Cải cách Hiến pháp - Bước ngoặt của Cuba

(Mặt trận) - Sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và Đông Âu, nền kinh tế Cuba đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trước bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động to lớn và nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Cuba vẫn kiên cường lãnh đạo nhân dân và đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, thông qua các biện pháp nhằm cải cách kinh tế và tiếp tục phát huy các ưu việt của hệ thống phúc lợi xã hội vốn có. Gần đây, Cuba đã có một số thay đổi, cải cách về Hiến pháp gây ra nhiều ý kiến khác nhau về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại quốc gia này. Đây có thể được coi là một bước ngoặt mới trong bối cảnh hiện nay của Cuba.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba do Phó Chủ tịch Orestes Llanes Mestre làm Trưởng đoàn, nhân dịp Đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam, tháng 11/2017. Ảnh: Kỳ Anh

Tình hình Cuba hiện nay

Về chính sách đối ngoại, Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba, Tổng thống kế nhiệm Donald Trump lại  siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt (vào tháng 11/2017) và cấm hầu hết người Mỹ thăm Cuba. Chính quyền Obama đã có những bước đột phá cải thiện quan hệ với Cuba, nhưng khi D.Trump lên nắm quyền đã không tiếp tục duy trì kết quả cũ, khiến cho tiến trình bình thường quan hệ Mỹ - Cuba không những bị gián đoạn, mà còn gặp nhiều khó khăn; D. Trump đã cản trở việc hâm nóng quan hệ ngoại giao giữa hai nước đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Về cơ bản, quan hệ song phương Cuba - Mỹ xoay quanh 2 vấn đề quan trọng. Cuba muốn Mỹ trả lại căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo và dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại. Trong khi đó, Mỹ duy trì quan điểm muốn Cuba phải trải qua quá trình “dân chủ hóa” và thực hiện những cải cách tự do thương mại sâu rộng. Ngược lại, Cuba luôn bày tỏ họ sẽ duy trì quan hệ bình thường và hòa bình với Mỹ, chừng nào các mối quan hệ này dựa trên sự bình đẳng, tương hỗ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Dù chịu sự bao vây cấm vận của nước Mỹ trong suốt 56 năm qua, với rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Cuba đã không chịu khuất phục, vẫn giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa. Tinh thần cách mạng của người dân Cuba là ngọn cờ đầu cho phong trào cách mạng của các nước Mỹ Latinh noi theo.

Về tình hình kinh tế - xã hội, vì phải chịu chính sách cấm vận lâu dài của Mỹ, nên Cuba đã duy trì chính sách phát triển kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đây là một trong những lựa chọn sáng suốt hợp lý nhất mà Đảng Cộng sản Cuba thực hiện trong bối cảnh bị bao vây, để có thể duy trì sự phát triển kinh tế đất nước, vừa đảm bảo con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản, kiên trì theo chủ nghĩa Mác-Lênin.

Kinh tế  tiếp tục là một trong các thách thức chính của Cuba hiện nay. Bên cạnh ưu việt được hưởng y tế và giáo dục miễn phí, được bao cấp lương thực và chỗ ở, nhưng ở Cuba hàng hóa tiêu dùng lại rất khan hiếm. Mức lương công chức, viên chức nhà nước ở Cuba trung bình là 20 USD và chỉ có 173.000 ô tô trong tổng số 11 triệu người dân của nước này1. Cuba hiện nhập khẩu tới 80% lương thực và hàng hóa tiêu dùng. Không còn tự do thương mại với Mỹ, Cuba sẽ phải cải thiện năng lực sản xuất nông nghiệp để có thể tự túc lương thực. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và thương mại quy mô nhỏ của Cuba đang tích cực phát triển để có thể thích nghi với tình hình mới.

Sự kém phát triển về kinh tế của Cuba xuất phát từ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, khiến quốc gia này không thể huy động được các nguồn lực đầu tư nước ngoài. Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký một bản ghi nhớ siết chặt chính sách của Washington đối với Cuba, theo đó cấm các công ty Mỹ giao thương với những công ty liên quan đến quân đội Cuba và hạn chế công dân Mỹ đến thăm Cuba. Ngày 24/8/2018, Cuba thông báo  những thiệt hại kinh tế của nước này do lệnh bao vây cấm vận của Mỹ gây ra từ tháng 4/2017 đến 3/2018 đã vượt 4,3 tỷ USD2.

Trong báo cáo thường niên về lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại mà Washington áp đặt, Bộ Ngoại giao Cuba có báo cáo dự kiến sẽ được đưa ra Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong năm nay có đoạn: “Những thiệt hại kinh tế tích lũy gần 60 năm qua lên tới 933,6 tỷ USD, nếu tính theo giá vàng mua bằng đồng USD trên thị trường quốc tế”3.

Mặc dù về kinh tế còn nhiều hạn chế, song trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội của Cuba đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Thành quả của Cách mạng Cuba cho đến nay vẫn là một tấm gương sáng cho cách mạng nhiều nước, bởi chính những chính sách tiến bộ về phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng. Hệ thống y tế của Cuba xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), trước cả những nước giàu có hàng đầu thế giới như: New Zealand và Hàn Quốc. Tỷ lệ người dân biết chữ tại Cuba đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Có thể nói, mô hình xã hội chủ nghĩa nhân văn, ưu việt của Cuba là điểm sáng cho các quốc gia nói chung và các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng hướng đến. Nhiều ý kiến nhận định rằng, trong giai đoạn mới của Cuba sẽ không có bước ngoặt lớn trong chính sách, mà chỉ là sự thay đổi để phù hợp với tình hình và phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Bởi hầu hết người dân Cuba hiện nay đều muốn duy trì nền độc lập và tất cả các phúc lợi xã hội, như: giáo dục và y tế miễn phí... mà Cách mạng Cuba đã mang lại.

Những điểm mới trong Dự thảo Hiến pháp Cuba 2018

Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm phần mở đầu và 224 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Hiến pháp hiện hành của Cuba được áp dụng từ năm 1976 và được bổ sung, sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002. Quá trình tham vấn nhân dân được tiến hành từ ngày 13/8 - 15/11/2018. Tiếp đó, Quốc hội Cuba sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 24/2/2019 và sau đó sẽ bỏ phiếu thông qua văn bản luật tối cao này tại kỳ họp ngay sau cuộc trưng cầu.

Về chính trị, theo Hiến pháp mới, hệ thống chính quyền mới cũng có sự phân chia quyền lực cấp cao. Hiến pháp mới sẽ lập ra chức vụ thủ tướng nhằm giảm bớt trách nhiệm hành pháp và hành chính cho chủ tịch, từ đó có thể giúp cân bằng tập trung quyền lực. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sẽ không trực tiếp điều hành Hội đồng Bộ trưởng, công việc này do Thủ tướng đảm nhiệm. Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Hội đồng Nhà nước, điều này cho phép người đảm nhận chức danh này có quyền lực rất lớn. Theo đó, Quốc hội sẽ là cơ quan quyền lực cao nhất thực thi Hiến pháp.

Về hệ thống chính trị, bản dự thảo bao gồm các quy định rõ ràng hơn về quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó công nhận Cuba là một “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và có chủ quyền”, đồng thời khẳng định, nhà nước “bảo đảm các quyền của con người, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tư tưởng”.

Hiến pháp mới đưa ra những thay đổi trong cơ cấu Nhà nước Cuba, trong đó bao gồm việc thành lập các vị trí của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng, thay thế cho Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Dự thảo cũng quy định Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, cơ quan quyền lực tối cao đến lúc này vẫn do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước điều hành. Người đứng đầu cơ quan này sẽ có nhiệm kỳ là 5 năm, có thể kéo dài  thêm 1 nhiệm kỳ và không vượt quá 60 tuổi vào thời điểm nhậm chức.

Dù bỏ qua quy định trong Hiến pháp cũ về mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản, dự thảo Hiến pháp mới của Cuba duy trì đặc điểm phải tập trung  xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều 224 trong Hiến pháp mới tái khẳng định đặc trưng xã hội chủ nghĩa của thể chế chính trị Cuba và “vai trò dẫn đường của Đảng Cộng sản duy nhất”4. Về ý thức hệ, dự thảo Hiến pháp khẳng định mục tiêu của Cuba là tiến lên chủ nghĩa xã hội cộng sản.

Về xã hội, Hiến pháp mới cũng mở rộng các quyền công dân và quyền tự do để phù hợp với thời đại, như: quyền bình đẳng hôn nhân (bao gồm của cả người đồng giới), hay quyền được cung cấp đầy đủ nước sạch, quyền được có nhà ở xứng đáng, điều chỉnh quy định về quốc tịch; Điều 68 trong dự thảo Hiến pháp cũng định nghĩa, hôn nhân là “sự tự nguyện gắn bó và liên kết giữa hai người” mà không cần xác định giới tính sinh học, khác với Hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận hôn nhân là sự kết hợp tự nguyện giữa nam giới và nữ giới. Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba cũng mở rộng quyền con người, với các vấn đề, như: Đảm bảo thủ tục tố tụng, “lệnh đình quyền giam giữ”, giả định vô tội và tái hòa nhập xã hội của các tù nhân5.

Về kinh tế, các nội dung được coi là có nhiều điểm mới quan trọng nhất trong dự thảo Hiến pháp mới liên quan tới hệ thống kinh tế, trong đó ngoài việc tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, còn công nhận vai trò của thị trường và quyền tư hữu. Sau 4 thập niên Cuba kiên định đi theo mô hình kinh tế tập trung, khi lên cầm quyền thay Chủ tịch Fidel Castro vào năm 2008, ông Raul Castro bắt đầu tiến hành các cải tổ nhằm kích thích doanh nghiệp tư nhân. Theo các số liệu chính thức, hiện nay khu vực tư nhân ở Cuba sử dụng gần 600.000 người, tức là 13% dân số nước này.

Hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận tài sản nhà nước, hợp tác xã, nông dân, tài sản cá nhân và liên doanh. Trong khi đó, Hiến pháp mới sẽ “công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân”. Sự công nhận này sẽ cho phép hợp thức hóa các xí nghiệp vừa và nhỏ. Dự thảo Hiến pháp cũng nhìn nhận “tầm quan trọng của đầu tư ngoại quốc đối với sự phát triển của đất nước”. Thực tế hiện nay, Cuba đã có cơ chế cho đầu tư nước ngoài với mục đích bổ sung cho đầu tư của nhà nước, thông qua các công ty liên doanh.

Tuy nhiên, dù công nhận thị trường và quyền tư hữu, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn tái khẳng định “bản chất xã hội chủ nghĩa” của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Cuba, vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản Cuba, “lực lượng lãnh đạo tối cao xã hội và nhà nước”. Trước khi Quốc hội Cuba thông qua dự thảo Hiến pháp mới, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã tuyên bố, “ở Cuba sẽ không có việc chuyển hướng sang tư bản”. Về phần mình,  Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo nói rằng, sự thay đổi trên “không đồng nghĩa với việc chúng tôi từ bỏ lý tưởng của mình”6.

Việc Cuba sửa đổi và đưa ra bản dự thảo Hiến pháp mới trong thời điểm hiện nay có thể nói là phù hợp với bối cảnh trong nước, cũng như tình hình quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến Cuba. Và cần khẳng định rằng, nó là kết quả của quá trình vận động, phát triển của chính sách của Cuba nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới. Có thể thấy, ngay từ Đại hội VI (2011), Cuba dưới thời Chủ tịch Raul Castro đã bắt đầu manh nha những chính sách kinh tế mới. Năm 2014, Cuba đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài trong lộ trình cải cách, mở cửa nền kinh tế. Đến Đại hội VII (2016), Đảng Cộng sản Cuba bên cạnh việc bảo vệ sự ưu tiên kế hoạch hóa tập trung và doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa so với thị trường, đã cho phép những “hình thái quản lý phi quốc doanh”, hay được hiểu rộng rãi là tư nhân được phép hoạt động trong giới hạn7.

Chính phủ Cuba đã cấp phép cho 580.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010. Tổng cộng, khu vực tư nhân hiện đang sử dụng 29% lực lượng lao động8. Năm 2017, kinh tế Cuba đạt tăng trưởng 1,6%9, bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cộng với những thiệt hại do cơn bão Irma gây ra và tình trạng hạn hán kéo dài. Du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dù chính quyền Mỹ D. Trump siết chặt các quy định về đi lại, nhưng trong năm 2017, ngành du lịch của Cuba vẫn đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2016). Chính phủ Cuba kỳ vọng số du khách nước ngoài đến thăm Cuba sẽ đạt mốc 5 triệu lượt du khách trong năm nay10.

Trong thời gian qua, ở Cuba đã có những chủ trương phù hợp và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế Cuba vẫn còn nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là lương thực và năng lượng. Với mô hình kinh tế phi thị trường, Cuba đang gặp khá nhiều rắc rối, bởi không sản xuất đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Ví dụ, trong nông nghiệp việc thiếu đất trồng cùng những nguồn khác, như: máy móc, phân bón, giống… khiến cho sản lượng vô cùng thấp. Mặt khác, quan hệ với Mỹ dưới chính quyền D.Trump bị trì trệ khiến Cuba tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực từ bên ngoài. Việc sửa đối Hiến pháp vẫn khẳng định, Cuba không từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, không phai nhạt lý tưởng như các luận điệu xuyên tạc. Các lãnh đạo Cuba đã tuyên bố, “chủ nghĩa xã hội là không thể thu hồi, Cuba sẽ không bao giờ xây dựng chủ nghĩa tư bản”11. Sự thay đổi của Hiến pháp đối với lĩnh vực kinh tế là rất quan trọng, Hiến pháp mới sẽ mở ra cơ hội để đất nước có thể thực hiện chính sách mới, giúp Cuba có thể thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Hiến pháp mới có nội dung mang lại sự thay đổi lớn nhất về chính trị, kinh tế và xã hội kể từ năm 1959 tới nay. Những quy định mới về kinh tế trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế nội địa, cũng như vực dậy năng lực sản xuất trong nước với các công ty vừa và nhỏ, đồng thời thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả. Có thể thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này của Cuba là một bước tiến mạnh mẽ, một chính sách cải cách cần thiết trong giai đoạn hiện nay; giảm thiểu sự cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu quả, tham nhũng của bộ máy nhà nước; đánh thức sự năng động của các doanh nghiệp kinh tế trong nước và tranh thủ nguồn lực bên ngoài là mô hình mà nhiều nước đã thành công.

Cuba hướng đến những thay đổi này là hợp lý, trước khi nền kinh tế mất đi động lực và đời sống nhân dân khó khăn. Sau khi bản dự thảo Hiến pháp được công bố, hầu hết người dân Cuba được hỏi đều trả lời rằng, họ không muốn hướng đến sự thay đổi và vẫn trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay mà Cuba đang thực hiện. Sự chấp nhận kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân không đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ nghĩa xã hội, mà là lựa chọn sáng suốt với tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là, Cuba vẫn đảm bảo sự lãnh đạo duy nhất, thống nhất của Đảng Cộng sản Cuba và đặc biệt là ý chí của nhân dân về mục tiêu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Sự thay đổi Hiến pháp của Cuba cũng được coi là phù hợp, có nét tương đồng với quá trình Đổi mới ở Việt Nam. Dựa trên một số mô hình cải cách tại các nước xã hội chủ nghĩa, để con đường phát triển của Cuba có thể tiếp tục đi đúng hướng và đảm bảo mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đứng vững trước sự can thiệp của Mỹ, Cuba trong thời kỳ này cần đảm bảo một số nguyên tắc, yêu cầu sau: Thứ nhất, kiên định sự cầm quyền duy nhất và toàn diện của Đảng Cộng sản. Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế, lấy kinh tế làm động lực phát triển, nhưng tránh chệch hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tránh lệ thuộc vào các tư bản thông qua vốn, công nghệ. Thứ ba, tiếp tục phát huy những ưu điểm về y tế - giáo dục - xã hội đã đạt được để làm nền tảng xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này. Thứ tư, luôn cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Thứ năm, cần mở rộng quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tồn tại cùng phát triển, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; đặc biệt duy trì quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước xã hội chủ nghĩa.

Đây là bước đi thể hiện sự thay đổi rõ ràng và quyết liệt nhất của Cuba từ năm 1959 đến nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bao vây cấm vận và chính sách thù địch của Mỹ, song trong thời gian tới, với sự thận trọng của thế hệ lãnh đạo mới, cùng sự đồng lòng của nhân dân, Cuba sẽ từng bước cải thiện bức tranh kinh tế, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà không làm mất đi mục tiêu xã hội chủ nghĩa ban đầu. Tuy nhiên, đây là quá trình lâu dài, khó khăn, nhiều thách thức, đồng thời nhạy cảm và dễ sai sót, nên đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm lớn của Đảng và nhân dân Cuba. Có thể nói rằng, đây là bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng với Cuba, trong đó sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, có ý nghĩa tinh thần đặc biệt quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Cát, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đoàn Thị Mai Liên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1.       https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-bao-van-menh-cuba-sau-khi-chu-tich-raul-nghi-ong-canel-len-thay-753250.vov.

2.       Theo Thông tấn xã Việt Nam.

3.       Theo Thông tấn xã Việt Nam.

4.       http://en.granma.cu/cuba/2018-08-02/a-new-constitution-with-transformational-purpose, 2/8/2018.

5.       https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuba-thong-qua-du-thao-hien-phap-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-3781665.html.

6.       https://www.reuters.com/article/us-cuba-assembly/cuba-aims-to-build-socialism-not-communism-in-draft-constitution-idUSKBN1KB0ML, 21-7-2018.

7.       7th PCC Congress Central Report, presented by First Secretary Raúl Castro Ruz, http://en.cubadebate.cu/news/, 18/4/2016.

8.       Can Cuba’s Miguel Diaz Canel complete Raul Castro’s economic revolution?, http://www.newsweek.com, 3/5/2018.

9.       Ten Challenges for a New Cuban President, https://www.havanatimes.org, 16/4/2018.

10.     U.S. visits to Cuba plunge following Trump measures, https://www.reuters.com, 25/4/2018.

11.     https://www.nytimes.com/2018/07/22/world/americas/cuba-constitution.html, 22/7/2018.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều