Phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”

(Mặt trận) - Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào (giai đoạn 2009 - 2018) đã ghi nhận sự đóng góp tích cực của hàng nghìn người uy tín, tiêu biểu. Họ là những tấm gương điển hình trong việc tuyên truyền, vận động người dân vùng biên giới chấp hành pháp luật, các hiệp định, quy chế biên giới; trân trọng giữ gìn lịch sử đường biên, mốc giới quốc gia,… góp phần vào bảo vệ bình yên vùng biên giới.

Người có uy tín, tiêu biểu góp phần quan trọng bảo vệ an ninh biên giới

Việt Nam là một quốc gia có đường biên giới trên đất liền dài 4.924,025km, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây. Tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam với một số nước còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Dân cư sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn thiếu thốn, lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ,… vẫn diễn biến phức tạp.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ đội Biên phòng là nòng cốt trong việc vận động, tập hợp và hướng dẫn lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những người có uy tín luôn có sức ảnh hưởng rộng rãi trong giáo dục, vận động gia đình, dòng họ, trong cộng đồng dân cư, gương mẫu tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gương mẫu vận động cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Bộ đội Biên phòng đã phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” bằng những hoạt động thiết thực.

Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị Bộ đội Biên phòng thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến về các hiệp định, quy chế biên giới, lịch sử đường biên, mốc quốc giới cho người có uy tín, giúp họ nắm chắc ranh giới giữa hai nước; hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Từ đó, người có uy tín đã chủ động vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, thôn, bản tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và lên đường làm nghĩa vụ quân sự; tích cực vận động bà con sống ở khu vực biên giới ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật; tích cực tố giác tội phạm để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới. Thông qua việc thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia", nhận thức cơ bản của đồng bào về ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đã có bước thay đổi. Có nơi, từ chỗ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay bà con dân tộc đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Thứ hai, để góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ở biên giới tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa nhân dân hai bên biên giới Việt - Trung; tổ chức các cuộc hội đàm, giao lưu, kết nghĩa với nước bạn Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới qua lại thăm thân, chúc tết cổ truyền dân tộc, hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa; tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cụm dân cư hai bên biên giới; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.

Triển khai thực hiện nội dung “Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia - Mặt trận Lào Xây dựng đất nước - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và Thông cáo chung “Hội nghị xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa các tỉnh giáp biên và hai dân tộc Việt Nam - Lào thông qua các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của chính quyền các cấp và đối ngoại nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động hơn 200 nghìn hộ dân tham gia quản lý 1.137 km đường biên giới Việt Nam - Campuchia, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã phối hợp phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người uy tín tiêu biểu các tôn giáo, dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới; lồng ghép các nội dung tuyên truyền cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh" vùng biên giới trong các hội nghị, các cuộc họp, ngày lễ cổ truyền của các dân tộc, các buổi văn nghệ, "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư; các buổi họp bản, sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế trong việc đọc và nghe tiếng phổ thông thì tăng cường tuyên truyền miệng bằng tiếng nói của đồng bào, tuyên truyền đến từng cá nhân và hộ gia đình. Góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới các tỉnh, như: Quảng Trị, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Phước...

Thứ tư, người có uy tín, tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần quan trọng vào kết quả của phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Đội ngũ người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Các vị già làng, trưởng dòng họ đi đầu trong việc vận động con, cháu đến trường; trực tiếp đứng ra hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; gương mẫu thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, thực hiện dân chủ cơ sở, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện: “Gia đình không có người vi phạm pháp luật, không có người phạm tội, không có người tàng trữ, mua bán và sử dụng chất ma túy…”; khu dân cư “An toàn, lành mạnh”… được đẩy mạnh; “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp” gắn với các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội được triển khai tích cực. Các mô hình: Câu lạc bộ “Gia đình không có người thân phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”; Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”… được hình thành và hoạt động có kết quả; hiện nay đường biên, mốc quốc giới đều được các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và khu dân cư ký kết tự quản.

Phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, những người có uy tín, tiêu biểu, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ... trong cả nước cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Để đoàn kết các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong việc giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị với đồng bào các dân tộc của nước bạn.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” trong tình hình mới và “Ngày Biên phòng toàn dân”, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng lực lượng “nòng cốt” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và các lực lượng như: Tổ an ninh nhân dân, Tổ tự quản, Tổ hòa giải… làm lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các loại tệ nạn xã hội. Phối hợp đưa các nội dung của Quy chế biên giới vào nội dung của cuộc vận động và cụ thể hóa thành các tiêu chí, vận động nhân dân đăng ký thực hiện “Điểm sáng về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; khu dân cư “An toàn, lành mạnh”, khu dân cư “Tự quản đường biên, mốc quốc giới” ở khu vực biên giới.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, trong đó, triển khai, thực hiện tốt nội dung của Chỉ thị số 04-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; tập trung thực hiện giao lưu trao đổi, thăm hỏi giữa Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh với các tổ chức Chính hiệp Trung Quốc, các tổ chức Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Bốn là, phát huy tốt vai trò của người có uy tín và quần chúng nhân dân các dân tộc hai bên biên giới; đẩy mạnh phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân và chính quyền hai nước, giữ gìn an ninh trật tự hai bên biên giới và giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước.

Năm là, chủ động phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền cho người có uy tín, tiêu biểu để phổ biến đến cộng đồng dân cư; tổ chức tập huấn cho người có uy tín, tiêu biểu kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, âm mưu thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch.

Sáu là, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần từng bước nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con các dân tộc.

Nguyễn Hữu Dũng

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều