Giải quyết vấn đề người di cư: Ngăn chặn sự hỗn loạn và nỗi thống khổ

Đó là tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres khi thúc đẩy các nước thành viên thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên (GCM) cùng Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR) trong trung tuần tháng 12 này. Đây là nỗ lực đa phương mới nhất tìm hướng đi cho vấn đề nan giải này. Tuy nhiên, quá trình để đi đến hai hiệp ước này cũng như quá trình triển khai hứa hẹn không ít khó khăn.

Hai văn kiện quan trọng

Chỉ trong vòng một tuần, các nước thành viên LHQ đã lần lượt thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên (GCM) ngày 10/12 và Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR) ngày 17/12.

Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, GCM đặt ra 23 mục tiêu bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số thế giới. Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà. Văn kiện này ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi. Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.

 Dòng người tị nạn Syria tràn vào Hy Lạp năm 2016

Trong khi đó, GCR được hy vọng sẽ tạo ra nguồn hỗ trợ vững chắc hơn cho các quốc gia tiếp nhận người di cư; thúc đẩy sẻ chia trách nhiệm để giúp đỡ những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và ngược đãi. Hiệp ước cũng giúp giảm gánh nặng với các quốc gia đang phát triển hiện đang tiếp nhận khoảng 90% số người di cư, thông qua các chương trình tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ cho người di cư cũng như các cộng đồng đón nhận người di cư.

Cũng giống như GCM, Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thay vào đó hướng tới thiết lập một khuôn khổ thực hiện với các giải pháp quy mô quốc gia và khu vực, thảo luận vấn đề tài chính và các mối quan hệ đối tác tiềm tàng cũng như việc chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các quốc gia. Ngoài ra, hiệp ước còn xây dựng các hệ thống giám sát tiến trình, trong đó có việc tổ chức Diễn đàn người tị nạn toàn cầu cấp bộ trưởng 4 năm một lần.

Phát biểu về việc thông qua những văn kiện quan trọng này, Tổng Thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh, Hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn “sự hỗn loạn và nỗi thống khổ”; là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ.

Thách thức từ phong trào cực đoan

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thông qua cũng như quá trình thực thi các hiệp ước này gặp không ít khó khăn. Các cuộc đàm phán kéo dài suốt 18 tháng về GCR đã vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp. Năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi việc soạn thảo hiệp ước này với lý do văn kiện bao gồm những điều khoản đi ngược lại với chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau khi đạt được sự nhất trí vào tháng 7, một làn sóng phản đối hiệp ước đã bùng lên tại nhiều quốc gia châu Âu. Một loạt nước thành viên EU gồm Ba Lan, Hungary, CH Séc, Slovakia, Croatia, Slovenia, Bulgaria và không phải EU như Thụy Sĩ, Australia, Chile... đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước.

Trong khi đó, nhiều cuộc tranh cãi cũng đang nổ ra ở một số quốc gia khác. Ở Pháp, GCM đã trở thành đối tượng tấn công của các phong trào cực đoan. Một số thành viên của phong trào “Áo vàng” cáo buộc việc tham gia hiệp ước này là cách để Paris “từ bỏ” chủ quyền và đây cũng là một trong những yếu tố để kích động làn sóng biểu tình phản đối chính phủ và Tổng thống Macron những ngày qua. Tại Bỉ, chủ đề này đã kéo theo một cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng. Liên minh cầm quyền ở nước này bất đồng sâu sắc xung quanh hiệp ước, dẫn tới việc Thủ tướng Bỉ hôm 18.12 đã phải từ chức sau khi một loạt bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Flander mới (N-VA) rút khỏi liên minh cầm quyền. Mâu thuẫn trong vấn đề này cũng là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Laják từ chức.

Các quốc gia phản đối hiệp ước này đưa ra nhiều lý do, song nhìn chung các ý kiến cho rằng, hiệp ước GCR chưa bảo đảm quyền tự quyết của mỗi quốc gia cho phép ai ở lại trong lãnh thổ của nước mình, cũng như việc phân biệt giữa người di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Bên cạnh đó, một số điều khoản của hiệp ước được xem là mơ hồ và không khả thi, chưa giải quyết được vấn đề liên quan tới di cư tự nguyện và bắt buộc...

Trên thực tế, giải quyết vấn đề di cư là chuyện không đơn giản, nhất là khi giải quyết ở cấp độ quốc tế. Bởi vậy, việc 150 nước thành viên LHQ thông qua Hiệp ước GCR và GCM đã được xem là biểu tượng chiến thắng của chủ nghĩa đa phương, là để các nước cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều