Quy hoạch, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh miền Trung

Miền Trung là khu vực có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu cùng nhiều bãi biển dài và đẹp. Để khai thác tốt tiềm năng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch của Chính phủ, cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng vùng.

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương

Ban Điều phối phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động hợp tác phát triển du lịch năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và ký kết hợp tác phát triển du lịch. Tham dự có lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Tổ giúp việc Ban Điều phối 4 tỉnh Bắc miền Trung; đại diện Tổ công tác phát triển du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiêu biểu và Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung.

Trong năm 2017, sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung được phục hồi nhanh chóng đã giúp du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng; các dịch vụ du lịch đã hoạt động sôi nổi trở lại, nhất là khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình. Tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được đưa vào hoạt động; hoạt động kinh doanh lữ hành có nhiều khởi sắc; dịch vụ xã hội phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vận chuyển khách du lịch, lượng khách đi du lịch tăng mạnh từ đầu năm. Trong năm 2017, có 19,760 triệu lượt khách tham quan du lịch đến 4 tỉnh Bắc miền Trung, tăng 35,75% so với năm 2016; trong đó khách quốc tế đạt trên 450 ngàn lượt, tăng 71,45% so với năm 2016.

Về hoạt động liên kết tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, các địa phương đã chủ động phối hợp tham gia tổ chức gian hàng chung tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2017. Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch các tỉnh đã tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm và ký kết chương trình hợp tác về xúc tiến, quảng bá với nhau. Bên cạnh đó, các địa phương đã liên kết về phát triển sản phẩm du lịch; trong đó, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đặc trưng chung của vùng theo hai chủ đề: “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững”.

Tuy nhiên, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung vẫn chưa cao. Một số nội dung trong kế hoạch hợp tác chưa được triển khai như: Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho 4 tỉnh; chưa xây dựng được sản phẩm, ấn phẩm chung và chưa thiết kế logo và slogan chung của 4 tỉnh để giúp nhận diện, định vị được thương hiệu điểm đến phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch chung cho 4 tỉnh.

Trong năm 2018, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch các tỉnh Bắc miền Trung cần tăng cường phối hợp tham gia các Hội chợ, Hội thảo, triển lãm, các sự kiện và lễ hội trong nước, quốc tế do Trung ương và các địa phương tổ chức; tiếp tục nâng cao hiệu quả việc xây dựng các gian hàng chung tại Hội chợ du lịch trong nước, quốc tế; liên kết chặt chẽ trong việc quảng bá du lịch các địa phương tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là phát triển các đường bay quốc tế, đường bay nội địa mới đến mỗi tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức đón đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch 4 tỉnh, trong đó ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch dọc đường Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tiếp tục liên kết triển khai hiệu quả việc phát triển tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” từ Thành Nhà Hồ đến Phong Nha - Kẻ Bàng; xây dựng tour du lịch “Theo dấu chân các danh nhân, anh hùng” đi qua 4 tỉnh; đẩy mạnh việc liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đường bộ cho khách du lịch từ Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) đi qua 4 địa phương trong đó ưu tiên các tour caravan.

Hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh chung cho khách du lịch nội địa như tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Cầu Hàm Rồng - Truông Bồn - Ngã Ba Đồng Lộc - Hang Tám cô Thanh niên xung phong và đường 20 Quyết thắng - Bến phà Long Đại; tuyến du lịch văn hóa tâm linh Đền Sòng - Quê Bác - Đền Chợ Củi - Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 với mục tiêu đấu đến năm 2025, Phong Nha - Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao. Sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động; nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, văn hóa bản địa và di tích khảo cổ.

Mục tiêu đến năm 2025, Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 300.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2030, đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) đến năm 2025 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt trên 8.200 tỷ đồng.

Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, trong thời gian tới Phong Nha - Kẻ Bàng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, theo những quy định khai thác nghiêm ngặt, gắn với những giá trị tiêu biểu đã được thế giới và quốc gia công nhận là du lịch thám hiểm hang động (hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va - hang Nước Nứt, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy Cung...); phát triển đa dạng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu tìm hiểu đa dạng sinh học Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các giá trị về khảo cổ học, địa chất, địa mạo và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Các sản phẩm du lịch chính được chú trọng như: Du lịch tham quan; du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng; du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn.

Các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: Đi bộ dã ngoại, đạp xe theo các tuyến đường mòn, thể thao, vui chơi giải trí, bơi lội, chèo thuyền trên sông, du lịch gắn với lễ hội như Đua thuyền, Hội thi cá trắm trên Sông Son...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới sẽ đầu tư nâng cấp các tuyến du lịch đang khai thác như: Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang, thung lũng Sinh Tồn - hang Tối; ngắm cảnh thiên nhiên suối Rào Thương - hang Én; khám phá hang Va - hang Nước Nứt; tuyến du lịch trên Sông Chày - Hang Tối; tuyến tham quan động Phong Nha - động Tiên Sơn; tham quan khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc; tham quan vườn thực vật, di tích lịch sử hang tám thanh niên xung phong (hang Tám Cô) và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Đồng thời, phát triển các tuyến tham quan mới trong Khu du lịch quốc gia gồm: Tuyến du lịch đường thủy sông Son - sông Troóc - sông Chày; tuyến tham quan hồ Gia Phái - núi Bến Đập; tuyến du lịch đại chúng vòng quanh phân khu Trung Tâm. Phát triển các tuyến du lịch liên kết phân khu Trung tâm với các phân khu ngoài gồm: vòng cung Bắc (phân khu Bắc) dành cho du lịch cộng đồng và sinh thái đồng bằng; vòng cung Đông (phân khu Đông) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt với các hoạt động thám hiểm hang động, nghiên cứu đa dạng sinh học; vòng cung Tây (phân khu Tây) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt và du lịch cộng đồng; vòng cung Nam (phân khu Nam) dành cho du lịch sinh thái và sinh thái nghiêm ngặt với những trải nghiệm sâu về “Vương quốc hang động Phong Nha - Kẻ Bàng”...

Phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài

Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An; có ranh giới được xác định: Phía Bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; phía Đông giáp biển; phía Tây lấy quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu; phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, bao gồm các xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.

Thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; từng bước mở rộng ra các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch tham quan trải nghiệm trên vịnh, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Thị trường khách quốc tế chú trọng thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; tập trung khai thác, thu hút thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); tiếp cận và khai thác thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia) qua các tỉnh Tây Nguyên; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi (bungalow); các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá: Khu nghỉ dưỡng đá, khu nghỉ dưỡng đá kết hợp thiền...; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ: Khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp, khu spa cao cấp; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái: Lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển... với dịch vụ cao cấp và quy định nghiêm ngặt; ngắm cảnh, chụp ảnh các rạn san hô gần bờ, các sinh vật biển...; đi bộ, dã ngoại, cắm trại, quan sát động, thực vật trong rừng; du lịch văn hóa - lịch sử: Tham quan di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, các di tích khảo cổ, di tích lịch sử; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, thưởng thức văn hóa ẩm thực và đặc sản biển.

Theo Nguyễn Đức/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều