Dự báo Thế giới năm 2022: Liệu đại dịch Covid-19 có kết thúc?

(Mặt trận) - Nếu Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu với mức độ nguy hiểm tương đối thấp, khi đó, người dân ở mọi nơi trên thế giới tập sống chung an toàn với dịch bệnh, thì giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể sẽ kết thúc, Covid-19 sẽ không còn “thống trị” cuộc sống của chúng ta.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, năm 2022 có thể là năm kết thúc của đại dịch Covid-19, bởi hai năm qua chúng ta đã biết rất rõ về virus và chúng ta đã có những công cụ để kiểm soát dịch.

Cách đây 2 năm khi mọi người trên thế giới tụ tập để chào đón năm mới, đó cũng là khi mối đe dọa toàn cầu mới đã xuất hiện. Kể từ đó, đã có 5,44 triệu ca tử vong (tính đến cuối tháng 12/2021), nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ngoài ra, còn có hàng triệu người phải đối phó với những hậu quả lâu dài do đại dịch gây ra.

Hiện tại, biến chủng Delta và Omicron vẫn đang lây lan rộng, dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến. WHO lo ngại rằng biến chủng Omicron phát hiện vào tháng 11/2021 dễ lây hơn Delta, có thể dẫn đến “một cơn sóng thần”.

Vào đầu năm 2021, tại một cuộc họp giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới G7 và G20, WHO đã đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo cần hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho 40% dân số trong năm 2021 và 70% dân số đến giữa năm 2022. Tính đến cuối năm 2021, 92 trong số 194 quốc gia thành viên đã không đạt được mục tiêu này. Vẫn tồn tại sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin ở các quốc gia kém phát triển. Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng việc các nước phát triển cho người dân tiêm tăng cường mũi tiêm thứ 3 và thứ 4 có thể khiến các nước thu nhập thấp một lần nữa thiếu hụt nguồn vắc xin. Với mục tiêu phủ vắcxin trên 70% dân số thế giới vào đầu tháng 7/2022, WHO đang kêu tất cả các quốc gia trên thế giới đoàn kết và chia sẻ.

Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, các biến thể mới có thể kháng hoàn toàn vắc xin hiện tại, do đó, cần có những “bản cập nhật” vắcxin mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn cung mới.

Khi mà các bằng chứng cho tới nay cho thấy, biến chủng Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần trong các mô nằm ở đường thở, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi lây lan từ người sang người. Nhưng trong các mô phổi, Omicron sao chép chậm hơn 10 lần so với phiên bản gốc của virus Corona, điều này có thể góp phần làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy sự kết hợp các đặc điểm của biến thể này sẽ dẫn đến việc Omicron thay thế Delta như một biến thể thống trị trong vài tháng tới.

Tình huống cơ bản này có khả năng gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia. Kịch bản lạc quan cho thấy mức độ nghiêm trọng nhất của dịch bệnh sẽ chỉ gần với mức đã xảy ra trong 6 tháng vừa qua. Trong khi đó, nhìn một cách bi quan sẽ thấy rằng gánh nặng bệnh tật do biến chủng mới sẽ nặng nề hơn 6 tháng qua.

Theo bất cứ kịch bản nào thì tương lai của đại dịch Covid-19 phần lớn phụ thuộc vào cách mà xã hội ứng phó với nó. Ba đòn bẩy có khả năng đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó đại dịch bao gồm: mở rộng quy mô cung cấp các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir - một loại thuốc dạng viên nang, có tác dụng ức chế sự sao chép của virus SARS-CoV-2 trong tế bào con người. Nói cách khác, Molnupiravir khiến bộ máy tái tạo chất liệu di truyền của virus buộc phải tạo ra thật nhiều lỗi sai để virus không thể nhân lên.

Đòn bẩy tiếp theo đó là mũi tiêm tăng cường, có tác dụng đặc biệt quan trọng để bảo vệ cơ thể con người chống lại biến thể Omicron, do đó, tất cả các quốc gia cần đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân. Điều đó nghĩa là chúng ta sẽ phải tiếp tục tiêm chủng trong tương lai. Không rõ liệu vắc xin trong tương lai có giống với vắc xin hiện tại không hay sẽ được điều chỉnh để có thể chống lại các biến thể mới. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu một loại vắc xin chống lại tất cả các chủng Coronavirus cũng như các biến thể SARS-CoV-2. Một số chuyên gia cho rằng, vắc xin Covid-19 có thể cần tiêm hàng năm, tương tự như tiêm phòng cúm. Nếu các biến thể mới liên tục xuất hiện, mũi tiêm tăng cường hàng năm có thể được điều chỉnh để chống lại bất kỳ biến thể nào đang thống trị vào thời điểm đó.

Đòn bẩy thứ ba được đúc kết từ những bài học kinh nghiệm phòng và chống đại dịch Covid-19 của các quốc gia trong 2 năm qua, do đó, cần tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa các biện pháp y tế công cộng.

Khi “sống chung” với Covid-19, đòi hỏi chúng ta thay đổi tư duy, chúng ta không thể hy vọng virus hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, mọi người cần cố gắng để giảm thiểu hậu quả về mặt sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra để tiếp tục cuộc sống sau đại dịch. Rủi ro do Covid-19 gây ra có thấp đến mức mà con người không cần phải xem xét nhiều về nó trong việc ra các quyết định quan trọng. Nó sẽ không còn là vấn đề nghiêm trọng khi bạn ra quyết định làm việc tại văn phòng, đi xem bóng đá tại sân vận động, hay đi xem phim tại rạp chiếu phim.

Và trong những thời điểm mùa đông, dịch bệnh có thể bùng phát thì một số biện pháp phòng ngừa vốn được áp dụng sẽ tiếp tục được phổ biến như đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trong nhà khi bị cúm, thường xuyên rửa tay cũng như duy trì các phương pháp điều trị từ xa. Bạn có thể làm việc tại nhà khi có triệu chứng bệnh hoặc nghỉ ốm nếu bạn cần nghỉ ngơi. Việc xét nghiệm nhanh miễn phí sẽ được nhân rộng trên toàn cầu.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, trẻ em từ 5-11 tuổi cuối cùng cũng đủ điều kiện để tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu để xác định chính xác liều lượng thích hợp cho từng lứa tuổi. Đây là một quyết định rất quan trọng bởi liều lượng quá cao có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, trong khi liều lượng quá thấp sẽ không đủ khả năng bảo vệ trẻ một cách hiệu quả.

Nhiều nhà khoa học nhận định rằng sự xuất hiện của các biến thể mới không có gì đặc biệt đáng ngạc nhiên và sẽ không ảnh hưởng đến khả năng chuyển đại dịch cấp tính hiện tại sang dạng bệnh đặc hữu.

Đối với một bệnh truyền nhiễm được xếp vào giai đoạn đặc hữu, tỷ lệ lây nhiễm ít nhiều sẽ ổn định qua các năm, thay vì xuất hiện những đợt đột biến lớn. Điều này có nghĩa là trung bình một người nhiễm bệnh sẽ có thể lây nhiễm cho một người khác.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu Omicron có thực sự đẩy nhanh con đường chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu bằng việc lây nhiễm nhanh và rộng đến mức con người tự phát triển một lớp miễn dịch tự nhiên?

Tính đặc hữu không chỉ nằm ở việc giảm sự sản sinh virus mà còn ở những yếu tố tác động khác như tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Hệ thống chăm sóc sức khỏe liệu có bị quá tải đến mức thiếu hụt nhân sự hay không? Có những phương pháp điều trị nào nhằm giảm số người bị bệnh nặng hay không?

Nói chung, đại dịch sẽ chuyển sang giai đoạn đặc hữu khi các chuyên gia y tế, các Chính phủ và người dân cùng quyết định rằng chúng ta đồng ý với việc chấp nhận mức độ ảnh hưởng của virus - nói cách khác, nó không còn khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng như nó đã từng.

Với việc biến chủng Omicron đang tăng mạnh, nhiều Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn, rõ ràng rằng chúng ta vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng. Ngay cả khi, bằng chứng thực tế là biến chủng Omicron có xu hướng dẫn đến bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đây thì sự gia tăng nhanh số lượng người nhiễm bệnh vẫn có thể dẫn đến sự gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. Điều đó có thể gây căng thẳng thêm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải ở nhiều quốc gia.

“Sống chung” với Covid-19 vào năm 2022 có thể sẽ đồng nghĩa với việc đánh giá rủi ro tại chỗ và bảo vệ bản thân thông qua tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Thế giới sẽ có thể không còn phải duy trì trạng thái đại dịch, nhưng sẽ có những trạng thái khác nhau cho những khu vực khác nhau và cho những người khác nhau. Và đó sẽ là cách thế giới diễn ra trong tương lai.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều