Mạt bụi nhà - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hen suyễn ở Việt Nam

Sáng 20/10, các giáo sư đến từ Vương quốc Bỉ và giảng viên đến từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã báo cáo kết quả của dự án PIC “Đánh giá nguy cơ và dự phòng bệnh lý mạn tính đường hô hấp tại khu vực phía Nam Việt Nam”.

 Các nhà khoa học cho rằng sống ở môi trường thành thị dễ bị dị ứng gây bệnh hô hấp hơn nông thôn (ảnh M.Q)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, bệnh hô hấp mạn tính có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 (chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư). Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh.

Theo GS. Olivier Michel - điều phối viên của chương trình PIC phía Vương Quốc Bỉ, ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là khoảng 40% và nữ giới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1%. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tỷ lệ mắc bệnh hô hấp mạn tính ở phụ nữ Việt Nam lên đến 45,5%. Do đó, các nhà khoa học cho rằng có mối quan hệ giữa yếu tố môi trường, nhà ở và bệnh lý hô hấp.

Nhóm nghiên cứu đã xác định đặc điểm bệnh lý hô hấp trên 610 bệnh nhân Việt Nam dựa trên câu hỏi, đo hô hấp ký, test tại gia để tìm kháng nguyên dị ứng. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng các xét nghiệm miễn dịch dị ứng và cách thức khác nhau để xác định tình trạng dị ứng ở Việt Nam. 

Kết quả cho thấy, bệnh lý hen suyễn có nguyên nhân liên quan đến yếu tố dị ứng. Ở Việt Nam, con mạt bụi nhà là tác nhân gây dị ứng nhiều nhất. Nguy cơ dị ứng với con mạt bụi nhà xảy ra ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Người ta nhận thấy, người dân ở nông thôn khi vào khu vực thành thị sống thì khả năng bị dị ứng tăng lên rất nhiều. Nghiên cứu cũng chứng minh khả năng gây dị ứng của con mạt bụi nhà ở nông thôn cũng giống như ở thành thị. Nhưng chất endotoxin chống lại dị ứng ở nông thôn lại nhiều hơn thành thị.

Mục tiêu dự án PIC hô hấp nhằm đánh giá bệnh hô hấp mạn được thực hiện bởi các giáo sư đến từ Vương Quốc Bỉ và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Công nghiệp TPHCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Dự án nhằm xác định yếu tố nguy cơ và dự phòng các bệnh hô hấp này ở tuyến y tế cơ sở. Dự án kéo dài từ năm 2012 đến 2017 và dự kiến sẽ còn tiếp tục.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá cao dự án PIC. GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hiện, TPHCM khoảng 13 triệu dân tính gồm dân nhập cư. Bộ Y tế hiện nay đang tập trung phát triển y tế cơ sở, tập trung khám chữa bệnh ban đầu. Đặc biệt là các bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Dự án PIC hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế là phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh ở tuyến y tế cơ sở để điều trị sớm với chi phí thấp nhất.

Theo Khương Quỳnh/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều