|
Ảnh minh họa (conganthanhhoa.gov.vn) |
Đưa môn học bơi vào nhà trường đương nhiên là biện pháp cần thiết, tạo được sự đồng thuận. Nhưng sự hợp lý chưa chắc đã là sự tối ưu! Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến năm 2020, chỉ trong 5 năm, những con số biết nói đã phải khiến người ta giật mình.
Có tới 2000 trẻ em bị đuối nước tính theo 1 năm trong khoảng thời gian này. Có nghĩa là mỗi ngày, Việt Nam có hơn 5 trẻ khiến các gia đình phải trải qua bi kịch vì đuối nước. Trong buổi Hội thảo về thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em cách đây 4 năm, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã kết luận rằng, tỷ lệ đuối nước của trẻ em nước ta thực tế cao hơn các nước Đông Nam Á, và cao gấp 8 lần so với các nước phát triển.
Trang thiết bị, bể bơi, hay huấn luyện viên có thể còn thiếu so với quy chuẩn ở các trường học để dạy một đứa trẻ có thể tự cứu mình, thậm chí cứu các bạn khác khi mất kiểm soát dưới nước. Đúng. Nhưng đó chỉ là một phần thôi! Sự chủ quan, thiếu hiểu biết, và thiếu cả sự giám sát từ chính phụ huynh, gia đình, cho đến những người có trách nhiệm ở hồ bơi, hay tại các điểm tự phát thu hút trẻ như sông, hồ mới là điều đáng nói.
Rất nhiều người luôn cho rằng trẻ nhỏ luôn trong tầm mắt họ, ở những nơi tương đối an toàn như bể bơi. Nhưng không ít người cũng nhầm tưởng, người đuối nước sẽ phải vùng vẫy, la hét, và tạo tín hiệu để chờ người lớn cứu. Nhưng chỉ cần 10 đến 20 giây thôi, phản ứng sặc nước đã là một chuyện rất khác mất rồi…
Biết bơi là một chuyện, biết phản ứng lại hiểm nguy lại là chuyện khác. Nếu không tin, bạn hãy tới những vùng biển đầy tàu đánh cá, những cư dân giỏi bơi nhất sẽ nói họ tồn tại được bao lâu khi gặp bão? Một người lớn có thể bơi 5 vòng trong bể bơi, nhưng có lẽ sẽ chỉ sống nổi trong chưa đến 2 phút (với cư dân là trên 10 phút) khi sự cố xảy ra trên biển.
Với trẻ em, dù được tập bơi chuyên nghiệp, dù giỏi đến mấy, nhưng không lường trước được những vùng nước xoáy trên sông, không khởi động kỹ dẫn đến chuột rút, hay chỉ đơn giản là không quan tâm tới yếu tố thời tiết khi lập tức tiếp cận với nước, điều gì sẽ xảy ra?
Cũng đã có những trường hợp trẻ em được cứu sống kịp thời khi đuối nước bởi người lớn. Nhưng lại theo những cách khoa học không bao giờ chỉ dẫn. Đó là việc xốc ngược trẻ để hy vọng nước chảy ra để tránh bị sặc nước. Thời gian vàng cho việc cấp cứu chính là bổ sung oxi, chứ không phải là tiêu hao lượng nước đã uống vào cơ thể. Chính vì thế, hô hấp nhân tạo và ép tim mới là điều tối quan trọng. Phương pháp truyền thống, nhiều khi lại là phương pháp sai lầm.
Phòng chống đuối nước, không chỉ là dạy trẻ biết bơi – điều kiện cần. Bởi lẽ những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở vùng sông nước, từ bé đã quá quen với việc cùng chúng bạn đùa giỡn với thiên nhiên. Điều kiện đủ - vẫn phải tới từ người lớn, từ sự tuyên truyền của nhà trường, những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ của chính quyền.
Để chúng ta không còn phải chứng kiến quá nhiều sự thương tâm từ hiểm họa nước!
Yến Thanh/Theo Báo ĐCSVN