Theo đó, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực gợi ý, những hiểu lầm thường gặp khiến cho bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa như sau:
Đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi?
Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi tác bởi vì người lớn tuổi thường mắc các bệnh mạn tính đi kèm như tăng huyết áp, tim mạch, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường. Chưa kể đến những thói quen xấu khi còn trẻ như hút thuốc lá, rượu bia, thức khuya, căng thẳng… tích lũy theo năm tháng trở thành mối nguy cho sức khỏe khi về già.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não) ngày càng tăng, thậm chí chỉ mới 12-13 tuổi cũng bị đột quỵ.
Nhiều trường hợp người bệnh bị tàn phế thậm chí tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ. Chính vì vậy, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời.
Đột quỵ chỉ xảy ra ở người thừa cân, béo phì?
Có khoảng 90% các ca đột quỵ gây ra bởi các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch… các bệnh lý này thường gặp ở người thừa cân, béo phì. Dù vậy, người gầy hay có cân nặng bình thường nhưng không có lối sống lành mạnh, chế độ vận động phù hợp, lạm dụng các chất kích thích thì vẫn có nguy cơ cao mắc đột quỵ.
Tỷ lệ tái phát sau đột quỵ
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ tái phát sau đột quỵ khoảng 3% – 23% trong vòng một năm đầu tiên, 10% – 53% trong vòng 5 năm. Các cơn đột quỵ sau thường để lại di chứng nặng nề hơn lần đầu. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ việc điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giảm tỷ lệ tái phát bệnh.
Người bệnh không thể phục hồi sau cơn đột quỵ
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế nhưng không phải ai bị đột quỵ cũng bị liệt hoặc yếu. Di chứng sau cơn đột quỵ của mỗi người khác nhau tùy thuộc vào số lượng mô não bị ảnh hưởng và thời gian cấp cứu nhanh như thế nào.
Người bị đột quỵ nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng “thời gian vàng” vẫn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Bệnh đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết
Một hiểu lầm thường gặp khác về đột quỵ là các cơn đột quỵ hoàn toàn không hề có dấu hiệu báo trước. Theo Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ, các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở mỗi người sẽ khác nhau, các quy tắc cơ bản giúp bạn nhận biết sớm đột quỵ (BEFAST). Cụ thể:
- B (Balance): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (Eyesight): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (Face): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (Arm): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (Speech): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (Time): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tránh bỏ lỡ thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù bạn còn trẻ hay đã về già và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, do đó cần chủ động phòng ngừa đột quỵ.
Do vậy, mọi người nên khám sức khỏe hàng năm để kịp thời phát hiện và can thiệp sớm bệnh đột quỵ cũng như các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đồng thời, cần tập cho mình lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Theo Xuân Quý/Báo Đại biểu nhân dân