Khủng hoảng nhiên liệu ở Pháp: Phản hồi từ Điện Élysée

(Mặt trận) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27.11 đã có bài phát biểu về chiến lược chuyển đổi sinh thái quốc gia. Đây là phản hồi được mong đợi từ Điện Élysée trước các cuộc biểu tình căng thẳng ở Pháp nhằm phản đối chính sách áp thuế lên dầu diesel diễn ra gần hai tuần qua. Mặc dù bài phát biểu của ông Macron cho thấy tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Pháp về kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây hại cho môi trường, nhưng chưa giải quyết được mong mỏi cấp bách của người dân.
Chính sách tham vọng

Trong bài phát biểu kéo dài một giờ tại Điện Élysée, Tổng thống Macron cho biết, ông hiểu những phàn nàn của người biểu tình phản đối Chính phủ tăng thuế ô nhiễm môi trường lên mặt hàng nhiên liệu, khiến giá dầu diesel tăng.

Đề cập tới bức xúc của người dân trước tình trạng giá dầu diesel tăng do áp thuế ô nhiễm môi trường lên nhiên liệu, Tổng thống Macron cho rằng, những người ủng hộ phong trào “áo vàng” chính là nạn nhân đầu tiên của sự xuống cấp môi trường và xã hội. Nhà lãnh đạo đề xuất, chính sách thuế nhiên liệu sẽ được điều chỉnh theo biến động giá cả. Điều này có nghĩa, Chính phủ Pháp sẽ giảm thuế nhiên liệu khi giá dầu thế giới tăng trở lại. Bên cạnh đó, ông Macron cũng đề xuất cơ chế tham vấn trên diện rộng về “chuyển đổi sinh thái” trong 3 tháng tới. Cuộc tham vấn này sẽ được thực hiện trên toàn lãnh thổ, với tất cả hiệp hội, bao gồm cả đại diện của phong trào “áo vàng”, nhằm hỗ trợ và đề xuất các giải pháp giúp xoa dịu sự giận giữ của người dân Pháp.

Tổng thống Macron nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ là phải giải quyết những tình trạng xã hội báo động, mà người dân thể hiện thông qua các cuộc biểu tình; tuy nhiên, cũng không được từ bỏ trách nhiệm trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. “Bạn không thể một ngày kêu gọi bảo vệ môi trường và ngày hôm sau phản đối giá nhiên liệu tăng”, ông Macron nói.

Tổng thống Pháp cũng đã công bố lộ trình chuyển đổi sang năng lượng xanh trong 10 năm tới. Cụ thể, Pháp sẽ đóng cửa 4 - 6 nhà máy điện hạt nhân từ nay đến năm 2028, cũng như toàn bộ nhà máy điện than trước năm 2022. Trong khoảng thời gian từ 2028 - 2035, Pháp sẽ tiếp tục đóng cửa 6 - 8 nhà máy hạt nhân nữa. Mục tiêu nhằm giảm tỷ trọng hạt nhân xuống còn 50% tổng sản lượng điện quốc gia, thay vì 75% như hiện nay. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp nhấn mạnh, năng lượng hạt nhân mang đến nhiều lợi ích như giảm phát thải khí carbon và chi phí thấp. Nhằm bảo đảm nhu cầu năng lượng quốc gia, Pháp sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất điện gió và điện mặt trời. Công suất điện mặt trời sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện nay và đạt 40 gigawatt (GW) vào năm 2028. Các nhà máy điện gió trên đất liền cũng tăng gấp đôi công suất và đạt 35 GW năm 2028. Nhà máy điện gió trên biển đầu tiên sẽ được xây dựng ngoài khơi biển Saint - Nazaire, miền Tây nước Pháp. Vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo hiện nay là 5 tỷ euro/năm và sẽ tăng lên 7 - 8 tỷ euro những năm tới.

Không khuất phục trước sức ép

Bài phát biểu của ông Macron là phản hồi được mong đợi sau gần 2 tuần chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ của những người mặc gilets jaunes (áo vest vàng), trang phục bảo hộ mà tài xế Pháp bắt buộc phải có trong phương tiện di chuyển, phòng trường hợp xảy ra sự cố trên đường. Các cuộc biểu tình phản đối áp thuế nhiên liệu đã trở thành phong trào quy mô lớn, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp, có lúc biến thành bạo động làm hàng trăm người bị thương.

Chính sách áp thuế lên nhiên liệu của Pháp được áp dụng từ năm 2017, nhưng gần đây bắt đầu cho thấy tác động sau khi giá dầu diesel tăng kể từ tháng 10. Phần lớn người tham gia biểu tình là người đi làm thuê ở khu vực ngoại thành, nông thôn không mấy sung túc, nhiều người phải lái xe đi làm xa. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình là giá nhiên liệu tăng, nhưng lại trở thành phong trào nơi người dân bày tỏ bất bình với tình trạng chi phí sinh hoạt cao ở Pháp và các chính sách nói chung dưới thời Tổng thống Macron. Lãnh đạo cánh tả Jean - Luc Melenchon cho rằng, các cuộc biểu tình cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron cần phải lắng nghe tiếng nói của dân. “Nhân danh người nghèo, người vô gia cư, những thợ mỏ bị bỏ rơi, chúng tôi tuyên bố: Quá đủ rồi!”, ông Melenchon tuyên bố.

Kết quả cuộc khảo sát Ifop thực hiện qua điện thoại và internet tiến hành từ ngày 9 - 17.11 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đã giảm 4 điểm so với tháng trước, xuống còn 25%. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát do BVA công bố cuối tuần qua, chỉ 26% người ủng hộ Tổng thống Macron. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả tỷ lệ ủng hộ của người tiền nhiệm Francois Hollande và Nicolas Sarkozy tại cùng giai đoạn trong nhiệm kỳ Tổng thống.

 Bản thân ông Macron cũng thừa nhận, không thành công trong việc hòa hợp giữa người Pháp với lãnh đạo. Tuy nhiên, ông tái khẳng định sẽ không khuất phục trước những người biểu tình đòi rút lại chính sách tăng thuế nhiên liệu, vốn dự kiến còn tăng hơn nữa. Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne cho biết, từ ngày 1.1.2019, thuế áp lên mặt hàng xăng sẽ tăng khoảng 12 cents/gallon; thuế áp lên mặt hàng dầu diesel sẽ tăng khoảng 28 cents/gallon. Thuế gas sẽ tăng lên 5 cents/gallon và giá dầu diesel dự kiến tăng thêm khoảng 2 cents/gallon vào năm 2020.

Phản ứng trái chiều

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Tổng thống Macron đã đề ra tầm nhìn dài hạn về chiến lược chuyển đổi năng lượng thân thiện hơn với môi trường, nhưng nhà lãnh đạo này chưa đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của người dân. Trong bài phát biểu của mình, ông Macron đã không đưa ra được giải pháp nhằm giúp giảm bớt gánh nặng thuế lên người dân Pháp, vốn đã tăng 25 tỷ euro/năm trong giai đoạn 2002 - 2017. Thay vào đó, thỏa hiệp mà chủ nhân Điện Élysée đưa ra chỉ là xem xét lại thuế nhiên liệu 3 tháng/lần. Lãnh đạo phong trào “áo vàng” ở vùng Dole, Fabrice Schlegel cho rằng, phát biểu của Tổng thống Macron quá xa vời so với những gì họ cần. Ông Schlegel chỉ trích, chính quyền vẫn chưa thực sự lắng nghe bức xúc của dân chúng. 

Trong khi đó, các tổ chức xã hội và môi trường cũng không đưa ra phản ứng tích cực. Hiệp hội Năng lượng tái tạo (SER) cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Macron đầy tham vọng, nhưng còn quá chung chung. Pháp hiện là nước “chậm chân” so với nhiều quốc gia châu Âu trong chuyển đổi năng lượng sinh thái. Theo Jean - Franois Julliard, Tổng Giám đốc Greenpeace La France, tổ chức phi chính phủ vận động vì môi trường, Pháp hiện vẫn coi năng lượng là lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, đây lại chưa thực sự là năng lượng sạch và giá rẻ, cũng như không bảo đảm cho sự độc lập về năng lượng. Các tổ chức kêu gọi Chính phủ Pháp cần đưa ra những biện pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sinh thái cũng như chống biến đổi khí hậu.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều