Nepal: Con phải gửi 10% thu nhập nuôi bố mẹ già

Những ngày đầu năm 2019, Nội các Nepal đã quyết định trình Quốc hội dự luật sửa đổi Luật Người cao tuổi năm 2006, trong đó có một điều khoản rất đáng chú ý. Đó là con cái sẽ phải gửi 5 - 10% thu nhập vào tài khoản ngân hàng của cha mẹ già nhằm bảo đảm các đấng sinh thành được sống an nhàn lúc xế chiều.

Nỗi buồn người già

Đối với những nước đang phát triển như Nepal, cuộc sống của người có tuổi gặp phải khá nhiều khó khăn, vất vả. Chẳng hạn ở khu vực nông thôn, không chỉ nghèo đói, mà còn thiếu vắng các dịch vụ cần thiết như y tế. Để thoát khỏi cuộc sống khổ cực, thanh niên nông thôn có xu hướng đổ ra kiếm việc làm tại các thành phố khiến cho khu vực nông thôn hầu như chỉ còn lại trẻ em và người già. Do tuổi cao, sức yếu, người già không có khả năng làm nông nghiệp nhưng cũng không thể tìm được nhiều người để thuê làm, trong khi đó trợ cấp cho họ lại quá ít ỏi. Theo số liệu năm 2015, trợ cấp mỗi tháng của người có tuổi ở Nepal chỉ khoảng 1.000 rupee, chưa đầy 10 USD. 

 

Mặc dù có nhiều điều kiện tốt hơn ở nông thôn, nhưng cuộc sống của người cao tuổi ở thành thị Nepal cũng không sung sướng hơn. Nỗi bất hạnh lớn nhất của người già tại đây là bị con cái bỏ rơi lúc xế chiều. Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra, thậm chí có những vụ, bố mẹ già bị con bất hiếu bỏ rơi ở trên phố, tại các đền, chùa… Có trường hợp, con cái chỉ nuôi bố mẹ cho đến khi họ ký sang tên bất động sản cho chúng. Sau đó những đứa “con trời đánh” đang tâm bỏ rơi người đã sinh ra, nuôi nấng và cho chúng tất cả. Tệ hơn cả là có những kẻ táng tận lương tâm khai man là bố mẹ đã chết để lấy tài sản.

Chính quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đã khiến cho nhiều người có tuổi trở nên cô đơn và họ không có hoạt động gì để làm. Rất nhiều người ru rú cả ngày trong nhà do con cái đi làm khóa cửa. Ở nhiều khu vực đô thị, cấu trúc gia đình theo kiểu hạt nhân. Trẻ em luôn bận rộn với công nghệ từ điện thoại đến các thiết bị điện tử và chỉ vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Bố mẹ chúng thì đi làm suốt ngày. Vì thế, người già không có ai để trò chuyện, chia sẻ cũng như không có hoạt động xã hội nào để tham gia. Chính vì vậy, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như trầm cảm, mệt mỏi, buồn chán…Điều đó khiến cho cuộc sống của người cao tuổi ở Nepal trở nên rất dễ tổn thương và cần được pháp luật bảo vệ.

Luật hóa nghĩa vụ đóng góp tài chính

Thời gian gần đây, số người cao tuổi đang ngày càng tăng ở Nepal và hiện chiếm hơn 8,13 % tổng dân số. Xu hướng đó đã có những tác động sâu sắc đến từng cá nhân, gia đình và cộng đồng, tạo ra thách thức lớn về vấn đề nhân đạo và phát triển.

Theo Cố vấn báo chí của Thủ tướng, ông Kundan Aryal, “hiện nay rất nhiều báo cáo cho thấy, nhiều người có của ăn, của để đang bỏ rơi cha mẹ mình. Do đó, chúng tôi muốn soạn thảo những điều luật mới để khuyến khích thực hiện việc làm trên”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Gokul Prasad Baskota khẳng định: “Bảo đảm cuộc sống an toàn cho người cao tuổi cũng là niềm tự hào của dân tộc”.

Theo Luật Người cao tuổi hiện hành của Nepal, những ai trên 60 tuổi được coi là người cao tuổi. Văn bản này bao quát những trách nhiệm mà các bậc làm con phải thực hiện để phụng dưỡng cha mẹ già. Chẳng hạn, luật quy định, mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi theo tình trạng kinh tế và uy tín của mình. Không ai được phép tách người có tuổi khỏi gia đình hoặc ép buộc người có tuổi phải rời khỏi gia đình và ngược lại ý muốn của họ. Trong trường hợp điều kiện kinh tế của người cao tuổi và thành viên trong gia đình đang phụng dưỡng họ không bảo đảm, các thành viên khác sẽ phải có nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ người có tuổi cho dù họ không ở cùng…

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các bậc cao niên, dự luật mới đã bổ sung điều khoản vô cùng chặt chẽ khi bắt buộc các con phải đóng góp tài chính để chăm sóc đấng sinh thành. Ngay khi Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực và cá nhân nào không tuân thủ điều khoản trên sẽ phải đối mặt với án phạt. Và số tiền phạt sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của chính cha mẹ người vi phạm.

Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều