Cuba và hệ thống phúc lợi xã hội thuộc top đầu thế giới

(Mặt trận) - Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nhưng người dân Cuba luôn được hưởng chế độ phúc lợi xã hội vào loại tốt so với thế giới, như miễn phí y tế và giáo dục, bao cấp lương thực và chỗ ở. Trong năm 2017, Chính phủ Cuba đã chi 51% ngân sách quốc gia cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội của quốc gia này.

Người dân Cuba được chăm sóc y tế rất tốt (Ảnh: Havanatimes)

Nhìn lại lịch sử, từ sau khi cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Batista năm 1959 thành công, lãnh tụ Fidel Castro đã đưa đất nước Cuba bước vào một kỷ nguyên mới. Trong suốt 5 thập kỷ lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Fidel Castro luôn quan tâm tới phúc lợi xã hội của người dân. Một trong những thành tựu mà Cuba đã đạt được đó là một hệ thống chăm sóc sức khỏe xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới, trên cả những quốc gia giàu có như New Zealand và Hàn Quốc. Kể từ năm 1961, Cuba có tới gần 250 bệnh viện công, với tỉ lệ 1 bác sĩ/155 người dân. Tất cả người dân Cuba đều được điều trị miễn phí tại bệnh viện. Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở quốc gia này thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Chương trình chăm sóc sức khỏe của Cuba quan tâm đến tất cả các mặt từ việc tiêm chủng hàng loạt và các chính sách y tế công về vệ sinh và nước sạch cho đến việc thành lập bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Cuba đã có những nỗ lực rất lớn để mang lại hệ thống chăm sóc sức khỏe cho khu vực nông thôn, nơi mà 3/4 dân số đang sinh sống. Tất cả những chương trình này được xây dựng trong khoảng 20 năm.

Vào đầu những năm 1980, Cuba đã có một mạng lưới rộng lớn các phòng khám đa khoa, chăm sóc sức khỏe cơ bản trên toàn quốc. Mỗi phòng khám đa khoa này có thể điều trị lên đến 30.000 bệnh nhân và cung cấp các dịch vụ trải rộng như nha khoa, phụ khoa và tâm lý học. Những minh chứng này cho thấy những chính sách đầu tư phát triển hệ thống y tế và chú trọng việc chăm sóc sức khỏe người dân của Chính phủ Cuba có hiệu quả cao.

Trẻ em Cuba được uống vắc xin đầy đủ (Ảnh: Granma)

Trong những năm 1980, do vấn đề thiếu cán bộ y tế nảy sinh, Chính phủ Cuba đã khởi động một làn sóng phát triển mới tập trung vào việc đào tạo các bác sĩ gia đình. Những bác sĩ này được cử đến các địa phương và theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân trong suốt cuộc đời của họ. Mô hình bác sĩ gia đình của Cuba đang được Việt Nam học tập với quy mô khoảng 2000 dân sẽ có 1 phòng khám bác sĩ gia đình.

Chính phủ Cuba đã rất nỗ lực trong việc phổ cập giáo dục công cộng, nhà ở và dinh dưỡng - những khoản đầu tư có tầm quan trọng không kém với đầu tư vào thuốc men hay bác sĩ. Năm 1990, khi đất nước bị dịch sốt xuất huyết, Chính phủ tiến hành điều trị và cách ly các bệnh nhân, đồng thời làm sạch những nơi có muỗi và dịch bệnh bùng phát.

Cuba hiện vẫn là quốc gia có nền kinh tế nghèo nàn, nhưng người dân lại có tuổi thọ không thua kém so với các quốc gia giàu có trên thế giới. Điều này đã được các nhà nghiên cứu gọi là “nghịch lý của hệ thống y tế Cuba”. Một nguyên nhân có thể lí giải cho nghịch lý này đó chính là việc bị cô lập. Trong gần 50 năm bị cấm vận, Cuba không bị chảy máu chất xám so với các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế ngang bằng Cuba, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế đã rời khỏi đất nước để đến sống và làm việc cho các quốc gia phát triển hơn.

Không chỉ tuổi thọ dân cư cao, Cuba còn có những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại Cuba cực kỳ thấp, điều hiếm thấy ở Mỹ Latin. Đối với một quốc gia còn nghèo như Cuba, họ đang làm rất tốt việc gìn giữ cho giống nòi của mình khỏe mạnh. Suốt nhiều thập kỷ đặt dưới sự trừng phạt kinh tế nhưng chính sách ưu tiên công nghệ sinh học và nghiên cứu y học, đặc biệt là lĩnh vực phòng ngừa và miễn dịch, được cả hai nhà lãnh đạo Fidel và Raul Castro duy trì thực hiện. Một cú hích lớn xảy ra năm 1981, khi một dịch sốt xuất huyết trên diện rộng xảy ra ở Cuba, ảnh hưởng đến gần 350.000 người. Chính phủ của họ đã thành lập hẳn một Mặt trận sinh học, liên kết nghiên cứu của nhiều cơ quan khác nhau hướng tới những mục tiêu cụ thể.

Thành tựu đầu tiên của Cuba là sản xuất thành công một protein mang tên interferon, đóng vai trò quan trọng vào hệ thống miễn dịch của con người. Kể từ đó, ngành miễn dịch học của Cuba gây được một tiếng vang lớn. Các nhà khoa học Cuba liên tục thực hiện được nhiều đột phá, bao gồm từ những vắc xin nội địa cho bệnh viêm màng não, viêm gan B cho đến kháng thể sử dụng trong ghép thận và giờ là vắc xin ung thư phổi.

100% trẻ em Cuba đều được đến trường (Ảnh: Telesuftv)

Bên cạnh y tế, giáo dục là lĩnh vực rất được quan tâm tại Cuba. Trước cách mạng, hơn một nửa số trẻ em Cuba không được đi học và hơn 1 triệu người bị mù chữ. Do đó, ngay sau khi cách mạng thành công, Chính phủ Cuba đã bắt tay vào cuộc chiến xóa nạn mù chữ trên toàn quốc. Với khẩu hiệu “Nếu bạn biết, hãy dạy; nếu bạn không biết, hãy học tập”, gần 300.000 học sinh và người lớn đã tình nguyện đến các vùng nông thôn để dạy học cho những người dân nghèo. Nhờ vậy, chỉ trong khoảng 3 năm, tỷ lệ dân số biết chữ ở Cuba đã đạt 97%.

Giáo dục hoàn toàn miễn phí và 100% trẻ em Cuba đến tuổi đi học đều được đến trường. Mỗi trẻ em sinh ra ở Cuba, khi lên năm tuổi, đều có quyền bắt đầu những năm tháng đi học hoàn toàn miễn phí. Học xong mẫu giáo, các em sẽ được chuyển sang học tại một trường tiểu học. Phổ cập giáo dục áp dụng với mọi trẻ em từ sáu tuổi tới hết cấp hai căn bản (thường là 15 tuổi). Giáo dục, gồm cả giáo dục đại học đều miễn phí với mọi công dân Cuba, không phân biệt giàu nghèo hay thành phần xã hội. Ngày nay, chế độ giáo dục bắt buộc ở Cuba là từ mẫu giáo đến lớp 9. Sau đó, học sinh có thể chọn trường để học tiếp hoặc đi làm. Những học sinh tốt nghiệp các trường dự bị đại học sẽ được theo học đại học miễn phí. Ở nhiều vùng nông thôn, học sinh được học các trường nội trú. Tại các trường này, ngoài giờ học, học sinh còn tham gia lao động nông nghiệp hoặc làm các công việc khác. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Cuba tiếp tục điều hành Chương trình giáo dục từ xa, mở các lớp buổi chiều và buổi tối tại các vùng nông thôn. Nhờ vậy, đến nay, quốc đảo này vẫn có tỷ lệ người biết chữ cao nhất Mỹ Latinh. Hơn 1 triệu người Cuba đạt trình độ đại học và trên đại học. Cuba đứng số 1 thế giới về tỷ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục, chiếm tới 13% GDP. Với số lượng đi kèm với chất lượng đào tạo hiện nay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xếp Cuba là nước có hệ thống giáo dục tốt nhất khu vực Mỹ Latin, bất chấp việc Cuba là một trong những quốc gia kém phát triển nhất khu vực.

Cuba đang hướng tới một giai đoạn đổi mới mạnh hơn (Ảnh: Cubajournal)

Trong năm 2017, hơn 10,7 tỷ peso được đầu tư cho các chương trình hỗ trợ y tế và xã hội, cùng 8,1 tỷ peso được đầu tư cho giáo dục ở Cuba. Ngân sách chủ yếu từ nguồn thuế của các công ty nhà nước, chiếm 74%, đóng góp của khu vực tư nhân đã tăng lên 11%.

Lương hưu theo bảo hiểm xã hội của Cuba chủ yếu được tài trợ bởi các doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ, cùng với sự đóng góp tương đối nhỏ từ những người được hưởng bảo hiểm. Việc hỗ trợ xã hội cho nhóm người dễ bị tổn thương mà không có bảo hiểm đều được Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, Cuba không hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ nước này xúc tiến việc tạo ra nhiều việc làm ngoài Nhà nước và trả một khoản tiền cho các nhân viên Nhà nước đã nghỉ việc do tinh giản biên chế.

Liên hợp quốc khẳng định, Cuba là một trong những nước đi đầu và thành công trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời là một trong những quốc gia đảm bảo cao nhất việc tăng cường dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Cuba là nước đã hoàn thành các mục tiêu của thiên niên kỷ giai đoạn 2000-2015 về xóa đói và các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015-2030 về xóa bỏ hoàn toàn nạn đói.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều