Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký ban hành ngày 15/6/2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 403). Sau 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch số 403 đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngay sau khi Nghị quyết liên tịch số 403 được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và đoàn thể liên quan tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc để quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành nghị quyết liên tịch.

Đồng thời, ban hành các thông tri, hướng dẫn cụ thể như: Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT ngày 21/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Hướng dẫn quy trình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Thông tri số 36/TT-MTTW-BTT ngày 6/5/2019 hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp dân và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/9/2020 hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ...

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết liên tịch số 403 trong các luật, nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành và trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật1 của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp (Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân...).

Xây dựng các cuốn tài liệu, tập bài giảng liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403 để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt làm công tác Mặt trận các cấp; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành đồng bộ các hình thức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức thành viên của Mặt trận về các nội dung cơ bản của Nghị quyết liên tịch số 403.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động hướng dẫn triển khai các nội dung của Nghị quyết liên tịch số 403 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình.

Điển hình như Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội; ban hành Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 87/HD-CCB về thực hiện giám sát, phản biện xã hội; Trung ương Hội Nông dân ban hành nhiều Kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội...

Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân; ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Nghị quyết liên tịch số 403 nói riêng. Đồng thời, cũng là yêu cầu để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo sự chuyển biến căn bản, rõ rệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong hầu hết các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy về việc tổ chức thực hiện các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều giao Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng hệ thống chính trị.

Cấp ủy, chính quyền đều xây dựng kế hoạch, tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết liên tịch số 403 đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân ở địa phương.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tạo sự thống nhất chung trong toàn địa phương về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như tăng cường thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu cấp ủy ban hành Đề án về phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện quy trình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn với công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và công tác dân chủ, pháp luật, trong đó có hướng dẫn cụ thể các hình thức, nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403, Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện các quy định của Nghị quyết liên tịch số 403; trong đó, thường xuyên trao đổi, thống nhất trong xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; việc phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc nghiên cứu, xem xét các loại văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...

Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đại diện tham gia đầy đủ các hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức; việc xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.

Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp công tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, ban, ngành cùng cấp. Căn cứ vào các nội dung phối hợp đã ký kết, hằng năm các cơ quan phối hợp đều triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng thời thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin có liên quan, cụ thể như:

Chương trình giám sát; hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có đề xuất nội dung giám sát với Hội đồng nhân dân cùng cấp để xem xét đưa vào nội dung Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân; đồng thời, Chương trình giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để phối hợp triển khai, thực hiện.

Kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403

Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Thông qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị, nhận thức về tính chất giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đó là: Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận đã nhận thức đầy đủ hơn về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đó ngày càng tôn trọng vai trò liên minh chính trị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chủ động và tích cực phối hợp tổ chức thực hiện chương trình hành động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì; có nhiều sáng kiến trong việc vận động hội viên, đoàn viên của mình tích cực tham gia chương trình giám sát, cung cấp nhiều thông tin phục vụ hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Việc xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403

Hằng năm, qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, lựa chọn những vấn đề Nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thống nhất lựa chọn nội dung, đối tượng, số cuộc giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trình Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến.

Sau khi cuộc họp Đoàn Chủ tịch và thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo Thường trực Ban Bí thư về các nội dung giám sát.

Sau khi có ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện kế hoạch, tổ chức hiệp thương phân công thực hiện các nội dung trong kế hoạch giám sát, phản biện xã hội để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung giám sát, địa bàn và đối tượng giám sát, bảo đảm chặt chẽ, khoa học.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội, báo cáo cấp ủy, đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp; đảm bảo đúng quy trình, thời gian theo Nghị quyết liên tịch số 403; nội dung sát với định hướng chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thực hiện nhiệm vụ địa phương.

Việc xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 403 đã làm rõ hơn vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của từng tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát giữa các tổ chức trong Mặt trận cũng như của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với các cơ quan khác.

Việc thực hiện các hình thức giám sát theo Chương II của Nghị quyết liên tịch số 403

Giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Ở Trung ương, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản đối với:

Pháp luật về việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư liên quan đến Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Pháp lệnh số 34/2007/UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đất đai...

Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là nội dung giám sát các văn bản liên quan đến ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Tùy vào nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân mà các địa phương lựa chọn phương pháp lấy ý kiến rộng rãi qua các hội nghị hoặc gửi lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học ở địa phương. Trên cơ sở tổng hợp, tập hợp, phân tích, đánh giá đối với các ý kiến tham vấn. Mặt trận Tổ quốc các cấp kiến nghị đối với nội dung văn bản được giám sát.

Ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; Mặt trận Tổ quốc cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...

Giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát.

Đối với các cuộc giám sát tổ chức bằng Đoàn giám sát do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, được thực hiện đúng quy trình, trình tự theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403, từ khâu xây dựng kế hoạch, văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cử người tham gia đoàn giám sát; quyết định giám sát và thành lập đoàn giám sát; công bố quyết định, kế hoạch giám sát tại cơ quan, đơn vị được giám sát; báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; thông báo kết quả giám sát và kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và của Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong 5 năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát trong đó Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 72.162 cuộc.

Nội dung giám sát được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương được Nhân dân quan tâm. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác xây dựng Đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp...

Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, từng bước phát huy được hiệu quả, các nội dung tập trung giám sát gồm:

Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; bình xét các đối tượng nghèo; theo dõi việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới.

Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng...

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân luôn được sự quan tâm, hướng dẫn, lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Công tác giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ngày càng được chú trọng, các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân có nhiều tâm huyết, nỗ lực trong hoạt động giám sát, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Trên toàn quốc, trong 5 năm qua, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn.

Nhìn chung, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy được hiệu quả, nhất là đối với các công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm; được Nhân nhân tín nhiệm, tin tưởng. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương hoạt động hiệu quả, tích cực, theo sát các công trình thi công, ghi nhận ý kiến của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia giám sát, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kịp thời phản ánh, đề nghị đơn vị thi công thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật và khắc phục thiếu sót trong quá trình thi công để bảo đảm chất lượng công trình; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai các công trình, nhất là việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực do Nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ở Trung ương, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được mời đã cử thành viên tham gia Đoàn giám sát rất tích cực, đầy đủ các hoạt động của Đoàn, chủ động nghiên cứu đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hiệu quả, liên quan đến lĩnh vực được giám sát.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cùng cấp. Khi được cơ quan có thẩm quyền mời giám sát, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đều tham dự và tham gia ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao.

Từ năm 2018-2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc (trong đó cấp tỉnh tham gia giám sát 5.521 cuộc; cấp huyện 29.428 cuộc; cấp xã 124.543 cuộc).

Sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần vào thành công của các đoàn giám sát, nhiều ý kiến có chất lượng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được tiếp thu, hoàn thiện đưa vào các báo cáo.

Việc thực hiện các hình thức phản biện theo Chương III, Nghị quyết liên tịch số 403

Hình thức tổ chức Hội nghị phản biện xã hội.

Ở Trung ương, thời gian qua (từ năm 2018 - 2022), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội, với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu.

Các dự án luật, đề án được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm. Thành phần tham gia hội nghị phản biện xã hội là các chuyên gia, nhà khoa học người uy tín, tiêu biểu trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung phản biện.

Trước khi tổ chức hội nghị phản biện đều mời các chuyên gia họp để trao đổi, thống nhất lựa chọn nội dung và phân công chuyên gia nghiên cứu sâu từ 5 - 10 nội dung cụ thể. Các hội nghị phản biện xã hội đều có sự tham dự của đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập, lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản đến tham dự, giải trình, tiếp thu các ý kiến phát biểu của các chuyên gia. Việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội còn có sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện, cấp xã tổ chức 19.554 hội nghị phản biện.

Hình thức gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở; trong đó cấp tỉnh được 3.364 văn bản, cấp huyện được 8.572 văn bản, cấp xã được 30.115 văn bản.

Sau khi có ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổng hợp, phản ánh các ý kiến, kiến nghị góp ý, phản biện tại hội nghị, ban hành văn bản kiến nghị các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, điều chỉnh. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được đơn vị tiếp thu, đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện của Mặt trận được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉ đạo thực hiện bằng văn bản.

Hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản là 19.714 cuộc, trong đó, cấp tỉnh được 255 cuộc, cấp huyện được 2.324 cuộc, cấp xã được 17.135 cuộc.

Nhiều Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh không sử dụng đến hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp, bởi hầu hết các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được phản hồi, tiếp thu ngay sau Hội nghị phản biện xã hội.

Việc phối hợp của các cơ quan có liên quan trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như việc theo dõi, đôn đốc, xử lý kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội

Việc thực hiện các chương trình giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có các chương trình phối hợp giám sát với các cơ quan nhà nước, tổ chức thành viên Mặt trận thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ...) và chính quyền các cấp ở nhiều các địa phương.

Ngoài ra, có sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các cơ quan truyền thông trong việc thông tin, tuyên truyền cho các hoạt động giám sát.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhiều nơi đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, quan tâm xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Kết thúc các cuộc giám sát, hội nghị phản biện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều có thông báo kết quả giám sát và kịp thời kiến nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giám sát, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan có liên quan chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc sửa đổi văn bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Sau khi nhận được kiến nghị giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Uỷ ban nhân dân cùng cấp có văn bản chỉ đạo các tổ chức cá nhân xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế và báo cáo kết quả về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc theo quy định...

Những điều kiện bảo đảm hoạt động tổ chức các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Về tổ chức bộ máy

Trong 5 năm qua, cấp uỷ và chính quyền các cấp luôn quan tâm đảm bảo điều kiện về cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động, nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách nhất là công tác dân chủ pháp luật, theo dõi về hoạt động giám sát, phản biện xã hội từng bước được trẻ hoá, được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn Luật, có kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội; hầu hết đều nhiệt tình, có trách nhiệm với công tác Mặt trận.

Việc xây dựng phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban tư vấn, Hội đồng tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban và Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp được quan tâm, chú trọng.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập 7 Hội đồng tư vấn, các Hội đồng đã giúp cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều hoạt động công tác, đặc biệt là trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Điều này là cần thiết và hiệu quả trong điều kiện bộ máy tổ chức, biên chế chuyên trách ngày càng ít trong khi nhiệm vụ và yêu cầu đối với công tác Mặt trận ngày càng cao.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc nhiều tỉnh, thành phố cũng đã thành lập và duy trì tổ chức Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn cấp huyện và Tổ tư vấn ở cấp xã.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phân công đồng chí Phó Chủ tịch và Ban Dân chủ - Pháp luật phụ trách công tác giám sát, phản biện xã hội. Đối với cấp huyện, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực tiếp phụ trách và phân công cán bộ tham mưu thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.

Về kinh phí hoạt động

Thời gian qua, Nhà nước đảm bảo cơ bản việc cấp kinh phí thường xuyên và đột xuất theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Chính phủ, Bộ Tài chính, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đã có nghị quyết, quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ các hoạt động của Mặt trận ngoài các khoản chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kinh phí so với thời gian trước đây.

Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, thành phố đã có nghị quyết bố trí ngân sách cho hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và phụ cấp cho Trưởng Ban công tác Mặt trận, trong đó nhiều địa phương được bố trí mức khá cao.

Ở các tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp cơ bản đã tạo điều kiện cấp kinh phí ngay từ đầu các năm cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo Thông tư 337 của Bộ Tài chính trong dự toán hàng năm.

Với những quy định cụ thể tại Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đi vào nề nếp; hoạt động giám sát, phản biện xã hội không ngừng mở rộng trong hệ thống Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng lên, lĩnh vực, nội dung giám sát ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý.

Thông qua giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, được các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các cấp, ngành và Nhân dân đánh giá cao.

Đặng Thị Kim Ngân - Thạc sĩ, Ban Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều