Vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững

(Mặt trận) - Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quán triệt và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong xây dựng và phát triển thành phố, Thành uỷ Hải Phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; lan toả quyết tâm chính trị mạnh mẽ, củng cố niềm tin và khơi dậy sự đồng thuận, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân tạo thành sức mạnh nội lực vượt qua mọi khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tạo nền tảng vững chắc để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra ở mức cao nhất, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững.

Kinh tế thành phố Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao ở mức hai con số, bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 12,63%/năm. Thu ngân sách hằng năm thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước: Năm 2022 là năm đầu tiên tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt mức 100 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 đạt trên 103 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 43 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 191 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch, cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông đều có bước phát triển mạnh, diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, tiếp tục thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mới, ưu việt, vượt trội; quốc phòng - an ninh được giữ vững; người dân, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước được thụ hưởng môi trường chính trị ổn định, an ninh an toàn.

 Ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách trên cơ sở “Ý Đảng hợp lòng dân”, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền - nền tảng sức mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố

Với chủ trương “Đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế” được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Hải Phòng đặc biệt quan tâm tới công tác an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân với nhiều cơ chế, chính sách nhân văn, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thành phố ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, có tác động to lớn và trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Một số chính sách đặc thù đối với đối tượng đặc thù trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Cơ chế hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch lát vỉa hè, pha đèn chiếu sáng, cây xanh) để cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn các quận; cơ chế hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng; cơ chế hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông; Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ; chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; quy định về mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng xã hội.

Tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, “người yếu thế” trong xã hội, tạo bước tiến vượt bậc về công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tiêu biểu là: Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố lên 40% so với mức chuẩn trợ giúp xã hội do Chính phủ quy định (từ mức 270.000 đồng lên 500.000 đồng); mở rộng hỗ trợ cho đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước; quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội vào dịp Tết Nguyên đán; gia đình Thương binh - Liệt sĩ, người có công, nhân ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7) với tổng kinh phí và mức quà tặng năm sau cao hơn năm trước.

Tổng mức kinh phí thăm, tặng quà nhân dịp Tết 3 năm (2021, 2022, 2023) là hơn 150 tỷ đồng; mức quà tặng 1,8 triệu đồng/hộ nghèo, 1,6 triệu đồng/hộ cận nghèo. Tổng số tiền hỗ trợ vật chất đối với các gia đình Thương binh - Liệt sỹ, người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) năm 2022, 2023 là gần 500 tỷ đồng; mức hỗ trợ người có công với cách mạng là 5,5 triệu đồng/người.

Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Năm 2021, toàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 0,38%, đời sống vật chất của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Năm 2023, RDP/người của thành phố là 7.292 triệu đồng/người/tháng; bình quân hằng năm, GRDP/người của thành phố tăng hơn 10%, đứng thứ 3 cả nước.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, thành phố ưu tiên nguồn lực để phát triển văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ, góp phần nâng dần độ đồng đều về trình độ dân trí, văn hoá và mức độ hưởng thụ, chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân. Thành phố xây dựng các đề án phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ, đề án đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ.

Ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp (đến nay, đã hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng; cơ chế, chính sách về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, mức thưởng cao nhất lên đến 500 triệu đồng/học sinh, 250 triệu đồng/giáo viên). Đặc biệt, thành phố đang phấn đấu, nỗ lực đi đầu để đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, xây dựng 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và 18.100 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Mở rộng và phát huy thực chất quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, huy động mọi nguồn lực từ Nhân dân - sức mạnh nội lực to lớn để xây dựng và phát triển Thành phố

Ảnh minh họa: Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, Hải Phòng ghi dấu ấn về sự phát triển vượt bậc của kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn. (Ảnh: vneconomy.vn)  

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI đã xác định “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân” là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 21/11/2022 về đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới. Chỉ đạo lượng hóa kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở thành một tiêu chí trong các bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức, cá nhân hằng năm gồm: Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, xếp loại tổ chức đảng, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý; bộ tiêu chí chấm điểm và xếp loại công tác dân vận cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu.

Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện dân chủ gắn với đổi mới hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, vì dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số. Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố duy trì vị trí một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước; Chỉ số cải cách hành chính xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Mở rộng dân chủ trực tiếp thông qua xây dựng và thực hiện hiệu quả chỉ tiêu công tác dân vận của Đảng bộ thành phố hằng năm về công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị thành phố; xác định đối thoại với Nhân dân là khâu đột phá của công tác dân vận. Trong 3 năm (2021 - 2023), toàn thành phố đã tổ chức được 2.835 cuộc đối thoại; trong đó, cấp thành phố 27 cuộc, cấp huyện 923 cuộc, cấp xã 1.885 cuộc; định kỳ 793 cuộc, chuyên đề 300 cuộc, đột xuất 1.742 cuộc.

Năm 2023, tổ chức được 732 cuộc đối thoại (cấp thành phố 6 cuộc; cấp huyện 22 cuộc; cấp xã 50 cuộc). Đặc biệt, Thường trực Thành uỷ đã tổ chức 3 cuộc đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp, công nhân lao động và thanh niên thành phố. Ngày 20/10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 1155-QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Nhân dân (sửa đổi, bổ sung) với nhiều điểm mới theo hướng rõ chủ thể, nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện và chế tài xử lý vi phạm.

Phát huy hiệu quả dân chủ đại diện thông qua đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, một số quy định đặc thù để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi, hiệu quả như: Quy định mức chi cụ thể cho các hội nghị giám sát, phản biện ở cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã đối với chủ trì, thành viên, tham luận, thuê tham gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập, bồi dưỡng thành viên đoàn giám sát, phản biện, chi xây dựng báo cáo kết quả. Quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực hiện khoán phụ cấp để chi trả hằng tháng cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố với định mức từ 11,4 đến 16,0 lần mức lương cơ sở áp dụng cho từng loại đơn vị hành chính cấp xã; khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã với định mức từ 100 - 120 triệu đồng/năm; mức bồi dưỡng theo ngày đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố tối đa là 80 nghìn đồng/người/ngày.

Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã là 5 triệu đồng/ban/năm. Ngày 3/1/2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Thông tri số 08-TT/TU thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều quy định mới, chặt chẽ về nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, trách nhiệm bắt buộc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện của chính quyền các cấp và quy định xử lý đối với với các tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.

Ba năm (2021-2023), toàn thành phố đã tổ chức 11.984 cuộc giám sát (cấp thành phố 418 cuộc, cấp huyện 2.878 cuộc, cấp xã 8.687 cuộc); giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét 4.005 văn bản (cấp thành phố 107 văn bản, cấp huyện 1.446 văn bản, cấp xã 2.452 văn bản); số ý kiến, kiến nghị đề xuất sau giám sát là 6.527, số kiến nghị, đề xuất đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết là 5.728. Tổ chức 239 hội nghị phản biện xã hội (cấp thành phố 17 cuộc, cấp huyện 168 cuộc, cấp xã 54 cuộc); số dự thảo văn bản được phản biện là 2.016 (cấp thành phố 342 văn bản, cấp huyện 830 văn bản, cấp xã 844 văn bản); số ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với cơ quan dự thảo văn bản là 2.672; số ý kiến, kiến nghị, đề xuất được cơ quan dự thảo tiếp thu, trả lời là 2.267.

Đặc biệt coi trọng thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong các lĩnh vực phức tạp, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; nhất là trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 35/2022/NQ-QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (khóa XV) với một số cách làm sáng tạo và kết quả nổi bật:

Trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất: Từ năm 2008, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định 1584/2008/QĐ-UBND ngày 25/9/2008 (nay là Quyết định số 012019//QĐ-UBND ngày 2/1/2019 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất); quyết liệt thực hiện cải cách hành chính trong công tác giải phóng mặt bằng thông qua đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện, rút ngắn ít nhất 1/4 thời gian so với quy trình trước đây.

Vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp dân vận trong giải phóng mặt bằng như: “ba nhà, bốn biết”, “dân vận cộng đồng”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “5/1 - phân công một đảng viên trực tiếp phụ trách năm hộ dân có đất bị thu hồi”, “một điểm, một cửa”, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”; ưu tiên lựa chọn vị trí tái định cư, khen thưởng người dân bàn giao mặt bằng sớm, vận động chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở cộng đồng dân cư; thực hiện phương châm “Nắm chắc vụ việc tình hình - Bám sát vụ việc - Đối thoại xuyên suốt - Dân vận không ngừng - Lợi ích hài hòa - Tình hình ổn định” trong xử lý vụ việc phức tạp phát sinh.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong giải phóng mặt bằng, số trường hợp phải tổ chức cưỡng chế không nhiều, các vụ việc phải cưỡng chế đều có kết quả, ít gây hiệu ứng khiếu kiện đông người, phức tạp, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong 3 năm (2021 - 2023), toàn thành phố đã triển khai quyết định thu hồi đất đối với 39.536 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, diện tích 427,1 ha, bố trí tái định cư cho 4.471 hộ gia đình với phương châm, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu: Từ năm 2011, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 7 huyện, 137 xã. Đến hết năm 2019, toàn thành phố đã có 137/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2011 - 2020. Từ năm 2020, thành phố triển khai thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, xác định rõ Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu, chỉ tiêu, nguồn lực đầu tư và ban hành 2 chính sách trực tiếp, đặc thù cùng nhiều chính sách lồng ghép để triển khai thực hiện; bố trí hơn 16 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 16% vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong 3 năm liền (2021 - 2023), xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được Thành uỷ xác định là một trong các nội dung chủ đề năm của Hải Phòng; chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ thành phố ban hành mẫu quy chế thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã; xác định và chỉ đạo các cấp ủy thực hiện hiệu quả chỉ tiêu công tác dân vận của Đảng bộ thành phố hằng năm về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 367 mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng và nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó, đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân, được người dân đón nhận, ủng hộ, đóng góp trí tuệ, công sức và các nguồn lực trong quá trình thực hiện. Trung bình mỗi xã tổ chức 20 cuộc họp với Nhân dân để dân bàn, thống nhất phương án tặng, cho quyền sử dụng đất, mở rộng các công trình; vận động hơn 16.000 hộ dân tự nguyện tặng, cho quyền sử dụng gần 400 nghìn m2 đất, giá trị khoảng 700 tỷ đồng, đóng góp hơn 9.000 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến hết năm 2023, toàn thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/8 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn là 1,88%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 64,6 triệu đồng/người/năm (tăng gần 8,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).

Trong thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 35/2022/NQ-QH15: Chỉ đạo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan vào dự thảo danh mục phí, lệ phí trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án bảo đảm có lộ trình, phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố. Lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Năm 2024 và những năm tiếp theo, Thành ủy Hải Phòng tiếp tục kiên trì, kiên định việc quán triệt, vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ của thành phố; không chỉ khẳng định “vị trí trung tâm”, mà còn nhấn mạnh và đề cao “vai trò chủ thể” của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Với quan điểm nhân văn, tiến bộ được kế thừa, bổ sung và chuyển hoá thành quyết tâm chính trị về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội trong chủ đề năm 2024 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”; thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới từ tư duy đến cách nghĩ, cách làm, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; vì mục tiêu người dân được thụ hưởng và thụ hưởng ngày càng nhiều hơn những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả của cơ chế, chính sách, cao hơn là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đảng - Dân, tăng cường đồng thuận, đoàn kết xã hội, tạo nguồn nội lực quan trọng để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (khoá XII) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lê Tiến Châu -  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều