Du lịch sinh thái nông thôn - hướng đi mới ở một xã ngoại thành Hà Nội

(Mặt trận) - Tận dụng lợi thế địa phương nằm ở ven đô, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội), đã chuyển hướng từ một xã làm nông nghiệp thuần túy, sang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Hoạt động này bước đầu cho thấy hiệu quả, khi đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân, và từng bước được xác định là một trong những động lực phát triển kinh tế của địa phương.
 

Xã Hồng Vân định hướng phát triển du lịch trên nền tảng, hạ tầng kinh tế nông nghiệp.

Hồng Vân là xã nằm ở phía đông của huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 18 km về phía Nam. Diện tích đất tự nhiên toàn xã là 421,56 ha và 6.241 nhân khẩu. Từ một xã nông nghiệp, làng nghề, những năm gần đây, Hồng Vân đẩy mạnh phát triển them hướng du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh, sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ. Trong năm 2019, xã đã đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước về tham quan trải nghiệm; doanh thu từ hoạt động trải nghiệm, dịch vụ ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Hiệu quả ban đầu từ chuyển hướng sang du lịch sinh thái

Một trong những hình thức được nhiều hộ gia đình trong xã áp dụng là xây dựng mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật. Các gia đình thường tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày đa dạng các loại cây cảnh nhỏ, vừa và lớn, cùng với đó là sắp xếp để thuận tiện và thu hút khách tham quan.

Ông Vũ Văn Úy - người dân làm nghề sinh vật cảnh đã được gần 20 năm tại xã Hồng Vân chia sẻ: “Cũng từ định hướng chung của xã nên các nhà vườn đã xác định “lấy ngắn nuôi dài”. Ban đầu chuyển đổi thì rất vất vả, khó khăn nhất là chi phí đầu tư để cải tạo, xây dựng mô hình du lịch rất lớn. Tuy nhiên chính quyền rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để các hộ phát triển theo hướng này. Đến nay có thể nói là cuộc sống và kinh tế của gia đình tôi đã đi vào ổn định, với một phần nguồn thu từ du lịch, dịch vụ”.

 

Ông Vũ Văn Úy có thâm niên 20 năm trong nghề sinh vật cảnh

 

Nhà vườn chăm sóc cây chuẩn bị đón khách

Ngoài ra, người dân địa phương còn tích cực đầu tư, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đem lại hiệu quả kinh tế như HTX hoa, cây cảnh dịch vụ Hồng Vân với chuỗi sản xuất, kinh doanh Trà thảo mộc; sản xuất hoa, cây cảnh kết hợp khai thác các dịch vụ du lịch. Mô hình Nông trại giáo dục (của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Anh Tùng), cũng là điểm thu hút đông khách du lịch với diện tích 2 ha, du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ trải nghiệm. Đây là mô hình rất thích hợp cho trẻ nhỏ, giúp trẻ có thêm kiến thức về thế giới tự nhiên, nghề nông, các trò chơi dân gian và tận hưởng không khí trong lành của làng quê.

 

Các em học sinh được tự tay sáng tạo các món ăn (Ảnh_ Nông trại giáo dục Vietvillage)

 

Học sinh được trải nghiệm làm nghề nông như trồng cây, đào khoai,… (Ảnh_ Nông trại giáo dục Vietvillage)

Nhờ có thêm nguồn thu từ du lịch, năm 2019, tổng thu nhập của xã Hồng Vân đạt 338,53 tỷ đồng, trong đó sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ là 270,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,2 triệu đồng/người/năm (theo Báo cáo Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2019 của xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).

Từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển du lịch dựa trên cơ sở 2 làng nghề truyền thống Xâm Xuyên, Cơ Giáo - được UBND tỉnh Hà Tây trước đây công nhận là làng nghề sinh vật cảnh năm 2008 - đang được xã Hồng Vân chú trọng, trên cơ sở đó lan tỏa mô hình du lịch sinh thái ra toàn xã. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, đến tháng 11/2018, Hồng Vân được thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề sinh thái. 

 

Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý

Ông Mai Văn Ngần - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ, trong công tác quản lý, lãnh đạo xã cố gắng chỉ đạo, tuyên truyền để người dân phát triển các mô hình du lịch không trùng lặp, tránh sự nhàm chán đối với khách tham quan. Định hướng phát triển xã đến năm 2020 cơ bản trở thành xã “Du Lịch - Sinh thái - Làng nghề”; là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là về thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Vì xuất phát đi lên từ người nông dân nay chuyển sang làm du lịch nên suy nghĩ của người dân vẫn còn cổ hủ và tư duy về dịch vụ du lịch chưa có sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó thì điều kiện kinh tế của người dân chưa được cao nên việc chuyển đổi vẫn còn khó khăn - ông Ngần thẳng thắn chia sẻ.

 

Tuyến đường Hoa Ban

 

Đường Quân Vân được người dân trồng dàn cây hoa giấy và chăm sóc thường xuyên

Việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận những thay đổi tích cực nó đã mang lại cho địa phương. Đời sống vất chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Từ đó là tiền đề cho địa phương phát triển và xây dưng nông thôn mới nâng cao.

Xuất hiện ngày càng nhiều những con đường được người dân tổ chức trồng hoa, đặc biệt là mỗi tuyến chỉ trồng một loài hoa. Bên cạnh việc làm đẹp đường phố, góp ích cho phát triển du lịch, thì địa phương cũng đã tổ chức phát động và thực hiện hai phong trào lớn là: “Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp” và “Xây dựng người Hồng Vân thân thiện - mến khách”.

Minh Châu

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều