Hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp

Trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19, nhiều sở, ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một số chính sách hiệu quả, thiết thực. Các chính sách theo hướng sâu sát và hiệu quả để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trong một chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố.

Cần hiểu doanh nghiệp cần gì

Trong giai đoạn hậu Covid-19 và khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tín hiệu lạc quan thì không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, bảy tháng đầu năm đã có hơn 113 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, Sở đã tham mưu thành phố ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đơn cử như: Kết nối ngân hàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; tổ chức cho các ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng hỗ trợ theo từng năm. Năm 2022, 13 ngân hàng đã đăng ký với tổng số vốn giải ngân hơn 568 nghìn tỷ đồng cho 32.500 khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 20 ngân hàng đăng ký với tổng số tiền đạt hơn 453 nghìn tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 134 nghìn tỷ đồng đến gần 32 nghìn khách hàng.

Ngoài ra, Sở Công thương tham mưu chính quyền thành phố tổ chức các giải pháp hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố với các địa phương, nhà cung ứng, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ðối với hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và khắc phục khó khăn, Sở Công thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, "Hương vị Việt Nam-Taste of Vietnam tại hệ thống 15 siêu thị BigC Thái Lan; Diễn đàn đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh với chủ đề "Liên kết mạnh-Xuất khẩu xanh";…

Trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc về công tác hỗ trợ của ngành công thương mới đây, nhiều ý kiến của các đại biểu Ðoàn giám sát Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần sâu sát, hiệu quả hơn nữa. Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh cho biết, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp giải thể rất lớn như hiện nay, ngành công thương cần tìm hiểu thị trường, điểm ra các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan để có giải pháp phù hợp thực tiễn thị trường. Sở Công thương cần lắng nghe "hơi thở" của doanh nghiệp và người dân để nắm bắt những khó khăn thật sự, cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp và mong muốn vấn đề gì để đưa ra các chính sách phù hợp.

Ở góc nhìn về chính sách pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, thành viên Hội đồng Tư vấn về dân chủ-pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đề nghị cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, bởi mức hỗ trợ đối với các chương trình xúc tiến hiện nay khá thấp so với thực tiễn thị trường (chẳng hạn: hỗ trợ 50% chi phí tổ chức hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam nhưng không quá 12 triệu đồng/đơn vị tham gia, hỗ trợ 100% chi phí tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài nhưng tối đa 40 triệu đồng/đơn vị tham gia giao dịch tại châu Á…). Ngoài ra, ngành chức năng cũng cần có đánh giá cụ thể hơn về các chương trình kết nối, đặc biệt là thông tin về mục tiêu các ngân hàng cho vay để doanh nghiệp sử dụng vào việc gì (trả lương; phục hồi sản xuất; an sinh xã hội,…); công tác cải cách hành chính cần tiếp tục đẩy mạnh, cải thiện môi trường rõ ràng hơn nữa.

Hiện đại hóa ngành thuế

Báo cáo với Ðoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc thành phố mới đây, Cục Thuế thành phố cho biết, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến 30/4/2023, các chính sách về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế. Trong đó, chính sách miễn giảm, gia hạn có tác động thực chất, hiệu quả thực tế đối với các đối tượng thụ hưởng, giúp đỡ duy trì và khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn như số lượng chính sách thực thi đồng loạt, nhiều và rộng, quy định chi tiết khá phức tạp, thời hiệu áp dụng một số chính sách ngắn và có sự thay đổi kế tiếp dẫn đến gây áp lực đến hệ thống nội bộ ngành thuế cũng như doanh nghiệp trong việc cập nhật nắm bắt quy định, tuyên truyền chính sách. Ngoài ra, việc dữ liệu chưa đồng bộ cũng khiến cơ quan thuế mất nhiều thời gian để xử lý, triển khai các chính sách trong thực tế.

Nêu những khó khăn về thuế trong quá trình triển khai tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Ðình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng: Phần mềm giao dịch điện tử về thuế còn phức tạp, phần lớn doanh nghiệp phải nhờ dịch vụ thực hiện. Việc không kiểm tra quyết toán thuế hằng năm hay áp mã thuế không hợp lý, dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu vấn đề, Cục Thuế là đơn vị chủ chốt trong thực hiện chính sách thuế nhưng nhiều doanh nghiệp lên tiếng họ vẫn bị gây "khó dễ" khi thực hiện quyền lợi của mình; thủ tục hoàn thuế chậm cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến cho lỗ chồng lỗ, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công hoặc phá sản; việc quản lý thông tin điện tử về thuế vẫn còn nhiều bất cập; sai lệch số liệu tạo ra lỗ hổng cho các đơn vị trục lợi bất chính. Từ thực tế đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị cần phải tập huấn, tuyên truyền về thuế, pháp luật về thuế; thực hiện cải cách công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua nhiều kênh khác nhau. Trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Thuế thành phố kiến nghị cần giảm tải bớt khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên bằng cách tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng các kênh truyền nhận, thu thập dữ liệu đi thẳng từ người nộp thuế khai báo đến hệ thống theo dõi, thống kê của cơ quan thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, hỗ trợ cho người nộp thuế nhằm giảm bớt các trường hợp sai sót, nhầm lẫn khi đọc hiểu và áp dụng chính sách của doanh nghiệp ■

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều