Bài học “nỗi đau” nghìn tỷ mang tên Jetstar Pacific: Dấu hỏi lớn về trách nhiệm của ông Dương Trí Thành cùng dàn sếp “bự” Vietnam Airlines

(Mặt trận) -Liên tiếp gánh chịu các khoản lỗ lũy kế khổng lồ hơn 4.000 tỷ; tuy nhiên, đằng sau kết quả kinh doanh bết bát, ảm đạm mà Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (Công ty con của Vietnam Airlines) đang gặp phải lại là đà thăng tiến “thần tốc” của nhiều cựu lãnh đạo Jetstar khi lần lượt giữ các chức danh chủ chốt của Vietnam Airlines.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, song Jetstar Pacific (JPA) không tận dụng được lợi thế của mô hình này, và nhanh chóng bị đè bẹp khi các hãng hàng không giá rẻ khác ra đời.

Việc JPA hoạt động bết bát bất chấp thị trường hàng không tăng trưởng là điều không bất ngờ bởi “sức khỏe” hãng hàng không liên doanh giữa Vietnam Airlines và Qantas Airways từ xưa đến nay đã có “tiền sử” thua lỗ lớn.

Số lỗ lũy kế của hãng hàng không này lên tới trên 4.000 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

“Số phận” khoản lỗ hơn 4.000 tỷ cùng cặp đôi ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà

JPA được thành lập từ tháng 4/1991 với vốn góp 40 tỷ đồng của 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước.  Tới năm 1995, Hãng hàng không này trở thành đơn vị thành viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Ngay sau đó, phần vốn góp Nhà nước được chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ.

Năm 2007, 30% cổ phần của Hãng hàng không Jetstar đã thuộc quyền sở của Tập đoàn hàng không Qantas của Australia. Sở hữu 30% cổ phần trong tay, Qantas trở thành một cổ đông chiến lược của Jetstar.

Tính đến nay, số cổ phần của Hãng hàng không Jetstar được phân bổ như sau: Vietnam Airlines (nắm 68,86% cổ phần), Qantas (nắm 30% cổ phần) và Saigontourist (nắm 1,14% cổ phần).

Tại thời điểm Jetstar xuất hiện, tại Việt Nam chỉ mới có hai hãng hàng không chính cung cấp dịch vụ bay nội địa (Vietnam Airlines và Jetstar), nhưng kết quả kinh doanh của hãng này luôn ở trong tình trạng thua lỗ. Giai đoạn 2008 - 2009, hãng báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng.

Tiếp đó, ở thời điểm 2010-2011, JPA vẫn tiếp tục “bài ca” thua lỗ. Số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỷ đồng.

Sau thời gian dài thua lỗ, đến tháng 2/2012, sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar, “bức tranh” vốn đã u ám có thêm những mảng màu “xám xịt”. JPA thua lỗ vẫn hoàn thua lỗ và năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, trong năm 2016, hãng báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ. Năm 2017 lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, hai cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Quatas dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung vốn cho hãng này và nếu Jetstar tiếp tục thua lỗ thì đồng nghĩa với việc vốn của Vietnam Airlines đầu tư vào đây cũng sẽ "một đi không trở lại".

Sẽ là bình thường nếu JPA hoạt động độc lập và kinh doanh theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”, thậm chí là đóng cửa, thế nhưng, việc JPA càng làm ăn bết bát lại khiến cho Vietnam Airlines - cổ đông lớn nhất chịu thiệt hại nặng. 

Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đã gián tiếp gánh chịu những khoản lỗ nghìn tỷ của Jetstar từ Vietnam Airlines.

Dù kết quả sản xuất kinh doanh JPA “cắm đầu xuống đất” nhưng thật kỳ lạ, con đường quan lộ của ông Dương Trí Thành - cựu “cơ trưởng” JPA (Chủ tịch HĐQT của JPA - PV) lại vô cùng thăng hoa.

Bỏ lại đằng sau các khoản lỗ nghìn tỷ, chức vụ hiện nay của ông Dương Trí Thành hiện nay khiến nhiều người sửng sốt bởi ông Thành đang là đương kim Tổng Giám đốc của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines.

Nghịch lý JPA càng lỗ thì sếp doanh nghiệp thăng chức càng cao, càng nhanh lại đúng thêm nữa đối với trường hợp của ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc  phụ trách thương mại của Vietnam Airline hiện nay. Ông Lê Hồng Hà giữ chức Tổng Giám đốc của JPA trong 3 năm liên tục, từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2015.

Ngoài ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà kể trên, còn một số cán bộ quan trọng của Vietnam Airlines cũng từng giữ chức vụ trọng yếu trong Jetstar là ông Lê Đức Cảnh, Trưởng ban Đầu tư của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Ông Lê Đức Cảnh từng là kế toán trưởng của hãng hàng không Jetstar.

 “Bóng ma” Jetstar  tại Vietnam Airlines và bài học trong công tác cán bộ

Là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam nhưng JPA có “tiền sử” thua lỗ nhiều năm liền. Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

Thời gian vừa qua, những tiêu cực trong công tác cán bộ tại một số cơ quan đơn vị ở nhiều nơi trong bộ máy của hệ thống chính trị đã được các cơ quan báo chí phanh phui.

Đó là những “ông nọ, bà kia” được chống lưng, nâng đỡ không trong sáng, dùng tiền mà “chạy chức, chạy quyền”, tham ô, tham nhũng trong công tác cán bộ thì mới thăng tiến “thần tốc” như vậy, hay “chỉ có thần tiền mới làm được”?

Từ những sự việc trên, rõ ràng công tác cán bộ còn nhiều tồn tại, để lại những hậu quả nghiêm trọng, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những người vì “tư lợi”, “tình riêng” “con ông cháu cha”, tham ô, tham nhũng… từ công tác cán bộ. Họ không xuất phát từ lợi ích chung, vì công việc mà quy hoạch, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai quy định, quy trình, “nhắm mắt” làm liều, bổ nhiệm chức quyền ấy cho người không đủ tiêu chuẩn là vì “tư tình”, lợi ích riêng, không thế thì cũng là tạo ê kíp để củng cố cái ghế quyền lực của mình thật chắc. Đây là một dạng nghiêm trọng của suy thái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra.

Đối với cá nhân dùng tiền, dùng những hình thức tiêu cực khác để có quyền, có “ghế”, có vị trí thật nhanh, thật cao… là con người “tham quyền”.

Trong những trường hợp này thì “vị trí ấy”, cái quyền ấy không hợp với lòng dân, không dân chủ. Vậy những quyết sách, việc làm của quan “tham quyền”, “thần tốc” như vậy với danh nghĩa là thực thi công vụ, vì lợi ích của dân có phù hợp với lợi ích nguyện vọng của dân? Những việc làm cho dân ấy liệu có gắn những lợi quyền của cá nhân? “Quan” tham quyền mà tại vị ở đó, “nhầm ghế” thì thật là tai hại.

Bên cạnh đó, những cán bộ, đảng viên khác những người có năng lực, có tâm huyết, có đạo đức vì những việc như trên mà bị loại ra, không được đề bạt, bổ nhiệm, không được nhìn nhận một cách đúng mức, họ cũng “tâm tư”, chán nản. Nhiều người không vững vàng về tư tưởng chính trị, qua đó mà suy nghĩ tiêu cực, bi quan, bè phái, mất đoàn kết, nhiều trường hợp bị kích động trở thành kẻ chống đối, cơ hội chính trị,  “trở cờ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính phủ… đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.

Qua đó, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và tạo được lòng tin với cộng đồng quốc tế. Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng đã đi vào thực chất, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước, ngăn ngừa những biểu hiện tham nhũng, lãng phí.

Quay trở lại vụ việc gây xôn xao dự luận tại Jetstar Pacific và Vietnam Airlines, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao đối với các khoản thua lỗ của Hãng hàng không Jetstar, các ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà không những không phải chịu trách nhiệm, mà còn được thăng tiến làm lãnh đạo chủ chốt của Vietnam Airlines?

Vậy với những trường hợp như trên, đâu là nguyên nhân? Nếu không được làm rõ, dư luận sẽ luôn luôn hoài nghi, suy diễn sự việc ra theo nhiều hướng khác nhau?

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam về việc Jetstar thua lỗ, lãnh đạo vẫn được thăng chức, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân tỏ ra rất bất ngờ trước hiện trạng thua lỗ nhiều năm của Jetstar Pacific. Bởi lẽ, Jetstar Pacific là doanh nghiệp có rất nhiều ưu thế trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không, đặc biệt là từ khi Jetstar Pacific quay trở lại thuộc quyền quản lý của Vietnam Airlines. Và trách nhiệm đầu tiên phải kể đến đó là các lãnh đạo điều hành của Jetstar Pacific.

Nói về việc bổ nhiệm các cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành đã rất rõ ràng về việc cử người đại diện vốn nhà nước và việc bầu, bổ nhiệm những nhân sự này giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục bổ nhiệm.

“Có thể đang có sai phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự tại Vietnam Airlines. Rất có thể, quy trình bổ nhiệm nhân sự quản lý tại Vietnam Airlines đã không xem xét đến hiệu quả trọng hoạt động điều hành của các nhân sự đề cử trước khi bổ nhiệm. Và nếu đây là sự thật thì sẽ là thiếu sót lớn trong quy trình bổ nhiệm nhân sự của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là nhận định chủ quan, chưa có căn cứ rõ ràng, để có kết luận cuối cùng cần các cơ quan chức năng vào cuộc và đánh giá lại về quy trình đánh giá, bổ nhiệm tại Vietnam Airlines. Với tư cách Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới tôi sẽ có ý kiến để cơ quan liên quan vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề này” - Ông Lê Thanh Vân nói.

Xoay quanh những khoản lỗ nghìn tỷ tại JPA và những vị trí được bổ nhiệm đầy “ngoạn mục” tại Vietnam Airlines, ai là người chịu trách nhiệm cho những khoảng thua lỗ nghìn tỷ tại JPA? Có hay không sự “ưu ái” cho những nhân sự chủ chốt như hiện tại ở Vietnam Airlines? Phải chăng đang có hiện tượng thăng tiến “thần tốc”, bổ nhiệm “thần tốc” tại Vietnam Airlines mà chưa được phát hiện, xử lý? Đối với những lãnh đạo tại Vietnam Airlines đã để xảy ra thua lỗ nhiều năm liền ở  JPA, ở tầm vĩ mô hơn liệu các nhân sự này có đủ năng lực, trình độ gánh vác công việc và giúp ngành hàng không Việt Nam phát triển.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ nguyên nhân để xảy ra thua lỗ kéo dài tại Jetstar Pacific, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Đồng thời làm rõ quy trình đề bạt, bổ nhiệm đối với các nhân sự chủ chốt của Vietnam Airlines đã để xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi còn làm lãnh đạo tại Jetstar Pacific.

Nguồn:

https://theleader.vn/hang-hang-khong-gia-re-jetstar-pacific-ngap-chim-trong-thua-lo-1533699844299.htm

http://toquoc.vn/tgdptgd-duong-nhiem-vietnam-airlines-khong-the-thoai-thac-khoan-lo-hon-4000-ty-dong-cua-hang-hang-khong-jetstar-20190418232523146.htm

http://baophapluat.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-noi-ve-vu-viec-jetstar-thua-lo-lanh-dao-van-duoc-thang-chuc-448689.html

Phan Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều