Tăng cường vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học

(Mặt trận) - Vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học là tất yếu khách quan. Bài viết làm rõ vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học và đề xuất các giải pháp tăng cường vai trò giám sát xã hội, góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học nói chung và bảo đảm sự liêm chính học thuật của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng.
Vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học

Giám sát xã hội là việc quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá, tham vấn, đề nghị, kiến nghị đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và đối với hoạt động học thuật nói riêng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Giám sát xã hội là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm sự ngay thẳng, trong sạch trong toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, nhất là hoạt động học thuật như: nghiên cứu, giảng dạy, học tập.

Bên cạnh đó, giám sát xã hội góp phần nhận diện, vạch rõ, ngăn chặn các hành vi đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực trong học thuật, thông đồng, hối lộ hay đe doạ trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hướng dẫn khoa học. Do đó, giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học nói chung và bảo đảm liêm chính học thuật nói riêng.

Chính sự bảo đảm liêm chính học thuật là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các cơ sở giáo dục đại học bởi lẽ “Liêm chính học thuật là trái tim đời sống trí tuệ”1. Sự trung thực trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập là tạo nên nền tảng quan trọng cho cơ sở giáo dục phát triển, định vị được tầm nhìn và sứ mệnh trong đời sống xã hội. Sự liêm chính, nhất là liêm chính trong học thuật giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ kiến tạo, truyền bá tri thức, sáng tạo các sản phẩm trí tuệ, góp phần kiến tạo sự phát triển của xã hội.

Hiện nay, cơ sở pháp lý chủ yếu để xã hội giám sát cơ sở giáo dục đại học là Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc công khai của các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo đại học nói riêng.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.       ẢNH: PV 

Thông tư đưa ra mục tiêu:

1. Thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nội dung công khai đối với cơ sở giáo dục đại học là:

1. Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế:

a) Cam kết chất lượng giáo dục: điều kiện về đối tượng tuyển sinh của cơ sở đào tạo; mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ và trình độ ngoại ngữ đạt được theo từng mã ngành đào tạo cấp IV; các chính sách hoạt động hỗ trợ học tập sinh hoạt của người học, chương trình đào tạo mà nhà trường thực hiện; khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường; và vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp ở các trình độ đào tạo và theo các chuyên ngành đào tạo cấp IV.

b) Chất lượng giáo dục thực tế: gồm công khai thông tin về quy mô đào tạo hiện tại và công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường. Đối với công khai thông tin về quy mô đào tạo hiện tại cần công khai quy mô nghiên cứu sinh, thạc sĩ và sinh viên ở các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo phân theo khối ngành đào tạo. Đối với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường: số sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường gồm số sinh viên tốt nghiệp có việc làm và số sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao.

c) Chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, ngành, chuyên ngành đào tạo.

d) Các môn học của từng khóa học, chuyên ngành: công khai về giảng viên giảng dạy và giảng viên hướng dẫn (nếu có), mục đích môn học, nội dung và lịch trình giảng dạy, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá sinh viên.

đ) Giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn: công khai tên các giáo trình (kể cả giáo trình điện tử), tài liệu tham khảo, năm xuất bản, kế hoạch soạn thảo giáo trình, tài liệu tham khảo của các chuyên ngành.

e) Đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp của các sinh viên trình độ đại học, học viên trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ: công khai tên đề tài, họ và tên người thực hiện và người hướng dẫn, nội dung tóm tắt.

g) Đối với cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ, cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học: công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng, chứng chỉ cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.

h) Hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, đặt hàng của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp (nếu có): các đơn vị đào tạo, số lượng, thời gian, ngành nghề, trình độ và kết quả đào tạo.

i) Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn: tên các dự án hoặc tên nhiệm vụ khoa học công nghệ, người chủ trì và các thành viên tham gia, đối tác trong nước và quốc tế, thời gian và kinh phí thực hiện, tóm tắt sản phẩm của dự án hoặc nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn.

k) Hoạt động liên kết đào tạo trong nước và với nước ngoài: Công khai thông tin và các điều kiện đảm bảo chất lượng của đơn vị liên kết, quy mô, trình độ đào tạo tại đơn vị liên kết, hình thức liên kết.

l) Hội nghị, hội thảo khoa học trong cơ sở giáo dục tổ chức: tên chủ đề hội nghị, hội thảo khoa học, thời gian và địa điểm tổ chức, số lượng đại biểu tham dự.

m) Kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo: công khai kết quả đánh giá ngoài, nghị quyết và kiến nghị của hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả công nhận đạt hay không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

2. Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục

2.1. Công khai thông tin về cơ sở vật chất: Tổng diện tích đất, tổng diện tích sàn xây dựng; các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, hội trường, phòng học, thư viện, trung tâm học liệu; học liệu của thư viện và trung tâm học liệu; diện tích đất/sinh viên, diện tích sàn/sinh viên.

2.2. Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên:

Số lượng xếp theo các khối ngành và môn chung có phân biệt theo chức danh, trình độ đào tạo và hạng chức danh nghề nghiệp, danh sách chi tiết giảng viên cơ hữu theo khối ngành, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi theo từng khối ngành.

Sơ lược lý lịch của giảng viên: họ và tên (kèm theo ảnh), tuổi đời, thâm niên giảng dạy, chức danh, trình độ chuyên môn, công trình khoa học, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế, các bài báo đăng tải trong nước và quốc tế; thông tin về họ và tên học viên, nghiên cứu sinh mà giảng viên đã hướng dẫn bảo vệ thành công trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tóm tắt đề tài nghiên cứu, thời gian thực hiện.

Số lượng giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo.

3. Công khai thu chi tài chính, như các nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tư vấn và các nguồn thu hợp pháp khác; chính sách học bổng và kết quả thực hiện trong từng năm học.

Như vậy có thể thấy, các thông tin mà cơ sở giáo dục đại học phải công khai là không ít; nếu các thông tin trên không được công khai, minh bạch thì hoàn toàn có thể xảy ra sai phạm trên nhiều công tác của các cơ sở giáo dục đại học, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến quyền và lợi ích của người học nói riêng, nguồn nhân lực của xã hội nói chung.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập:

Nội dung công khai còn sơ sài, chưa bao quát được hết các công tác trong cơ sở đào tạo đại học. Thời gian niêm yết công khai quá ngắn; không ít cơ sở đào tạo đã gỡ ngay thông tin khi hết thời hạn theo quy định, điều này làm cho xã hội thiếu cơ sở để giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác của cơ sở đào tạo.

Thiếu chế tài đủ mạnh đối với các cơ sở đào tạo không thực hiện 3 công khai hoặc có thực hiện nhưng đối phó, không đúng quy định.

Trước tình hình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017). Dự thảo có nêu “Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai”. Đây là một điểm mới so với Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT tại Điều 8 quy định: “Niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét.

Thời điểm công khai là tháng 6 hằng năm và cập nhật đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan. Thời gian thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết”… Do đó, cần thiết nghiên cứu, tổng kết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta.

Các giải pháp tăng cường vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò giám sát xã hội góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học là tất yếu khách quan. Các cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, có trình độ đại học, sau đại học. Để đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học đúng định hướng, chất lượng, hiệu quả thì cần phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm định, giám sát. Do đó, giám sát xã hội có tác dụng lành mạnh hoá hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, góp phần bảo đảm liêm chính học thuật.

Giám sát xã hội đòi hỏi nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học phải trung thực trong việc công bố các sản phẩm học thuật, trích dẫn, dẫn nguồn tin cậy, không được bịa đặt thông tin, không giả tạo hoặc ăn cắp ý tưởng, dữ liệu của người khác. Bên cạnh đó, giám sát xã hội buộc nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm về các lập luận, luận điểm, luận chứng, luận cứ, số liệu, dữ liệu, mệnh đề, nhận định, đánh giá, giải pháp, kiến nghị… trong các công trình khoa học của mình.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện quy định về liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng, hoàn thiện quy định về liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học rất cần thiết, nhất là quy định về liêm chính học thuật. Nghị định 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học nêu rõ yêu cầu về liêm chính học thuật tại Điều 20: “1. Cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế. 2. Cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”2.

Trên cơ sở Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thông tư hướng dẫn hoặc ban hành quy định mẫu để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng quy định về liêm chính học thuật.

Quy định về liêm chính học thuật của các cơ sở giáo dục đại học cần có sự thống nhất, cụ thể hoá các tiêu chuẩn về liêm chính trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập; chỉ rõ các hành vi vi phạm liêm chính học thuật; ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liêm chính học thuật; xác định quy trình xử lý các hành vi vi phạm liêm chính học thuật… Trước mắt thực hiện nghiêm túc, minh bạch trong việc đánh giá chất lượng các sản phẩm học thuật như khoá luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, sản phẩm các chương trình khoa học, sản phẩm của đề án khoa học..

Ba là, thông tin kịp thời, công khai, minh bạch về hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học được phát huy khi các chủ thể giám sát xã hội được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Trên cơ sở có đầy đủ thông tin về hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học thì các chủ thể giám sát xã hội đưa ra nhận xét, đánh giá, tham vấn, đề nghị, kiến nghị... góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, góp phần bảo đảm sự liêm chính khoa học nói riêng.

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học, khoá luận tốt nghiệp, luận văn, luận án khi được công bố công khai trên trang mạng (website) của cơ sở giáo dục đại học. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện giám sát xã hội đối với các công trình này nhằm đánh giá chất lượng.

Bốn là, phát huy vai trò của nhà khoa học, chuyên gia tham gia giám sát sự liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Các chuyên gia và nhà khoa học có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Các chuyên gia và nhà khoa học có kiến thức chuyên môn, am hiểu sâu về nội dung giám sát, có khả năng nhận xét, đánh giá về sự trung thực, ngay thẳng, trong sáng và trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Các chuyên gia và nhà khoa học sẽ phân tích, nhận định về tính liêm chính của sản phẩm khoa học, của các hoạt động khác trên cơ sở luận chứng, luận cứ, các số liệu, dữ liệu…

Trên cơ sở ý kiến, nhận định, đánh giá của các nhà khoa học và chuyên gia về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học để đưa ra quyết định phù hợp trong việc giải quyết vấn đề, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học, giúp cơ sở giáo dục đại học thích ứng với thay đổi của đời sống xã hội, của tình hình trong nước và thế giới.

Năm là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng; các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân là các chủ thể có vai trò quan trọng thực hiện sự giám sát đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Các chủ thể này một mặt góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sự liêm chính mặt khác góp phần nhận diện, chỉ rõ các hành vi vi phạm liêm chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập nói riêng.

Sự giám sát các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân góp phần nhận diện, vạch rõ các hành vi thiếu trung thực, thiếu minh bạch trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học như: đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực trong học thuật, thông đồng, hối lộ hay đe doạ…

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm tôn trọng và biết cách áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn về liêm chính học thuật cho sinh viên, giảng viên và những người liên quan khác.

Chú thích:

1.   American University, Academic Integrity Code, Mục II khoản 6.

2.   Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ: Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo

1.  Luật Giáo dục đại học năm 2012.

2.  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

3. Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ: Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

4.  American University, Academic Integrity Code.

Trương Thành Trung - Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều