Với 90% trường hợp tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân và phần lớn gặp ở người lớn tuổi (gọi là tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát).
Tuy nhiên, y học nhận thấy bệnh có tính chất gia đình, lớn tuổi hoặc có bệnh tiểu đường. Ngoài ra, người mắc bệnh có thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì, ít tập thể dục, hay căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
Với 10% trường hợp xác định được nguyên nhân (gọi là tăng huyết áp thứ phát). Người bệnh tăng huyết áp nhóm này thường do mắc các bệnh về thận như viêm cầu thận; hội chứng thận hư; suy thận mạn; hẹp động mạch thận; bệnh tuyến tượng thận vốn có nhiệm vụ tiết ra các hormone điều hòa muối – nước và huyết áp của cơ thể, hoặc bệnh cường giáp, suy giáp, bệnh cushing.
Bên cạnh đó, người bệnh bị tăng huyết áp do sử dụng một số loại thuốc khi uống như corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng), thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai.
Cao huyết áp còn xảy ra nếu mọi người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Riêng trẻ em và người lớn thường sẽ mắc cao huyết áp, có khi bị bệnh tim do hẹp eo động mạch chủ.
Chính vì vậy, tăng huyết áp còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để nhận biết là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu mọi người có người thân cũng mắc tăng huyết áp.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang chỉ ra, một số dấu hiệu tăng huyết áp cần chú ý như sau:
- Nhức đầu
- Chảy máu mũi
- Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
- Tê hoặc ngứa ran các chi
- Buồn nôn và nôn
- Choáng và chóng mặt
- Đau tim
- Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào nêu ở trên đặc biệt kèm theo huyết áp tăng cao, người bệnh cần bình tĩnh, nằm hoặc ngồi nghỉ tại nơi yên tĩnh, tránh đi lại và thay đổi tư thế đột ngột. Không tự ý sử dụng bất kỳ thuốc nào.
Đồng thời, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám sớm, trong lúc chờ đợi có thể đo lại huyết áp sau 15 – 30 phút. Khi tới cơ sở y tế, bệnh nhân nên mang theo hồ sơ, đơn thuốc, bảng theo dõi huyết áp tại nhà cùng các tài liệu liên quan đến tình trạng sức khoẻ của mình.