Hà Nội xuất hiện 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến ngày 13,) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện, trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao nhất với 43 ca.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).

Về cụ thể, trong tuần ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại các quận, huyện Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 30 ổ dịch, hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.

Hiện CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện trên, kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vượt ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và không loại trừ khả năng tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Bên cạnh sốt xuất huyết, tuần qua thành phố ghi nhận 31 ca mắc tay chân miệng hầu hết là ca tản phát, 0 tử vong, giảm 3 ca so với tuần trước (34/0). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.656 ca mắc, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (964/0). Về ổ dịch tay chân miệng, trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2024 ghi nhận 39 ổ dịch đều đã kết thúc hoạt động.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Trong tuần thành phố ghi nhận 12 ca mắc ho gà, 0 ca tử vong, tăng 1 ca so với tuần trước (11/0). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 173 ca mắc tại 28 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0). Trong đó, 113 ca dưới 2 tháng tuổi (chiếm 65,3%); 30 ca từ 3 đến 12 tháng (chiếm 17,3%); 10 ca từ 13 đến 24 tháng (5,8%); 12 ca từ 25 đến 60 tháng (6,9%); 8 ca từ 1 tuổi trở lên (4,6%)…

Đáng chú ý, đối với dịch bệnh bạch hầu, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, trước tình hình tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đã ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, chiều ngày 11.7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn về giám sát, phòng chống và điều trị dự phòng bạch hầu cho các trung tâm y tế và các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Đối với các dịch bệnh khác như: não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trường hợp mắc trong tuần.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch của CDC Hà Nội, trong tuần qua, các địa phương đã tổ chức 24 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại 77.462 hộ gia đình và 499 khu vực khác (trường học, công cộng…); xử lý gần 11 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy. CDC Hà Nội cũng tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho các quận, huyện, thị xã.

Để công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.

Thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế, thực hiện báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.

Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống; khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thực hiện công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm ca mắc, nghi mắc bệnh để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

 
Lê Tùng/Theo Báo Đại biểu nhân dân
 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều