăm dự án được phê duyệt, triển khai và cũng để lại nhiều sai phạm khủng với việc ngân sách bị thất thu hơn nghìn tỷ đồng. Sự việc này có trách nhiệm lớn thuộc về lãnh đạo, tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ của các Sở thuộc UBND TP Hà Nội.
Liệu rằng qua kết luận thanh tra này, việc xử lý trách nhiệm, sai phạm của các Sở, chủ đầu tư dự án có được UBND TP Hà Nội thực hiện một cách nghiêm túc?
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, 9 dự án bất động sản tại Thanh Hóa...
Theo Quốc Trần/Báo Nhà báo và Công luận