Thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Đi suốt những giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước, lực lượng chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một phần không tách rời của dân tộc Việt Nam. Họ là tiềm năng, là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là sự bổ sung, tiếp nối cho sức mạnh khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo của đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: toquoc.vn

THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH THU HÚT, TRỌNG DỤNG CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Trong thời gian qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, hoàn thiện các chính sách, quy định về thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường vận động, kết nối, hỗ trợ các chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động nhằm mục tiêu phát triển nền KH&CN của đất nước. Một số cơ quan, địa phương đã sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia với những ưu đãi về lương, phụ cấp, điều kiện, môi trường làm việc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kinh phí triển khai kết quả nghiên cứu.

Các chính sách phát huy hiệu quả trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về nước như cơ chế hai quốc tịch, ưu đãi visa nhập cảnh, cho phép mua nhà ở trong nước,… Hành lang pháp lý được đổi mới của Việt Nam đã làm rõ một số nội dung quan trọng sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo có mục tiêu và nội dung cụ thể khi thu hút chuyên gia, nhà khoa học kiều bào về nước. Các chính sách hiện hành đã đưa ra một số quy định trong áp dụng việc thu hút phải gắn với yêu cầu nhiệm vụ KH&CN quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Đồng thời, quy định đã bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp với Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng chính sách thu hút đối với những trường hợp chưa chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam để tránh bỏ sót những chuyên gia, cá nhân có kinh nghiệm triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Thứ hai, đảm bảo chế độ ưu đãi về thù lao cho chuyên gia, nhà khoa học kiều bào khi về nước làm việc. Cơ chế hiện nay đã quy định mức lương/thù lao được áp dụng theo hình thức thỏa thuận và không thấp hơn mức lương của chuyên gia làm việc tại các vị trí tương tự trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đây là một quy định có tính đột phá nhằm giải quyết những vướng mắc trước đây về chi trả tiền thù lao cho các chuyên gia kiều bào. Quy định này đã đưa ra một mức sàn để các cơ quan, tổ chức trong nước tham chiếu khi mời các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hợp tác về KH&CN trong nước.

Thứ ba, đảm bảo sự minh bạch, công khai, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và cơ chế đánh giá, xét duyệt theo thông lệ quốc tế đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN có sự hợp tác, tham gia của chuyên gia, nhà khoa học kiều bào. Quy định hiện nay đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong nước phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí nói trên.

Thứ tư, đảm bảo sự cống hiến và phát huy tối đa tâm huyết, năng lực cũng như mạng lưới kết nối quốc tế của các chuyên gia, nhà khoa học kiều bào trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam. Cơ chế hiện nay đã tạo điều kiện tốt nhất để trong thời gian tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam, các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài có thể tiếp tục tham gia các trao đổi học thuật, chuyên môn thông qua hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ KH&CN đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, tổ chức hội thảo KH&CN phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; công bố kết quả trong quá trình hợp tác; tham gia các chương trình, đề án trong nước có yếu tố đẩy mạnh hợp tác, thu hút chuyên gia kiều bào tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Thứ năm, đảm bảo tính liên tục và trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc thực thi, cũng như đánh giá, lắng nghe phản hồi để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế với mục tiêu cao nhất là gắn kết hiệu quả cộng đồng KH&CN là người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài thành một nguồn lực quý giá của quốc gia. Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động hợp tác song phương, đa phương về KH&CN; giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài với cơ quan, tổ chức, đơn vị KH&CN trong nước; thúc đẩy và kết nối các hoạt động hợp tác và thu hút.

Có thể khẳng định, các cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện đã và đang tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc.

Tuy nhiên, việc thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài, chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực KH&CN mà họ tham gia. Những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó được thực thi hiệu quả khi đi vào thực tế. Số chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài thực sự được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi trong nước chưa nhiều.

Từ thực tế trên, có thể thấy một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, phần lớn các chính sách ưu đãi chưa có sự đột phá nên không đủ hấp dẫn với các chuyên gia.

Thứ hai, nhiều quy định chính sách còn chung chung, các cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản hướng dẫn nên khó áp dụng trong thực tế. Trong quá trình triển khai, xuất hiện thêm một số “điểm nghẽn” mới về chính sách cần phải được tháo gỡ trong thời gian tới, như: (1) “Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập” với các nhà khoa học Việt kiều như thế nào?; (2) quy trình và quy định xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có cần thực hiện theo quy chế đặc biệt. Thêm vào đó, việc gắn với chức danh sẽ phải tuân thủ (hoặc bị hạn chế) bởi quy định về mức lương áp dụng theo chức danh; (3) quy định cụ thể về mức lương theo thỏa thuận đối với chuyên gia, nhà khoa học kiều bào, nhưng các tiêu chí để xác định mức lương chưa được cụ thể hóa để định lượng; v.v..

Thứ ba, nhiều cơ quan, địa phương chưa chủ động xác định nhu cầu về chuyên gia, chương trình, dự án, lĩnh vực phát triển KH&CN cần huy động sự tham gia của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nên không thu hút được chuyên gia, hoặc thu hút không đúng đối tượng, sử dụng không hiệu quả.

Thứ tư, hạn chế về kinh phí là một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định cũng như đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học để tạo sức hấp dẫn với các chuyên gia.

Thứ năm, hạn chế về môi trường hoạt động khoa học, cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu và triển khai, nguồn tài chính để thực hiện chính sách thu hút hạn hẹp; ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực mạnh, nếu chỉ dựa vào nguồn lực trong nước để thu hút nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ năng lực của cán bộ làm khoa học trong nước, cũng như tâm lý e ngại hợp tác hoặc chưa đánh giá đúng vai trò của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài ở một số cơ quan, địa phương cũng là một lực cản đối với việc thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ sáu, các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài không được cập nhật đầy đủ và kịp thời “đặt hàng” từ trong nước, thông tin về tình hình KH&CN Việt Nam, các nhiệm vụ KH&CN đang triển khai cần có hoặc phù hợp với sự tham gia của họ.

Thứ bảy, nhìn từ suy nghĩ của các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều cũng gặp những khó khăn nhất định. Ngoài các vấn đề liên quan đến gia đình, về điều kiện làm việc, chế độ ưu đãi trong nước, vẫn còn những vấn đề cần quan tâm như: quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp trong nước sẽ là quan hệ cấp trên cấp dưới hay quan hệ đồng nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc do văn hóa coi trọng bằng cấp trong nước và các vấn đề về chia sẻ trách nhiệm trong công việc, tác phong làm việc, ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức Việt Nam (Ảnh minh họa)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH, QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ, TRỌNG DỤNG CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VỀ NƯỚC LÀM VIỆC 

Nhìn sang các quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, trong kinh nghiệm phát triển thành công đất nước mình, họ đã thực hiện rất tốt việc huy động chất xám của kiều bào. Trong đó, bắt đầu từ việc xác định và đi đến khẳng định vai trò to lớn của lực lượng này, sau đó xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích, thu hút, phát huy nguồn vốn trí tuệ đó để phục vụ đất nước.

Ấn Độ xác định Ấn kiều là “vũ khí kinh tế bí mật” và lần lượt ban hành các chính sách cởi mở, thông thoáng như phát triển trái phiếu xây dựng đất nước chỉ dành cho Ấn kiều, quy chế miễn thị thực và quyền sở hữu đất, ưu đãi đầu tư chỉ cho Ấn kiều, thành lập Bộ chuyên trách về Ấn kiều, xây dựng thành phố dành riêng cho người Ấn ở nước ngoài. Nhờ những chính sách liên tục đó, Ấn Độ đã thu hút đội ngũ đông đảo lực lượng chuyên gia trí thức cho sự phát triển của nước này.

Hàn Quốc từ thập kỷ 70 đã có chính sách “nhập khẩu chất xám Hàn kiều” về nước. Những Hàn kiều có ý định về nước đóng góp và hội đủ điều kiện sẽ được phục hồi quốc tịch Hàn Quốc ngay sau khi trở về đất nước. Nếu có thực tài, Hàn kiều còn được ứng cử vào Quốc hội nước này.

Tiếp theo sự thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng thực thi một chính sách rất cởi mở để thu hút Hoa kiều về đầu tư vốn và chất xám để phát triển kinh tế Trung Quốc và họ đã gặt hái nhiều thành quả to lớn. Ngoài việc khuyến khích Hoa kiều hồi hương kiến thiết xứ sở, Trung Quốc có chính sách đãi ngộ chuyên gia Hoa kiều hậu hĩnh không kém các quốc gia phát triển.

Đối với Việt Nam, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc triển khai các chính sách thu hút, đãi ngộ và trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, cần quan tâm tới các giải pháp mang tính định hướng như sau:

Một là, cần tiếp tục đổi mới chính sách về đầu tư, cơ chế tiền lương và tài chính cho hoạt động KH&CN; đặc biệt cơ chế quản lý KH&CN theo thông lệ của các nước có nền KH&CN phát triển; trao quyền tự chủ, tự quyết mạnh hơn cho các tổ chức KH&CN công lập và các nhà khoa học trong việc thu hút, hợp tác về KH&CN;

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18-5-1963 - 18-5-2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26-3-1983 – 26-3-2023) _Ảnh: TTXVN

Hai là, xem xét tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu tiên tiến; tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi cho cá nhân nhà khoa học và gia đình.

Ba là, trên cơ sở thống nhất quan điểm KH&CN có vị trí quốc sách hàng đầu, các bộ, ngành có liên quan, để có những đột phá để phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nhân lực KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống hoá theo từng lĩnh vực chuyên ngành, thường xuyên cập nhật quá trình công tác và các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hoặc các lĩnh vực sáng tạo tri thức khác của đội ngũ này. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu mở có khả năng liên kết mạng lưới cộng đồng trí thức kiều bào trên thế giới, vừa cập nhật hồ sơ của các cá nhân và chia sẻ thông tin về KH&CN, vừa trở thành một diễn đàn tăng cường kết nối tri thức Việt ở trong và ngoài nước.

Năm là, tăng cường thông tin về các ưu tiên/thách thức KH&CN quốc gia, các chương trình, dự án KH&CN lớn, dài hạn và có tác động lan tỏa đến ngành khoa học cũng như kinh tế - xã hội; các chính sách, chế độ ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích sự tham gia của trí thức Việt kiều trẻ vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong nước.

Sáu là, nghiên cứu xây dựng một Chương trình quốc gia trong đó lấy chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều làm trung tâm và thí điểm các cơ chế riêng về chế độ ưu đãi, mức lương, điều kiện làm việc. Chương trình có thể tập trung vào một số nội dung: (1) nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong một lĩnh vực ưu tiên của quốc gia có sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều, của nhà khoa học trong nước, và doanh nghiệp; (2) đào tạo theo ê-kíp khoa học các nhà khoa học trẻ hướng đến trình độ xuất sắc theo các chuẩn mực quốc tế; đào tạo chuyên gia tiềm năng về quản trị công nghệ và khởi sự doanh nghiệp dựa trên các ý tưởng sáng tạo công nghệ.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn quyết định để bứt tốc trên con đường đi đến thịnh vượng, sánh vai với bạn bè quốc tế, nhưng cũng phải đối mặt với thách thức phải có giải pháp quyết liệt hơn lúc nào hết để không bị bỏ lại phía sau. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho bài toán đó; đội ngũ các nhà khoa học, nhà công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trụ cột chính yếu, trong đó lực lượng trí thức Kiều bào nói chung, các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng luôn là một phần không thể tách rời. Đó không phải là giải pháp chính sách đơn thuần, mà là tâm nguyện, là đạo lý của dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước./.

Ninh Thị Huy Hoàng
Bộ Khoa học và Công nghệ

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều