Điều kiện kinh doanh và quản lý vận tải đường bộ

Phải thừa nhận từ khi Luật doanh nghiệp ra đời vào năm 2000 rồi đến quyết định 19 của Thủ tướng Phan Văn Khải bỏ một số giấy phép con trong đó có ngành vận tải. Bên cạnh đó khối kinh tế HTX cũng đã thay đổi Luật HTX về đổi mới HTX, không còn giống như thời kỳ kinh tế bao cấp; những chính sách đổi mới đã mang lại sự phát triển cho ngành vận tải ở chừng mực nào đó cả lượng và chất giúp sự đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Từ năm 2000 đến nay về giao thông đường bộ thì đã có Luật giao thông đường bộ năm 2008, Luật HTX tiếp tục thay đổi năm 2012. Còn các văn bản dưới Luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của ngành GTVT từ đó đến nay đã thay đổi liên tục, tuổi thọ của Nghị định, Thông tư đều không tồn tại lâu dài, từ đây đã gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải. Hoạt động vận tải không ổn định, tình trạng xe dù bến cóc đã diễn ra hơn 30 năm nay chúng ta không khắc phục được mà ngày càng biến tướng và nhiều hơn, hậu quả trật tự vận tải không lập lại được, từ đây tai nạn giao thông tăng cao, trong đó có những nguyên nhân từ khách quan lẫn chủ quan: Khách quan là do các chủ phương tiện khai thác kẻ hở của các quy định quản lý vận tải, trong đó có nhiều kẻ hở thiếu chặt chẽ, thiếu hệ thống làm cho lực lượng xử lý khó xử lý, rồi lực lượng này lại lợi dụng kẻ hở để sinh ra tiêu cực với nhà xe trong việc xử phạt; về chủ quan do lãnh đạo cấp vĩ mô chưa có tầm nhìn chiến lược lâu dài cho ngành vận tải, không có tư duy nhận định đánh giá lâu dài cho ngành, không nhìn thấy trước sự phát triển của xã hội cuộc sống vì cuộc sống luôn đi trước pháp luật, điển hình là sự phát triển vận tải Uber và Grab rồi Limousine, rồi đây sẽ là cái gì nữa?, các nhà kỹ trị làm vận tải có nhìn phía trước được không?. Ta hãy đứng trên vai hiện tại mà nhìn về phía trước tương lai thì mới thấy tương lai. Chứ chỉ đứng ngàng bằng hiện tại thì không thể thấy tương lai phía trước để mà đề ra cơ chế chính sách cho khoảng 10 đến 15 năm được, tâm và tầm của cấp vĩ mô là như vậy.

  Ông Nguyễn Đình Cung – Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) và Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô tô Việt Nam chủ trì hội thảo.

Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại việc soạn Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao Thông Vận Tải và một số Thông tư khác liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của Nghị định 86/2014/NĐ-CP.Từ ngày có chủ trương soạn thảo Nghị định thay thế đến nay gần 02 năm do Bộ GTVT biên soạn qua nhiều lần dự thảo gửi các nơi liên quan góp ý rồi trình Chính phủ và các bộ ngành tham gia nhưng đều không đạt được sự thống nhất và mới đây Chính phủ đã yêu cầu làm lại; vì sao một dự thảo Nghị định mà gặp phải phản ứng của các đối tượng phải thực hiện cũng như các Bộ ngành khác chưa thống nhất được với Bộ GTVT.

Đặc biệt ngày 23/01/2018 tại “Hội thảo điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vấn đề và kiến nghị” do viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức đã trở thành nơi để các chuyên gia giật mình. (sic-Báo PL) Bà Phạm Chi Lan đã nêu nhiều quy định làm khó doanh nghiệp, cụ thể Bà Lan nêu: “ Dự thảo yêu cầu tài xế phải mang theo danh sách hành khách khi vận chuyển trên đường. Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo với Sở GTVT địa phương. “Tại Hà Nội, TP. HCM hằng ngày có hàng ngàn chuyến xe di chuyển qua. Nếu phải tiếp nhận thông tin thì cơ quan quản lý có xử lý và giải quyết được không hay chỉ sinh ra giấy phép con làm phiền họ?” (sic).

 

Bà Phạm Chi Lan phát biểu ý kiến

Ngày 25/01/2018 cùng tại một cuộc hội thảo do CIEM tổ chức nói về cắt giảm điều kiện kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết: “Thủ tướng giao các bộ rà soát đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện đăng ký kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các bộ”.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng hiện nay tư duy về quản lý cũng chưa phải đã thay đổi nhiều, mà dự thảo nghị định mới về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô là một ví dụ. Tại đây không ít những quy định hành chính vô lý còn được duy trì, như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh, trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải các thông tin của chuyến đi...”.

 

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện Trưởng Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) phát biểu tại cuộc hội thảo.

Đến việc cầm nhầm chức năng quản lý: Gần 5 năm qua nhà nước ngành vận tải chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe ôtô nhưng trên hệ thống lại không biết xe đó đi tới điểm cụ thể nào, vượt tốc độ thì không được phát hiện ngay để cảnh báo. Hệ thống dùng chủ yếu để kiểm tra khi sự đã rồi.

Tại các nước phát triển việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) là việc của doanh nghiệp để họ quản lý sự hoạt động của doanh nghiệp mình, họ nắm được từ chân lông kẻ tóc việc vận hành của người lái xe, người phục vụ và cả doanh thu của doanh nghiệp họ trong khi ở nước ta nhà nước chủ trương lắp hộp đen là để xử phạt và hy vọng giảm thiểu tai nạn giao thông, nhưng hy vọng này vô cùng mong manh chỉ thêm cho tiêu cực.

Khuất tất và phi lý nhất là khi mới triển khai việc gắn GPS, mỗi hộp đen giá cả trên trời, từ 8.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ một thiết bị, đây là thời điểm vàng cho các công ty sản xuất lắp đặt hộp đen. Sau hơn 03 năm và hiện nay giá cả một thiết bị này chỉ có từ 2.800.000VNĐ đến 3.000.000VNĐ/1 thiết bị, những lợi nhuận siêu khủng này có sự chống lưng của chủ trương hay không?. Báo Tiền Phong ngày 16/12/2017 đã có bài “Lắp hộp đen gần 800.000 xe vì ai, mục đích gì?”(sic-Báo TP) để nói về việc bắt buộc lắp hộp đen trong điều kiện kinh doanh nhưng chưa biết doanh nghiệp được lợi ích gì và tai nạn giao thông có giảm thiểu được không?

Người làm vận tải chúng ta hy vọng Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP lần này sau khi được góp ý của các Bộ ngành và Hiệp Hội Vận Tải, chủ doanh nghiệp… Chính phủ ban hành sẽ được đi vào cuộc sống lâu dài, ổn định phát triển vận tải.

Theo Hồ Anh/VTOTO (dailo.vn)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều