Giáo dục hòa nhập - cơ hội đến trường cho trẻ em khuyết tật

(Mặt trận) - Trên thế giới hiện có khoảng 93 triệu trẻ em bị khuyết tật. Giống như tất cả trẻ em khác, chúng cần một môi trường giáo dục chất lượng để phát triển các kỹ năng và thực hiện những ước mơ của mình. Trẻ khuyết tật cũng có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội và giáo dục hòa nhập chính là chìa khóa để mở ra những tiềm năng đó.

Giáo dục hòa nhập tạo cơ hội đến trường cho trẻ em khuyết tật (Ảnh: Open Society Foundation)

Theo báo cáo về người khuyết tật toàn cầu, 80% trẻ em khuyết tật đang sống ở các quốc gia đang phát triển. Trẻ khuyết tật thường bị phân biệt đối xử, đặc biệt các trẻ em gái phải đối mặt với bất lợi kép vì khuyết tật và giới tính.

Đối với trẻ em khuyết tật, thiếu giáo dục cũng là một nguyên nhân dẫn đến nghèo đói. Nếu chúng ta cướp đi quyền được giáo dục có chất lượng của trẻ em khuyết tật, chúng sẽ lỡ mất những cơ hội để phát triển trở thành những người có thể tham gia vào lực lượng lao động và tạo ra năng suất. Hệ thống giáo dục hòa nhập cung cấp cho trẻ em những cơ hội bình đẳng để đến trường và học tập, giúp trẻ nhận ra chúng có quyền được học hành và phát huy những tiềm năng của bản thân.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mong muốn đem lại những cơ hội học tập thực sự trong hệ thống trường học thông thường cho nhóm trẻ em thường bị loại trừ như trẻ em khuyết tật, trẻ em nói ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Nếu tách biệt nhóm trẻ em này vào những trường học đặc biệt thì chúng sẽ mất đi cơ hội học tập công bằng đồng thời trở nên xa cách với xã hội. Để đảm bảo giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, UNICEF đưa ra những bước cần thiết bao gồm: Xây dựng hoặc bổ sung các trường học để loại bỏ rào cản vật chất, truyền thông và thông tin; đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có thể tiếp cận tất cả các chương trình học và các nguồn lực giáo dục; tập huấn cho giáo viên để thúc đẩy môi trường giáo dục hòa nhập; thu thập dữ liệu về các vấn đề thể chất của từng trẻ khuyết tật để ghi nhận sự tiến bộ của trẻ và Hỗ trợ Bộ Giáo dục các nước chịu trách nhiệm về việc đưa trẻ khuyết tật vào các trường học thông thường để đạt được các mục tiêu giáo dục phổ cập.

 

Giáo dục hòa nhập là quyền lợi của mọi trẻ em (Ảnh: WVI)

Cuộc hành trình hướng tới giáo dục hòa nhập có thể dài và nhiều thách thức nhưng đích đến sẽ là một cộng đồng trường học bảo vệ lợi ích của mọi trẻ em. Giáo dục hòa nhập không đơn giản chỉ là việc xếp lớp cho các học sinh khuyết tật vào các lớp học giáo dục tổng quát. Quá trình này phải là sự kết hợp giữa những thay đổi cơ bản trong cộng đồng trường học và việc giải quyết các nhu cầu cá nhân của mỗi đứa trẻ. Do đó, mô hình giáo dục hòa nhập hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh khuyết tật mà còn tạo ra môi trường trong đó mọi học sinh đều có cơ hội phát triển bình đẳng.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của giáo dục hòa nhập là mỗi học sinh đều có những đặc điểm riêng, các trường học hòa nhập cần coi trọng việc tạo cơ hội cho các học sinh học hỏi và được đánh giá bằng nhiều cách khác nhau. Giáo viên trong các trường học hòa nhập đòi hỏi phải xem xét hệ thống các phương thức giảng dạy (thị giác, thính giác, vận động…) trong việc thiết kế phương thức riêng của mình. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hỗ trợ mà các nhà giáo dục cung cấp cho học sinh khuyết tật cũng như đa dạng hóa trải nghiệm giáo dục cho tất cả học sinh.

Bên cạnh đó, các nhà giáo dục phải đảm bảo rằng mỗi học sinh đều đạt được các tiêu chuẩn và mục tiêu phù hợp trong chương trình giảng dạy. Các trường học cần tạo ra môi trường hỗ trợ cho tất cả người học. Các trường học hòa nhập có thể sẽ thu hút những học sinh có năng khiếu và tài năng nhờ việc xây dựng một môi trường học tập đáp ứng tốt hơn.

Một yếu tố quan trọng khác trong giáo dục hòa nhập là việc thực hiện các hỗ trợ hành vi nhất quán trong môi trường học tập. Sự nhất quán là điều kiện thiết yếu cho sự thành công của trẻ khuyết tật trong việc phát triển tình cảm và hành vi ở môi trường giáo dục thông thường.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật chỉ có thể thành công khi trẻ cảm nhận được rằng mình thực sự là một phần của cộng đồng trường học. Điều này đòi hỏi sự thảo luận cởi mở và trung thực về sự khác biệt và sự tôn trọng về mặt thể chất đối với mọi trẻ em.

Giáo dục hòa nhập đòi hỏi sự tôn trọng về mặt thể chất đối với mọi trẻ em (Ảnh: Chef.org)

148 quốc gia bao gồm Liên minh Châu Âu đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (UNCRPD) và 158 quốc gia đã thông qua Công ước này. Vào tháng 12/2013, một báo cáo nghiên cứu về Quyền của người khuyết tật đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc công nhận trong đó giáo dục hòa nhập là một điều khoản chính của UNCRPD. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết xây dựng một hệ thống giáo dục hòa nhập, trong đó không ngăn cản người khuyết tật tham gia vào hệ thống giáo dục chủ đạo. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy mặc dù các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy đã có bước tiến trong giáo dục hòa nhập nhưng vẫn còn nhiều rào cản bao gồm việc thiếu giáo viên được đào tạo bài bản, thiếu các công trình xây dựng dễ tiếp cận và vấn đề bắt nạt học đường. Theo báo cáo này, Trung Quốc chỉ cho những trường hợp trẻ bị khuyết tật thể chất nhẹ vào một chương trình xây dựng trường học mở rộng hay Áo đã có những động thái từ thập kỷ trước nhưng thiếu đà để tiếp tục phát triển.

Trên khắp thế giới đã có nhiều chiến dịch để phát triển giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em khuyết tật. Chiến dịch Giáo dục toàn cầu ở Vương quốc Anh đã đưa được 40% trẻ em bị khuyết tật chưa được đi học đến trường. Đó là 24 triệu trong số 57 triệu trẻ em khuyết tật vẫn chưa được đến trường.

Vẫn còn nhiều trẻ khuyết tật chưa được đến trường (Ảnh: Think Inclusive)

Trên toàn thế giới, mặc dù đã trải qua 17 năm chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhưng yêu cầu tất cả trẻ em hoàn thành giáo dục tiểu học vẫn chưa thể đạt được. Đã có những tiến bộ lớn ở nhiều quốc gia trong việc đưa trẻ em khuyết tật vào trường học nhưng tính chất và chất lượng học tập vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Một cuộc khảo sát được tiến hành năm 2014 cho thấy trong 350.000 học sinh ở các quốc gia Đông Phi bao gồm Tanzania, Kenya, Uganda chỉ có 15% đạt mức độ biết đọc, biết viết và làm toán.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, giáo dục hòa nhập ít tốn kém hơn giáo dục “đặc biệt” hay “tách biệt” đối với trẻ em khuyết tật. Ví dụ, ở Pakistan, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận các trường học đặc biệt có chi phí cho mỗi học sinh khuyết tật cao hơn 15 lần so với các trường phổ thông. Những số liệu từ Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Nepal và Philippines cũng cho thấy đầu tư giáo dục cho người khuyết tật cao hơn gấp 2-3 lần so với người không khuyết tật.

Mặc dù ngày càng nhiều trẻ em khuyết tật được ghi danh vào trường học thì tỷ lệ trẻ không được đến trường học chính thống vẫn đang gia tăng. Ngoài việc giáo viên thiếu sự hỗ trợ thích hợp khiến tỷ lệ học sinh khuyết tật bỏ học cao thì thái độ tiêu cực của cha mẹ và giáo viên cũng là rào cản lớn nhất. Tiếp theo đó là sự nghèo đói, khoảng cách nhà xa trường hay thiếu trường học cũng là các yếu tố chính.

Về lâu dài, giáo dục hòa nhập sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực đối với cả trẻ em khuyết tật và không khuyết tật. Nhiều nghiên cứu cho thấy những học sinh điển hình thể hiện sự chấp nhận và đánh giá cao sự khác biệt cá nhân, lòng tự trọng, khả năng kết bạn và rèn luyện các kỹ năng mới. Trẻ em sẽ học được cách chấp nhận những sự khác biệt, vượt qua những quan niệm sai lầm về người khuyết tật khi đưa chúng lại gần nhau trong môi trường tích hợp. Trẻ em sẽ phát triển mối quan hệ tình bạn mới, hòa nhập trong một cộng đồng chung. Cha mẹ học sinh cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia các hoạt động của trường học hay cộng đồng địa phương. Về dài hạn, vấn đề quyền công dân cũng sẽ được thúc đẩy. Trẻ em khuyết tật có quyền hợp pháp tham dự các lớp học bình thường và nhận được một nền giáo dục thích hợp trong một môi trường tối thiểu sự hạn chế.

Hồng Nhung dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều