Kế hoạch tham vọng của Triều Tiên trở thành Singapore, Thụy Sĩ tiếp theo

Triều Tiên đang nghiên cứu kế hoạch tham vọng để trở thành một Singapore hay Thụy Sĩ tiếp theo nếu các nước phương Tây từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

 Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP

Ông Ri Ki-song - một nhà kinh tế cao cấp của chính phủ Triều Tiên - nói với AP, nước này đang nghiên cứu một kế hoạch lớn với tham vọng trở thành một đầu mối giao thông trong khu vực, một phần là lấy cảm hứng từ thành công của Singapore và Thụy Sỹ, cũng như để ngỏ khả năng tham gia vào các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Kinh tế trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Triều Tiên cũng nói rằng, mặc dù các lệnh trừng phạt nhằm để ép nước ông từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã được đẩy mạnh trong năm qua, nền kinh tế của nước này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững – với GDP tăng từ gần 25 tỉ USD vào năm 2013 lên hơn 29 tỉ USD trong năm 2016 và gần 31 tỉ USD trong năm 2017.

Tuy nhiên, một số chuyên gia bên ngoài không đồng ý với các con số thống kê của Triều Tiên. Một đánh giá do ngân hàng trung ương Hàn Quốc công bố hồi tháng 7 cho thấy GDP của Triều Tiên trong năm 2017 đã giảm 3,5% và là mức giảm cao nhất kể từ khi nạn đói xảy ra vào cuối những năm 1990.

Trong cuộc trao đổi với AP hồi tuần trước ở thủ đô Bình Nhưỡng, ông Ri giải thích vì sao các lệnh trừng phạt dẫn đến kết quả là một số khu vực của nền kinh tế Triều Tiên trở nên hiệu quả hơn và tự lực hơn. Triều Tiên đã chế tạo được một loại phân bón sử dụng than sản xuất trong nước thay vì dầu nhập từ nước ngoài, và có những bước tiến trong phương pháp sản xuất thép.

Ông Ri bày tỏ sự lạc quan trước môi trường hòa dịu hiện tại trên bán đảo Triều Tiên và các cuộc gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong năm nay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều thay đổi trong bầu không khí bao quanh đất nước” - ông nhận định.

Ông Ri nói rằng nếu các lệnh cấm vận được dỡ bỏ và nếu bầu không khí chính trị cải thiện đủ, Triều Tiên có thể học theo mô hình các nước như Thụy Sỹ và Singapore "vốn có ít tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ nhỏ bé nhưng lại tận dụng vị trí địa lý để biến nó thành lợi thế lớn nhất".

“Chúng tôi nằm ngay giữa Đông Á, do đó bán đảo Triều Tiên của chúng tôi có vị trí địa lý rất thuận lợi” - ông Ri nói. “Trong tương lại chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác với các nước láng giềng để phát triển ngành giao thông vận tải. Nếu chúng tôi sử dụng tuyến đường sắt từ miền Nam xuyên qua Siberia thì nhiều nước sẽ chọn đường sắt của chúng tôi thay vì vận chuyển bằng đường biển”.

Tham gia vào các định chế tài chính quốc tế sẽ mở cánh cửa tiếp cận các nguồn vốn phát triển và chuyên môn kinh tế mà nước này đang rất cần. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây tỏ ý rằng ông Kim đã bày tỏ mong muốn gia nhập IMF và Ngân hàng Thế giới. Nhưng muốn được như vậy thì nước này cần phải thực hiện cải cách cấu trúc và phải có một mức độ minh bạch.

Khi được hỏi liệu Triều Tiên có sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu đó, ông Ri chỉ cho biết, hiện tại nước ông đã công bố các số liệu thống kê GDP và từ chối nói thêm. Thay vào đó, ông nói quả bóng giờ đây ở trên phần sân của các định chế quốc tế.

Theo K.M/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều