Chính sách phát triển khoa học - công nghệ của các cường quốc trên thế giới

(Mặt trận) - Khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt, đối với các cường quốc trên thế giới thì yếu tố này lại càng có giá trị to lớn trong việc duy trì và củng cố vị trí của các quốc gia này trên thế giới.

Nhật Bản luôn là quốc gia đi đầu trong phát triển khoa học - công nghệ (Ảnh: Miraikan)

Một trong những cường quốc phát triển khoa học - công nghệ hàng đầu đó là Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng chi cho khoa học và công nghệ lên 900 tỷ yên trong 3 năm tới. Thời gian qua, đầu tư của Nhật Bản vào nghiên cứu và phát triển đã bị đình trệ, nhưng chiến lược tăng trưởng của Chính phủ nước này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về mặt kinh tế của sự đổi mới. Đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng GDP lên 600 nghìn tỷ yên, và tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên 4,4 nghìn tỷ yên so với 3,5 nghìn tỷ yên năm 2017.

Chiến lược được Chính phủ Nhật Bản đưa ra là Chương trình mở rộng chiến lược đầu tư và phát triển công - tư (PRISM) nhằm hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa công nghiệp và nghiên cứu tại các khu vực phát triển khoa học - công nghệ đã được thiết lập. Các nhà hoạch định chính sách mong đợi những nhu cầu cao hơn từ người dân, bao gồm trí thông minh nhân tạo, robot và quang học lượng tử. PRISM là một phần trong nỗ lực gần đây của Chính phủ Nhật Bản nhằm thiết lập một xã hội siêu thông minh - nơi mà không gian mạng được tích hợp trong thế giới thực.

Chính phủ Nhật Bản được hy vọng sẽ dành cho PRISM 200 tỷ yên trong năm 2018. Chương trình này sẽ do Hội đồng khoa học, công nghệ và đổi mới - cơ quan hàng đầu về chính sách khoa học - công nghệ của Chính phủ Nhật Bản quản lý.

Các doanh nghiệp lớn có thể sẽ là những thành viên tham gia chính trong PRISM, mặc dù các công ty vừa và nhỏ chiếm 99,7% số doanh nghiệp của Nhật Bản. Toyota cho biết, so với các cường quốc khác, các công ty nhỏ của Nhật Bản ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Nếu Chính phủ thực sự quyết tâm tạo ra sự đổi mới, điều này sẽ khuyến khích các công ty nhỏ đầu tư hơn vào phát triển khoa học - công nghệ.

Nội dung của chiến lược phát triển toàn diện về khoa học, công nghệ và đổi mới đã được phản ánh trong các chính sách cơ bản và chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản, đảm bảo ngân sách cần thiết để thực hiện các mục tiêu đầu tư đã được thảo luận trong kế hoạch cơ bản và đẩy mạnh chính sách đổi mới khoa học và công nghệ của Nhật Bản.

Các sáng kiến sử dụng trí thông minh nhân tạo sẽ là chìa khóa để thực hiện các chiến lược phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới của Nhật Bản.

Công nghệ của Hoa Kỳ có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới (Ảnh: Batscience)

Hoa Kỳ có một loại tài sản đã được cả thế giới công nhận đó là những chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới dựa trên cơ sở giáo dục và nghiên cứu trình độ cao. Hoa Kỳ có hệ thống đánh giá đồng đẳng được sử dụng bởi Viện Y tế Quốc gia (NIH), Quỹ khoa học Quốc gia (NSF) và các tổ chức khác với những tiêu chuẩn cao trong công nhận và cấp kinh phí cho các chương trình nghiên cứu chất lượng cao. Bên cạnh đó, các trường đại học của Hoa Kỳ thu hút gần 1 triệu sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tập trung trong các ngành học chính là kỹ thuật và kinh doanh, tiếp sau là toán học và khoa học máy tính. Trên thực tế, các công nghệ do các nhà đổi mới Hoa Kỳ tạo ra đã có tác dụng mạnh mẽ đến nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới.

Trong khi các quốc gia khác đã tăng tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội dành cho nghiên cứu và phát triển thì Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí đứng đầu. Khi đầu tư kết hợp với sự đổi mới về giáo dục và văn hóa, Hoa Kỳ vẫn luôn giữ được tiềm năng để phát triển và áp dụng khoa học - công nghệ cho nhu cầu tăng trưởng của quốc gia và sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.

Nhiều quốc gia, vùng lành thổ nhận hỗ trợ từ Hoa Kỳ trong phát triển khoa học - công nghệ như Brazil trong lĩnh vực nông nghiệp; Đài Loan, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ và Ấn Độ trong kỹ thuật phần mềm đều có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Chính phủ Hoa Kỳ luôn ủng hộ và nhận được những lợi ích to lớn từ những tiến bộ của khoa học - công nghệ và đổi mới từ cả khu vực công và tư. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có thể tìm ra và hỗ trợ phát triển các tiềm năng khoa học - công nghệ của các chính phủ khác. Ngoài USAID, những cơ quan khác của Hoa Kỳ như Nhà trắng, Bộ Ngoại giao và Quốc hội đều có vai trò trong việc thiết lập các ưu tiên và cung cấp những định hướng cho quá trình phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới của Hoa Kỳ.

Cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã khai thác được vai trò lãnh đạo của Nhà trắng để đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc tế. Năm 2009, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã ký một chỉ thị về Chính sách của Tổng thống về Phát triển Toàn cầu, và ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển quốc tế trong thế kỷ 21.

Đức luôn dẫn đầu thế giới về đổi mới (Ảnh:Valeo)

Rất ít quốc gia có đóng góp nhiều cho khoa học và công nghệ như Đức, từ vật lý, hóa học đến xe hơi và sản phẩm tiêu dùng. Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới và luôn tự hào bởi hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu cùng với ngành công nghiệp kỹ thuật, công nghệ thông tin và sản xuất chất lượng cao. Một loạt các dự án do EU tài trợ, điều phối bởi các công ty, trường đại học và viện nghiên cứu của Đức.

Đức có một nền kinh tế dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa với một loạt các công ty có vị trí khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong sản xuất máy móc và thiết bị vận tải. Tăng trưởng kinh tế của đất nước phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong năm 2009.

Đức phát triển chiến lược công nghệ cao (HTS), đây chính là tiềm năng thị trường trong lĩnh vực công nghệ. Từ những năm 2010, HTS đã tập trung đặc biệt vào nhu cầu của xã hội để phát triển và thực hiện cách tiếp cận các chính sách tương lai. Đến năm 2014, HTS tập trung vào các ngành công nghiệp, nghiên cứu và một số lĩnh vực mới như kinh tế kỹ thuật số, xã hội, một nền kinh tế và hệ thống năng lượng bền vững, nơi làm việc sáng tạo và an ninh dân sự.

Các công cụ được đổi mới nhằm tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và tăng cường sự tham gia tích cực của xã hội vào việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới. Theo đó, có xu hướng tăng trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Đức. Năm 2014, Chính phủ Đức đã chi 2,9% GDP vào nghiên cứu và phát triển, tăng từ 2,73% năm 2009. Dự kiến con số này sẽ đạt 3% GDP vào năm 2020. Trong giai đoạn hiện nay, khoảng 3 tỷ EUR đang được chi cho nghiên cứu và phát triển của Đức.

Trung Quốc xây dựng nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trọng điểm (Ảnh: Komarjohari)

Chính sách khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã phát triển qua 4 giai đoạn kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Trong giai đoạn đầu đến năm 1959, công nghệ đã hỗ trợ việc xây dựng nền công nghiệp nặng. Giai đoạn 2 từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1976 khi mà nền kinh tế trì trệ. Và giai đoạn ba được tính tới năm 2001, đánh dấu bằng những cải cách của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở nghiên cứu độc lập và chuyển dần sang nghiên cứu định hướng thị trường, nghiên cứu sản phẩm. Giai đoạn thứ tư từ năm 2002 đến nay, các chính sách của Trung Quốc ngày càng ủng hộ công nghiệp hóa công nghệ cao cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp xanh còn non trẻ.

Các nhà hoạch định chính sách công nghệ của Trung Quốc đã thúc đẩy một nền kinh tế theo hướng đổi mới. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc là cơ quan hoạch định và điều phối các chính sách đồng thời tài trợ cho các dự án phát triển công nghệ quan trọng nhất.

Những chương trình nghiên cứu và phát triển trọng điểm của Trung Quốc có thể kể đến như: Chương trình 863 tập trung vào các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các công nghệ thị trường; Chương trình Torch nhằm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao; Chương trình 973 tài trợ các dự án đa ngành trong công nghệ tiên tiến; Chương trình Spark thúc đẩy phát triển và sử dụng công nghệ ở nông thôn.

Các khu khoa học và công nghiệp là những địa điểm quan trọng cho nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Hiện nay, có đến 54 địa điểm như vậy ở Trung Quốc, chủ yếu nằm ở các thành phố lớn hoặc thủ phủ của các tỉnh. Các công ty hoạt động trong các khu vực này tạo ra hoặc áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao, dành ít nhất 3% tổng doanh thu cho nghiên cứu và phát triển và sử dụng ít nhất 30% công nhân có bằng cấp đại học. Ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu trong các khu khoa học - công nghệ này.

Các chương trình nghiên cứu, khám phá không gian đã trở thành một trong những thành tựu gần đây nhất của Trung Quốc. Xây dựng một cách vững chắc từ những kinh nghiệm của mình về công nghệ tên lửa dân sự và quân sự, Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa không người lái với kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng một trạm không gian và thám hiểm Mặt trăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh công nghệ xanh do những lo ngại sự phụ thuộc vào dầu mỏ và sự suy thoái môi trường nghiêm trọng đang diễn ra ở quốc gia này.

Hồng Nhung - Đình Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều