Tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc và những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - “Độc lập, tự chủ, tự cường” là giá trị tư tưởng chính trị quý báu trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với ý chí khát vọng vươn lên của đất nước thời kỳ hội nhập vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trở thành động lực thúc đẩy đất nước và con người Việt Nam tiến lên giành thắng lợi vẻ vang và gặt hái thành công to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Giá trị tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nếu chỉ tính thời gian chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi chủ quyền Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã chiếm khoảng 12 thế kỷ. Có thể nói, chưa một dân tộc, một quốc gia nào trên thế giới có thời gian đấu tranh chống ngoại xâm dài như dân tộc Việt Nam, cũng chưa có quốc gia nào có số lượng các cuộc kháng chiến nhiều như dân tộc Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam được dựng xây bằng lòng yêu nước, bằng ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. Đây là tư tưởng chính thống, chủ đạo, là quy chuẩn quan trọng nhất, là cẩm nang điều hành đất nước mọi triều đại ở Việt Nam.

Về mặt chính trị, ý thức cố kết cộng đồng, tự chủ, tự vươn mình lên trở thành cốt lõi tinh thần để tạo ra sự đoàn kết dân tộc, sức mạnh của dân tộc chống thiên tai địch họa. Những câu chuyện huyền thoại dù thực hư đến đâu thì vẫn là biểu tượng của tính cộng đồng, nhằm ghi tạc một điều cốt tử trong tâm thức truyền thống là: cộng đồng còn thì mình còn, cộng đồng mất thì tất cả đều mất theo, kể cả những cái thiêng liêng nhất, như sự khẳng định của một câu thành ngữ: “Nước mất nhà tan”.

Vượt qua được những thử thách của thiên tai, địch họa to lớn và liên tục trong lịch sử là nhờ vào tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ và tạo được sức mạnh để tự cường dân tộc. Đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh dân tộc nảy sinh và phát triển trong lịch sử một cách liên tục, trải qua các giai đoạn Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt… Việt Nam và trong mỗi thời kỳ đều được nâng lên với các tầm vóc mới.

Trong lịch sử nhân loại ít có dân tộc nào phải chịu đựng nhiều thử thách và đã vượt qua được những thử thách khốc liệt đến như thế, và do đó, cũng có thể nói, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của con người Việt Nam, trong nền chính trị Việt Nam cũng được tôi luyện và được khẳng định một cách thuyết phục.

Nét nổi bật trong tư tưởng người Việt Nam là ý thức - tư tưởng về mình và vị trí của mình đối với non nước tổ tiên để lại, tức là ý thức về cộng đồng dân tộc và chủ quyền quốc gia, đất nước. Đó là ý chí muốn dựng xây nhân cách Việt Nam: quyền sống bằng tinh thần, bản sắc của mình trên một lãnh thổ có chủ quyền toàn vẹn.

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã nhiều lần phải đem sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn rất nhiều lần, cuối cùng chúng ta chiến thắng. Chiến thắng ấy không phải là chiến thắng của vũ khí, của kinh tế mà là chiến thắng của đạo lý, của những con người khao khát độc lập, tự do.

Tư tưởng chính trị độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường được xác lập và ngày càng được xây dựng, hun đúc và thử thách, trở nên bền vững, thành những giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống tiêu biểu. Rõ ràng, người Việt Nam giữ được độc lập không chỉ bằng ý chí chiến đấu kiên cường, mà còn bằng cả một đường lối chiến lược, chỉ đạo sách lược, chiến đấu mưu lược, ngày càng phát triển cao, dựa trên những nguyên tắc nhất quán.

Tinh thần chiến đấu giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh lâu dài để chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của ngoại bang trong suốt chiều dài lịch sử đã thể hiện rất rõ nét tư tưởng chính trị độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 -  Ảnh minh họa. Nguồn: VGP/Nhật Bắc

Hiện tại, Việt Nam đang là nước được cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Một đất nước ổn định, xóa đói, giảm nghèo bền vững, người khó khăn vẫn tiếp tục được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời. Khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 hơn lúc nào hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh đoàn kết của bạn bè quốc tế.

Để góp phần nâng cao nhận thức về phát huy giá trị tư tưởng “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay theo tinh thần Đảng ta đã xác định: hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ đất nước là một trong những mối quan hệ quan trọng đặc biệt cần giải quyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số giải pháp về phát huy giá trị tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” trong hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, có sức cuốn hút mạnh mẽ, hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Với quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam nhất quán đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về chính trị của nước ta trong thời gian qua đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Từ một quốc gia hội nhập sau, Việt Nam đã trở thành nhân tố tích cực tham gia tiến trình hội nhập khu vực, chủ động đề xuất các sáng kiến, thúc đẩy các liên kết.

Việt Nam cũng tích cực hội nhập sâu rộng vào trật tự kinh tế, chính trị toàn cầu, trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế. Trước bối cảnh tình hình mới, để giữ vững độc lập, tự chủ trong khi thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, cần có các giải pháp phát huy tinh thần “độc lập, tự chủ, tự cường” trong hội nhập quốc tế:

Một là, xác định rõ và luôn kiên định lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế. Lợi ích quốc gia là hằng số, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế phải được soi chiếu từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc là giá trị cốt lõi trong quan hệ quốc tế.

Hai là, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị - đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia là yếu tố quyết định thành công của quá trình hội nhập quốc tế. Đó là sức mạnh được tạo nên từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, của khối đoàn kết toàn dân tộc, của văn hóa, con người Việt Nam; sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Ba là, thực hiện nhất quán phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, lấy nguyên tắc của luật pháp quốc tế để xử lý quan hệ đối ngoại. Nước ta là một bộ phận không thể tách rời thế giới, gắn liền với tiến trình phát triển của thế giới.

Xa rời sự vận động chung sẽ tự cô lập mình với thế giới bên ngoài và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Lịch sử cho thấy “nhất biên đảo” hoặc chỉ quan hệ với một vài đối tác là nguồn gốc gây ra mất độc lập, tự chủ vì sẽ dễ bị bó hẹp trong sự lựa chọn, nếu không đủ bản lĩnh và nội lực sẽ dễ trở thành công cụ của quốc gia khác. Đa phương hóa, đa dạng hóa là cách để đan cài lợi ích với các đối tác, qua đó tăng cường vị thế đất nước, giữ vững độc lập, tự chủ quốc gia.

Bốn là, quá trình hội nhập có sự tác động lẫn nhau giữa các nước lớn với nước vừa và nhỏ, giữa các nước có thể chế chính trị - xã hội khác nhau nên sẽ xuất hiện những xung đột về lợi ích hoặc các âm mưu chống phá từ bên ngoài. Vì vậy, việc chủ động phát hiện từ khoảng cách xa về không gian và sớm về thời gian những nguy cơ có thể xảy ra là yêu cầu cấp thiết phải làm để có thể chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa, hóa giải các nguy cơ đó một cách kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường quản lý hoạt động trên mạng xã hội và Internet, có biện pháp ngăn chặn các thế lực thù địch xâm nhập vào các mạng nội bộ gây thiệt hại về kinh tế, phá hoại tư tưởng. Ngăn chặn việc du nhập các ấn phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài để bảo đảm an ninh văn hóa.

Năm là, nâng cao năng lực dự báo tình hình quốc tế, khu vực phục vụ đắc lực yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế. Cần đổi mới tư duy, nghiên cứu có chiều sâu, nhạy bén bám sát tình hình để có những dự báo xác đáng.

Tập trung nghiên cứu những biến động mới của tình hình thế giới, khu vực, những điều chỉnh chiến lược và chính sách của các nước lớn, những mối quan hệ giữa các nước lớn. Nghiên cứu nắm bắt tình hình ở các nước láng giềng, tình hình an ninh khu vực, tình hình biển Đông. Nghiên cứu, đánh giá và xác định đúng đắn quan hệ đối tác, đối tượng trong từng tình huống cụ thể để có những ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đảng ta đã xác định nâng cao bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn hoạt động của Đảng.

Đảng chủ trương xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ tham gia hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Tài liệu tham khảo

1.   Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H.1972, tập 3.

2.   Nguyễn Hồng Phong (Chủ biên), Văn hóa chính trị Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H.1998.

3.   Hồ Văn Thông (1999), Suy ngẫm về những giá trị trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, Tạp chí Thông tin Chính trị học, số 1 (4-6), tr.18.

4.  Lê Văn Quán, Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ tiền sử đến thời kỳ dựng nước, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006.

5.   Lê Minh Quân (Chủ biên), Nhà nước trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009.

6.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

7.    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

8.   Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

9.   Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

10.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Dương Thị Thục Anh - Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều