Kinh nghiệm trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc

(Mặt trận) - Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc bắt đầu được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động từ khi ông lên cầm quyền năm 2013. Theo đó, chiến dịch được thực hiện trong hệ thống tất cả các cơ quan của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc, được đánh giá mang yếu tố chiến lược và địa chính trị quan trọng.

Đường lối chính sách của Trung Quốc đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ trong bài phát biểu cuối năm 2015: Đảm bảo thành công của các cuộc cải cách kinh tế, tăng cường sự tương tác giữa Trung Quốc và phương Tây; ổn định đồng Nhân dân tệ như một đồng tiền có giá trị tham chiếu toàn cầu, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc đối với nợ công và nợ tư, cũng như hỗ trợ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á.  

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” sau khi lên nắm quyền vào năm 2013 (Ảnh: Forbes)

Về những ảnh hưởng trực tiếp của nạn tham nhũng đối với nền kinh tế quốc gia, cụ thể ở đây là Trung Quốc, Giáo sư kinh tế người Ý Giancarlo Elia Valori đã phân tích: Thứ nhất, mạng lưới tham nhũng ở Trung Quốc và bất cứ quốc gia nào đều làm méo mó các nền tảng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự thâm nhập của đầu cơ cũng như chuyển đổi thu nhập bất hợp pháp. Thứ hai, tham nhũng tạo ra những vòng tròn quyền lực tự trị ngoại vi hay thứ cấp, bắt đầu từ những nhà lãnh đạo Trung ương đến địa phương. Mỗi mạng lưới tham nhũng là một thế lực giấu mặt. Tham nhũng là biểu hiện của một cuộc “nổi loạn” bất hợp pháp, tấn công vào trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia. Thứ ba, các mạng lưới tham nhũng làm triệt tiêu lượng dự trữ tiền mặt của Trung Quốc, bởi những mạng lưới này đẩy tiền từ các quỹ bất hợp pháp ra khỏi đất nước càng nhanh càng tốt.

Theo các chuyên gia phương Tây, tham nhũng ở Trung Quốc chiếm 3% GDP của quốc gia này. Trước thực trạng đó, Chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết một mâu thuẫn mang tính truyền thống, đó là lợi ích của cá nhân và lợi ích của tập thể, hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị thống nhất và mạnh mẽ, có khả năng đối mặt với những căng thẳng về kinh tế, chính trị và quân sự hiện nay trong khu vực châu Á và trên thế giới.

 

100.000 quan chức Trung Quốc bị bắt vì liên quan đến tham nhũng trong 2 năm 2014-2015 (Ảnh: Reuters)

Trong 2 năm 2014-2015, đã có đến 100.000 quan chức của Trung Quốc bị bắt vì liên quan đến tham nhũng, những “con hổ lớn” đang dần sa cơ. Điều đó cho thấy chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng tỏ quyết tâm đến cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng tại nước này. Vậy Chính phủ Trung Quốc đã đi theo lộ trình nào để tiến tới loại bỏ tham nhũng triệt để?

Rõ ràng, chống tham nhũng cần tuân theo chiến lược “thần kinh học”, “luộc ếch” bằng cách tăng nhiệt độ dần dần. Nếu thả một con ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Nhưng nếu cho con ếch vào nồi nước lạnh rồi đun sôi, con ếch sẽ chết trước khi kịp nhảy ra ngoài. Ban đầu, cần làm cho mọi quan chức tin rằng làn sóng chống tham nhũng không nhằm vào họ mà nhằm vào những người đã chọn sai đội ngũ của mình. Do vậy, chúng ta sẽ thấy những “con hổ lớn” trước khi sa bẫy đều đứng trước công chúng mà kêu gọi “Ủng hộ chống tham nhũng”.

Tham nhũng ở Trung Quốc bắt nguồn từ mọi ngóc ngách trong bộ máy chính trị, xã hội, văn hóa và thậm chí tệ hơn, nó đã hình thành trong lối sống của mỗi con người. Trong trường hợp này, để tiến hành các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ từ trên xuống dưới mà không gây ra những “cuộc nổi loạn” của các quan chức tham nhũng, hoặc gây ra sự thất vọng trong dân chúng, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “thần kinh học” đặc biệt.

Bộ quy tắc 8 điểm về chống tham nhũng, lãng phí ban hành trong 5 năm qua đã được áp dụng khắp Trung Quốc. Bộ quy tắc này áp đặt những hạn chế và các điều cấm như cấm đón tiếp thảm đỏ, cấm sử dụng xe công cho việc riêng, cắt giảm các cuộc họp mang tính hình thức, tránh gây rối loạn giao thông với các lý do như cấm đường chào đón các quan chức và ra lệnh thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu các khoản ăn uống, du lịch, nhà ở… Có những quy chế về việc sử dụng quỹ công cho các hoạt động du lịch của cá nhân trong nước và nước ngoài; quy chế về việc sử dụng các phương tiện có sẵn và được cung cấp; quy chế việc xây dựng các tòa nhà trái phép; quy chế về các khoản thanh toán không hợp lệ hoặc cho các lợi ích bất hợp pháp, quy chế về việc tặng những món quà đắt tiền; chi phí quá lớn dành cho đám cưới hay đám tang, đồng thời có những quy chế về việc vi phạm kỷ luật và các quy tắc trong công việc.

Đây là những hướng dẫn được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, cơ quan hoạt động độc lập của Chính phủ Trung Quốc sử dụng. Trong báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối tháng 10/2016, có 1,01 triệu quan chức nước này bị điều tra tham nhũng trong giai đoạn 2013-2016. Những người này bị điều tra về các tội danh hối lộ, lạm quyền, biển thủ… Trong khi đó, tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) ước tính, chỉ trong vòng 3 năm (2014-2016) đã có gần 36.000 người bị khai trừ Đảng và bị truy tố, trong tổng số 7,4 triệu đảng viên ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kế từ chiến dịch chống tham nhũng của nước này, trong năm 2014, 3,14% hay 232.000 quan chức của Đảng và Nhà nước ở địa phương và Trung ương nằm trong diện điều tra bị phát hiện tham nhũng. Tại Sơn Tây, một trong những tỉnh có số lượng quan chức tham những nhiều nhất, đã có khoảng 15.450 quan chức các cấp bị kết án tham nhũng, tăng 30% so với năm 2013.

Những chiến dịch tuyên truyền của Nhà nước có tên gọi “Đả hổ diệt ruồi” và rất nhiều nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc là các phần trong chiến lược lớn nhằm cải cách văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, việc cải cách đòi hỏi khả năng ban hành các chính sách, điều này bắt buộc quan chức phải tuân theo mệnh lệnh của chính quyền Trung ương. Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ những biện pháp mang tính thể chế thông qua dân chủ trực tiếp và tư pháp độc lập.

Thay vào đó, ông bắt tay vào những nỗ lực rõ ràng, chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại để cải tổ những người lãnh đạo chứ không phải là cấu trúc của Nhà nước. Dường như ông đã đặt cược rằng việc thay đổi nhân cách, đạo đức của đội ngũ quan chức sẽ giúp cho việc cơ cấu lại thể chế của Đảng không phải diễn ra.

Vậy, văn hóa chính trị là gì và nó có thể thay đổi như thế nào? Văn hoá chính trị, với tư cách là một loại hình của văn hoá, là khái niệm nói về sự thẩm thấu của văn hoá vào chính trị, là chính trị có tính văn hoá. Văn hóa chính trị có chức năng chủ yếu là định hướng. Đó là các định hướng về nhận thức, tình cảm và sự đánh giá. Cụ thể như các định hướng về cấu trúc bộ máy nhà nước; định hướng về nhận thức, hiểu biết hệ thống chính trị, những người trong bộ máy cầm quyền, vai trò của truyền thông; định hướng về niềm tin, sự tin tưởng về luật lệ trong hoạt động chính trị; định hướng về hoạt động chính trị của chủ thể như thái độ, ý thức, cách thức hoạt động chính trị... Điều đó cho thấy rằng, mỗi hệ thống chính trị đều gắn liền với một cách thức định hướng đặc thù của văn hóa chính trị.

Trong các quốc gia hiện đại, quyền lực chính trị thể hiện chủ yếu ở quyền lực của đảng chính trị, quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân. Việc thực thi các quyền lực này có văn hóa, tức là chúng được định hướng bởi văn hóa là biểu hiện về mặt hình thức của văn hóa chính trị.

Ngày nay, nền chính trị Trung Quốc bị xói mòn bởi sự đỡ đầu, tư tưởng bè phái. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tăng cường giáo dục lý luận để nâng cao nhận thức về bản chất trong sáng của Đảng cũng như phẩm chất đạo đức, tác phong liêm chính trong mỗi cán bộ, đảng viên; giáo dục tác phong sống giản dị, lành mạnh, đồng cam cộng khổ với nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, có chức, có quyền, có điều kiện nhận hối lộ; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương kiên quyết trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng, cho dù đó là ai.

Hồng Nhung

Bình luận

Nhật Lệ - 16:19 04/08/2017

Có thể áp dụng được: Bộ quy tắc 8 điểm về chống tham nhũng, lãng phí ban hành trong 5 năm qua đã được áp dụng khắp Trung Quốc. Bộ quy tắc này áp đặt những hạn chế và các điều cấm như cấm đón tiếp thảm đỏ, cấm sử dụng xe công cho việc riêng, cắt giảm các cuộc họp mang tính hình thức, tránh gây rối loạn giao thông với các lý do như cấm đường chào đón các quan chức và ra lệnh thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu các khoản ăn uống, du lịch, nhà ở… Có những quy chế về việc sử dụng quỹ công cho các hoạt động du lịch của cá nhân trong nước và nước ngoài; quy chế về việc sử dụng các phương tiện có sẵn và được cung cấp; quy chế việc xây dựng các tòa nhà trái phép; quy chế về các khoản thanh toán không hợp lệ hoặc cho các lợi ích bất hợp pháp, quy chế về việc tặng những món quà đắt tiền; chi phí quá lớn dành cho đám cưới hay đám tang, đồng thời có những quy chế về việc vi phạm kỷ luật và các quy tắc trong công việc.

Trả lời

Đào Trung (Yên Bái) - 15:52 04/08/2017

Những kinh nghiệm chống tham nhũng cụ thể, tuyệt vời quý.

Trả lời

Hiếu báo công an - 15:37 04/08/2017

Bài hay quá. Viết ở tầm chuyên gia

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều