Hai lần vượt ngục của đồng chí Nguyễn Lương Bằng

(Mặt trận) - Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đồng chí tham gia cách mạng từ rất sớm và sử dụng các bí danh Anh Cả, Sao Đỏ. Đồng chí từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Phó Chủ tịch nước (từ năm 1969 - 1979). Là một nhà hoạt động cách mạng đồng chí nhiều lần bị địch bắt giam. Nhưng lần nào, đồng chí cũng tìm cách đấu tranh và tìm đường về với cách mạng.

Cuộc vượt ngục Hỏa Lò năm 1933

Cuối năm 1925, khi đang làm trên một tầu thủy của Pháp tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Buổi lễ kết nạp chỉ có hai người chứng kiến là đồng chí Ích (tức Hồ Tùng Mậu) và đồng chí Vương (tức Bác Hồ). Từ đó, Nguyễn Lương Bằng tham gia công tác tuyên truyền vận động lính thủy, làm tài chính cho đoàn thể và làm giao thông, liên lạc từ Trung Quốc về Sài Gòn, Hải Phòng.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet 

Tháng 10/1929, khi đang gây dựng cơ sở cách mạng trong Hội tương tế Việt kiều và binh lính Việt Nam tại Thượng Hải, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Do hoạt động tuyên truyền cách mạng, đồng chí bị mật thám Pháp theo dõi. Tháng 11/1930 đồng chí bị bắt. Khám trong người đồng chí chỉ có một nắm vé xe điện đi qua các tô giới của Anh, Nhật tại Thượng Hải là khả nghi. Những vé xe được đồng chí giữ trong người vì kỷ luật tài chính của Đảng rất nghiêm minh: Tiêu mỗi đồng xu nhỏ cũng phải có đủ chứng từ thanh toán. Không bắt được tài liệu bí mật, địch buộc phải trả tự do cho đồng chí nhưng vẫn bí mật theo dõi.

Ngày 21/5/1931, đồng chí bị bắt tại phố Thạch Môn (Thượng Hải, Trung Quốc) cùng với đồng chí Phiếm Chu (tức Đỗ Ngọc Du). Suốt một tháng bị giam ở Thượng Hải, mật thám thay nhau tra tấn hết trận này đến trận khác nhưng không khai thác được gì, chúng đưa đồng chí về Việt Nam tiếp tục tra khảo tại các nhà tù ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hỏa Lò và Hải Dương.

Trên đường bị dẫn giải bằng tầu thủy, mặc dù bị cùm suốt ngày trên boong tàu, nhưng đồng chí vẫn tuyên truyền cách mạng với lính khố đỏ được đưa từ Pháp về. Tên sĩ quan Pháp ra lệnh cách ly lĩnh khố đỏ đưa đồng chí xuống hầm tầu. Ngồi với hành khách càng là cơ hội cho đồng chí tuyên truyền. Bị giải xuống quầy hàng nóng như thiêu đốt nhưng toàn bà con làm đồn điền cao su ở Nam kỳ về, đồng chí vẫn tiếp tục tuyên truyền. Lúc bị giam ở Hải Dương, đồng chí lại lãnh đạo đấu tranh đòi bỏ cùm, bỏ xích, đòi chăn, đòi phát chiếu chung cho cả tù thường phạm đến thắng lợi. Tù thường phạm rất có cảm tình và nói: Được thế này là nhờ ông Sao Đỏ cả đấy. Tháng 6/1932, tòa án Hải Dương xử đồng chí án chung thân, giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.

Bị giam tại Hỏa Lò, đồng chí tham gia đấu tranh tuyệt thực đòi quyền lợi viết thư, đọc báo, đòi thuốc lào, thuốc lá, đồng thời luôn tìm cách vượt ngục. Đồng chí tự mình đâm cổ họng để máu ròng ròng chảy xuống ngực, áo trắng đỏ lòm và được đưa sang cấp cứu tại nhà thương Phủ Doãn. Nhưng tù nhân đưa sang nhà thương Phủ Doãn cũng bị canh chừng cẩn mật, bị giam tại một phòng riêng, các cửa sổ đều có chấn song sắt kiên cố không kém gì Hỏa Lò. Các đồng chí chuẩn bị vượt ngục đã bí mật dùng cưa do đồng chí Trịnh Thị Điền gửi vào để cưa chấn song sắt.

Đêm ngày 24/12/1931, lợi dụng mọi người đi dự lễ Giáng sinh, Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí Nguyễn Tạo, Phạm Quang Lịch, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương, Bùi Xuân Mẫn... bẻ song sắt chỗ đã cưa sẵn chui ra, trèo tường, vượt qua hàng rào dây thép gai của bệnh viện, nhảy ra ngoài.

Muốn vượt ngục phải chuẩn bị và phải giữ được tiền cho đến giờ hành động. Nguyễn Lương Bằng đem vo viên tờ giấy bạc 20 đồng, lấy giấy bóng bọc thật kỹ. Thoát ra ngoài, các đồng chí chia nhau đi các hướng tiếp tục hoạt động. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng Võ Duy Cương đi ra bến đò Tứ Tổng, tìm đường về Vĩnh Yên. Do sơ xuất, đồng chí Võ Duy Cương bị bắt trở lại, Nguyễn Lương Bằng cải trang thành một tá điền về sống ở ấp Dọn (Hải Dương) cùng nhân dân làm ruộng xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng, chờ bắt liên lạc với Đảng. Tại đây, đồng chí ra báo Công Nông, tự viết, tự in gửi đi các nơi, gửi ra cả Hải Phòng chuyển cho anh em làm tàu biển.

Cuộc vượt ngục Sơn La năm 1943

Tấm biển gắn trên tường trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Hà Nội ghi dấu sự kiện vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng năm 1931. ẢNH: PV 

Cuối năm 1933, khi đi công tác Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị bắt và bị kết án khổ sai chung thân lần nữa. Tháng 5/1935 Nguyễn Lương Bằng bị đày lên nhà tù Sơn La cùng với đồng chí Trường Chinh.

Mang hai án chung thân trên người. Nguyễn Lương Bằng không chịu để một đời sống mọt trong gông cùm đế quốc. Năm 1936, do mặt trận bình dân đấu tranh mạnh mẽ, nhiều đồng chí được trả tự do, Nguyễn Lương Bằng không được ra tù nhưng đã đặt vấn đề với các đồng chí ra tù đặt mối liên lạc tổ chức cho đồng chí. Nguyễn Lương Bằng ở tù Sơn La cùng với bốn người tù Quốc Dân Đảng. Đồng chí liên tục tuyên truyền giác ngộ ba người trong đó đi theo chủ nghĩa Cộng sản và sau này tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của ta. Sang năm 1937, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Bùi Bảo Vân ở Cao Bằng bị bắt lên Sơn La. Năm 1940, đến lượt Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Tô Hiệu lên. Tù nhân càng đông đảo, phong trào đấu tranh trong tù vì thế càng mạnh mẽ.

Hè năm 1943, trước tình hình phong trào cách mạng đang lên, chi bộ nhà tù quyết định tổ chức vượt ngục. Chi bộ chỉ đạo vượt ngục dựa vào sức mình và cơ sở quần chúng là Tổ thanh niên cứu quốc Thái Mường La bên ngoài nhà tù và một số đảng viên đang hoạt động bí mật tại tòa công sứ Sơn La. Người dẫn đường là Lò Văn Giá - một thanh niên cứu quốc người Thái rất tháo vát, dũng cảm và có tinh thần yêu nước. Bản đồ, thẻ thuế thân do Bế Nhật Huân - Thư ký tòa công sứ cung cấp. Thuốc men do Lò Văn Inh - một y sĩ tiến bộ được giác ngộ cung cấp.

Các đồng chí được bố trí vượt ngục phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có tinh thần kiên định, mưu trí, có sức khỏe tốt; Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thận trọng; Có năng lực và tín nhiệm mà Đảng đang cần; ưu tiên những đồng chí bị giam cầm lâu ngày. Danh sách vượt ngục gồm các đồng chí: Nguyễn Tuấn Đáng tức Trần Đăng Ninh; Nguyễn Văn Trân tức Diệu; Lưu Đức Hiểu tức Lưu Quyên. Các đồng chí Trân và Hiểu còn biết tiếng Thái, có mối quan hệ chặt chẽ với Thanh niên cứu quốc Thái Mường La, có kinh nghiệm sử dụng bản đồ, la bàn…

Sắp đến ngày thực hiện, đồng chí Sao Đỏ đề đạt ý kiến được tham gia vượt ngục lần này. Dù sức khỏe giảm sút, đường sá xa xôi hiểm trở, đi lại khó khăn, nhưng trước sau, đồng chí vẫn kiên trì đề nghị: “Vô luận thế nào, các đồng chí không tổ chức vượt ngục thì thôi, đã tổ chức thì phải để tôi tham gia. Tất cả mọi khó khăn nguy hiểm, các đồng chí chịu đựng được thì tôi cũng có thể chịu đựng được. Cùng nữa, có phải hy sinh giữa đường thì cũng phải chịu”.

Sáng ngày 3/8/1943, các đồng chí tiến hành cuộc vượt ngục. Từ Sơn La, các đồng chí băng rừng đến Tạ Khoa định vượt sông Đà, nhưng do mùa lũ, nước sông lên cao, các đồng chì phải quay lại đường quốc lộ 6. Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu giả làm con trai người Thái đi trước, Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh đóng vai lái buôn đi sau. Đi đường, các đồng chí phải đối diện với cả bộ máy đế quốc huy động lùng bắt mình. Hết gặp tên Tri châu Yên Châu lại đến tên Tri châu Mộc Châu. Nhiều phen tưởng bị lộ chỉ nhờ điềm tĩnh mà cả đoàn thoát được. Đồng chí Sao Đỏ vì sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, chân đi không vững do bị giam cầm trong xà lim nhiều năm tháng, nhưng không hề phàn nàn điều gì.

Cuộc vượt ngục đầy gian nan, nguy hiểm đến ngày thứ 8 coi như đã giành được thắng lợi cơ bản. Chiều ngày 14/8/1943, các đồng chí đã về đến Hà Nội và nhanh chóng bắt liên lạc với Thành ủy Hà Nội và cơ quan liên lạc của Trung ương Đảng. Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh gặp được anh Hoàng Văn Thụ tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), sau đó sang làng Mỗ, Cót, lên Bưởi, ra đê sông Hồng qua bến đò Tứ Tổng sang sông, gặp đồng chí Trường Chinh.

Trong lúc Đảng còn thiếu nhiều cán bộ lãnh đạo phong trào, nay được đồng chí từ nhà tù trở về, cơ quan lãnh đạo của Đảng được kịp thời bổ sung một số cán bộ có kinh nghiệm hoạt động. Sự phân công ấy nói lên sự tín nhiệm của Đảng đối với các đồng chí từ ngục tù trở về với Đảng. Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng chí Nguyễn Văn Trân phụ trách Ban công vận Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng chí Lưu Quyên phụ trách công tác binh vận Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng thời giúp đồng chí Hoàng Văn Thụ về công tác binh vận của Đảng.

Đồng chí Sao Đỏ được các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt phân công phụ trách tài chính của Đảng, đồng thời giữ mối liên lạc giữa Trung ương với nhà tù Sơn La và một số nhà tù khác.

Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, Trung ương họp bổ sung một đồng chí vào Thường vụ Trung ương. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau này kể lại: “Thường vụ Trung ương họp bổ sung tôi vào Trung ương và Thường vụ thay đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bị địch bắt… Tôi không chịu nhận, nhưng cuối cùng anh Trường Chinh và anh Việt báo rằng: Chúng tôi biết rõ khả năng của anh rồi, cứ nhận đi”. Trung ương phân công đồng chí làm công việc của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước đó: Công tác vận động binh lính địch, đồng thời, phụ trách một số cơ sở An toàn khu mở rộng như Thanh Oai, Mai Lĩnh, Chương Mỹ. Công tác tài chính của Đảng vẫn do đồng chí đảm nhiệm.

Khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách công tác tài chính của Đảng, quỹ Đảng còn tất cả 24 đồng. Trong Đảng, bấy giờ, Thường vụ Trung ương đề ra kỷ luật tài chính rất nghiêm. Các đồng chí, mỗi lần họp đều có tiến hành kiểm tra tài chính của nhau. Một xu, một chinh cũng phải ghi vào một mảnh giấy, dài như chiếc bùa, vê lại như sâu kèn giấu trong người. Chi tiêu mọi khoản thanh toán xong, lại kiểm lại tiền mặt còn trong túi. Trừ anh em ở cơ quan in vì lao động nhiều, có tiêu chuẩn riêng, có tiền tiêu vặt, còn ai cũng chỉ được cấp tiền ăn hai bữa tối thiểu. Tiền không phải là cái quyết định, song có tiền thì có thêm sức mạnh cho hoạt động.

Có những người cảm tình Đảng nghe tiếng đồng chí Sao Đỏ đã vượt ngục chuyển biếu số tiền một vạn đồng ủng hộ quỹ Đảng, một số vải may quần áo. Đồng chí Nguyễn Lương bằng còn tổ chức buôn bán làm tài chính cho Đảng. Từ làng Thượng Cát, đồng chí chỉ huy các mối buôn đủ thứ: buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, buôn trầu, buôn bè, buôn mật Mai Lĩnh, buôn gỗ làm lược bán...

Cuối năm 1944, khắp nơi xuất hiện nạn đói. Cán bộ đến nhà dân, đều đưa tiền ăn vì nhà đồng bào lúc bấy giờ đang túng thiếu đến cùng cực. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đề nghị với Trung ương và với Tổng bộ Việt Minh phát hành tín phiếu. Tín phiếu in ở cơ quan in của Đảng, in bằng trục xe đạp. Tín phiếu có in hàng chữ “Tổ quốc ghi công” bằng chữ đỏ. Dưới hàng chữ ấy, là sáu chữ “Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Đồng chí ký vào tín phiếu lấy bí danh là Triệu Vân. Còn con dấu Tổng bộ Việt Minh in lên tín phiếu là một con dấu bằng đồng. Tín phiếu đã góp một phần nhất định vào công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8/1945 của toàn Đảng, toàn dân ta.

Lúc bấy giờ, Thường vụ Trung ương có ba đồng chí: đồng chí Trường Chinh hoạt động ở vùng Phúc Yên, Hoàng Quốc Việt ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Nguyễn Lương Bằng ở vùng Hà Đông. Các đồng chí thường họp nhau ở nhà anh Hợi - một cơ sở cách mạng. Có khi, các đồng chí ra họp ngoài cái lều coi vườn, không chiếu, phải lấy lá tre rải làm đệm. Gai đâm vào người đến đâu thì lại lấy tay vặt gai vứt đi đến đấy. Sau Thường vụ Trung ương chuyển vào họp trong một ngôi chùa là cơ sở cách mạng. Họp ở chùa lạnh, đêm mệt, các đồng chí nằm ngủ, sáng ngủ dậy, lại họp.

Đêm 6/3/1945, phía Hà Nội có tiếng súng nổ, Thường vụ Trung ương mở rộng họp tại chùa làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Đang họp có báo động, các đồng chí trốn ra vườn, chui qua rào lần về làng Đình Bảng họp. Từ cuộc hội nghị, Trung ương ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng Thường vụ Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng trải qua nhiều cương vị, gắn với nhiều sự kiện cách mạng khác nhau, trong đó có nhiều lần bị bắt giam, chịu hai án chung thân và hai lần vượt ngục thành công. Trong cuộc đời của mình, bất cứ ở đâu, làm công việc gì, đồng chí đều một lòng hướng về Cách mạng, về Đất nước, về Nhân dân, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên hết.

Tài liệu tham khảo

1.  Nhân dân ta rất anh hùng (1960), Nxb. Văn học.

2.  Hồi ký cách mạng, tập 1 (1966), Nxb. Giáo dục.

3.  Báo Nhân số ra ngày 21/7/1979.

4.   Đồng chí Trường Chinh, tập 2 (1991), Nxb. Sự Thật.

5.  Ngục tù Sơn La - trường học đấu tranh của Cách mạng (1992), Nxb. Thông tin lý luận.

Nguyễn Thanh Minh - Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và

Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều