Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2: Phá thế bế tắc

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào cuối tháng 2. Đây được coi là bước tiến tích cực trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi các cuộc đàm phán Washington - Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc nhiều tháng qua.

Tiến triển khả quan

Kế hoạch trên được công bố trong bối cảnh xuất hiện nhiều tiến triển khả quan trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa, nhất là sau khi đặc phái viên của Triền Tiên Kim Yong-chol đến Washington tuần trước và có cuộc gặp với các quan chức Mỹ. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đã gặp ông Kim Yong-chol trong một tiếng rưỡi. Hai bên đã thảo luận về phi hạt nhân hóa và kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Theo Nhà Trắng, ông Trump rất trông đợi vào cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Kim và đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Động thái này nhận được phản hồi tích từ Bình Nhưỡng. Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, Chủ tịch Triều Tiên “rất hài lòng” khi nhận được lá thư của ông Trump; đồng thời tin tưởng vào cách tiếp cận tích cực của Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim bày tỏ thiện chí và sẵn sàng cùng Mỹ từng bước hướng đến mục tiêu chung trong cuộc gặp sắp tới. KCNA cho hay, Chủ tịch Kim đã chỉ đạo cho các nhóm làm việc của Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra hồi đầu năm, khi cảnh báo Triều Tiên sẽ tìm hướng đi mới nếu Mỹ tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên các chương trình hạt nhân của nước này.

Mặc dù chính quyền Mỹ chưa công bố địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng nhiều báo đưa tin, Tổng thống Trump đã đề xuất tiến hành Hội nghị tại Việt Nam. Báo New York Times cho rằng, quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với Mỹ và Triều Tiên được xem một trong những lý do đưa Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu cho địa điểm tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Áp lực gia tăng

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim sắp tới sẽ tái hiện hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra tháng 6 năm ngoái. Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, hai bên đã thực hiện một số bước tiến trong thực hiện tuyên bố chung Mỹ - Triều. Tháng 7.2018, Bình Nhưỡng trao trả 55 hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong Un cũng cam kết không thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa trong 13 tháng. Trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất, thử nghiệm hay phổ biến thêm bất cứ vũ khí hạt nhân nào. Về phía Mỹ, Tổng thống Trump tạm dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.

 Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa lâm vào bế tắc khi các quan chức Mỹ thúc ép chính quyền Triều Tiên nghiêm túc hơn trong từ bỏ vũ khí hạt nhân, bằng cách cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất và kho cất giữ đầu đạn hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng tức tối cho rằng, yêu cầu này chẳng khác gì “danh sách mục tiêu“. Cuộc đàm phán trước kia giữa Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa cũng rơi vào bế tắc khi hai bên thảo luận về việc thanh sát và xác minh tiến trình phi hạt nhân hóa.

Chính quyền ông Trump đang chịu sức ép lớn nhằm đạt được tiến triển trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi Mỹ đang nỗ lực làm tan băng quan hệ với Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng được cho là vẫn bí mật triển khai các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa mới. Tháng 7.2018, kênh tin tức NBC News dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Triều Tiên đã tăng cường sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân ở nhiều cơ sở bí mật. Những báo cáo này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin vào các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ - Triều Tiên.

Trong khi đó, không ít quan ngại cho rằng, thời điểm ấn định cuộc gặp tiếp theo giữa ông Trump và ông Kim hơi vội vã, khiến các nhà đàm phán của Mỹ và Triều Tiên có ít thời gian để soạn thảo thỏa thuận đầy đủ và chi tiết nhằm khai thông bế tắc, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang trong tình trạng đóng cửa một phần kể từ cuối năm ngoái. Thậm chí, có quan ngại cho rằng, Mỹ có thể vội vã đưa ra thỏa hiệp với Triều Tiên nhằm đổi lấy sự đồng thuận về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Đông Bắc Á. Theo tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, Mỹ có thể đề xuất rút bớt lực lượng khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên loại bỏ các tên lửa tầm xa. Viễn cảnh này sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản đối mặt với thách thức khôn lường. Tờ Dong-A Ilbo cảnh báo, một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vội vã có thể dẫn đến “sự dễ dãi nguy hiểm” đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Quan ngại này không phải vô căn cứ, khi gần đây Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố sẽ rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria, bất kể phản đối của các đồng minh Trung Đông.

Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn kỳ vọng, cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ phần nào giúp khai thông tình thế bế tắc hiện nay. Phủ Tổng thống Hàn Quốc hy vọng, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tạo bước ngoặt mới trong nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng, cuộc gặp sắp tới cần mang lại những kết quả cụ thể, nhằm tạo ra những bước tiến thực sự lớn trong đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và phá hủy các kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều