Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của nông dân Việt Nam hiện nay

Nhằm góp phần thực hiện phương hướng do Đại hội XII của Đảng về xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay cần thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và chuyển một bộ phận nông dân sang làm phục vụ tại các ngành công nghiệp và dịch vụ.

 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc hỗ trợ nông dân tích cực, chủ động tham gia các chương trình, dự án phát triển sản xuất và nâng cao đời sống, chính quyền địa phương và cơ sở (cụ thể là cấp tỉnh, huyện và cả xã, thôn) cần coi trọng công tác bồi dưỡng, phát triển nông dân, trước tiên và cơ bản là nghề nghiệp, để họ có thể phát huy được vai trò chủ thể của mình. Cụ thể, chính quyền địa phương và cơ sở cần có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường. Thông qua đó, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong quá trình phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ở đây, một tiền đề không thể thiếu là phải khảo sát nhu cầu học nghề ở mỗi địa phương, cơ sở; bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác phối phợp với các trường, các trung tâm dạy nghề, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo nghề, chính quyền địa phương và cơ sở cần chủ động xây dựng dự án và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ cho nông dân.

Từng bước đưa dịch vụ mạng Internet đến với hội viên, nông dân ở cơ sở nhằm khai thác có hiệu quả công nghệ thông tin, thông tin thị trường, giá cả trong nước cũng như thế giới, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Chính quyền địa phương, cơ sở, cần đổi mới công tác hỗ trợ phát triển đối với nông dân nhằm thúc đẩy nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với nghề nghiệp đã được đào tạo hay bồi dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Coi trọng việc xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Hằng năm, tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Thứ hai, khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân tích cực tham gia các phong trào và các cuộc vận động, nhằm nâng cao trách nhiệm và năng lực thụ hưởng quyền lợi của nông dân

Hiện nay nên tập trung khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân tích cực tham gia 3 phong trào sau:

- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, gồm: Vận động nông dân đăng ký thi đua phấn đấu trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa trong thời kỳ hội nhập; đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm giàu; tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập; liên kết liên doanh, tham gia cổ phần các doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã ở nông thôn.

Vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, gắn với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp, sang các ngành nghề khác. Hỗ trợ hộ nông dân nghèo về vốn, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn và kinh nghiệm sản xuất. Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

- Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới. Trước hết, vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn. Yêu cầu đặt ra là phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Qua đó, đưa phong trào phát triển theo chiều sâu, làm cơ sở cho việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới hiện đại hóa và liên kết sản xuất, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên kết hợp với việc tiếp nhận và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp tiên tiến.

Song song với đó, tăng cường vận động nông dân thi đua xây dựng gia đình nông dân văn hóa; thực hiện nếp sống mới. Từ đó vận động nông dân tham gia công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; chương trình hành động phòng chống ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ, nhằm bảo đảm giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

- Phong trào nông dân tham gia bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự xã hội và quốc phòng ở nông thôn: Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu diến biến hòa bình của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ để kích động chiến tranh tâm lý chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tích cực tham gia xây dựng các khu vực phòng thủ, các “Điểm sáng vùng biên”, tự quản đường biên, mốc giới, nhất là thế trận quốc phòng toàn dân ở các vùng ven biển, biên giới, hải đảo. Vận động hội viên nông dân hăng hái tham gia dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, “Chính sách hậu phương quân đội”; xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc người có công cách mạng; gương mẫu chấp hành pháp luật; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng không có người phạm tội; phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục người phạm tội, người lầm lỗi hoàn lương hòa nhập cộng đồng.

Thứ ba, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là người đại diện và hỗ trợ việc bảo đảm quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, của nông dân

Hiện nay, Hội nông dân Việt Nam cần tập trung phát huy vai trò thực sự của mình ngay tại cơ sở, bằng cách thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; phối hợp với chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, tham gia kinh tế hợp tác và hợp tác xã, làng nghề, trang trại và các loại hình kinh tế tập thể khác. Tổ chức hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ giúp nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân.

Thông qua đó, các chi hội nông dân phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, ấp, bản, làng, khu phố..., vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước, nhất là thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; vận động hòa giải tranh chấp trong nội bộ nông dân; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Phải phát huy vai trò của mình tại mỗi cơ sở thôn, bản, buôn, ấp, Hội Nông dân Việt Nam mới làm tròn các chức năng, như: Vận động, tập hợp, làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới; đoàn kết, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân với Đảng và Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân; và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên và của nông dân nói chung.

TS. Lê Xuân Cử

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều