Ngày hội chung của người lao động trên khắp thế giới

(Mặt trận) - Vào ngày 1/5/2017, toàn thế giới đã cùng kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động lần thứ 131. Đây là ngày lễ lớn và là ngày hành động của phong trào công nhân và người lao động quốc tế. Sự ra đời của ngày Quốc tế Lao động gắn với phong trào đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

Lễ diễu hành chào mừng ngày Quốc tế Lao động ở Việt Nam. Ảnh: VIETNAM CULTURAL TOURS

Ph.Ăngghen, trong cuốn "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" (xuất bản năm 1848) đã dự báo, ngày Quốc tế Lao động sẽ xuất phát từ Hoa Kỳ, khi mà giai cấp vô sản ở châu Âu và châu Mỹ hợp nhất để phát triển một phong trào đấu tranh hùng mạnh của người lao động chống lại chủ nghĩa tư bản. Tuy lịch sử không phát triển theo hướng đó, nhưng việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đã thành một phần của lịch sử nhân loại.

Ngày Quốc tế Lao động được khởi nguồn từ Chicago (Hoa Kỳ), nơi mà Liên đoàn các Tổ chức Thương mại và Công đoàn, dưới sự lãnh đạo của Samuel Gompers (27/1/1850-13/12/1924) tổ chức một cuộc đình công vào ngày 1/5/1886, với mục tiêu đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ. Ngày 4/5/1886, trong một cuộc mít tinh có liên quan đến chủ đề lao động tại Quảng trường Haymarket, đã diễn ra một vụ ném bom khiến một cảnh sát thiệt mạng. Kết quả là bốn nhà lãnh đạo theo khuynh hướng chủ nghĩa lao động cấp tiến đã bị treo cổ vì những cáo buộc không rõ ràng.

Năm 1888, Liên đoàn của Samuel Gompers đã được tổ chức lại thành Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ và tiếp tục nỗ lực đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ. Gompers đã lên kế hoạch cho một cuộc đình công bắt đầu từ ngày 1/5/1890 để kỷ niệm 4 năm sự kiện Haymarket. Trong khi đó, tại Paris, một nhóm các nhà lãnh đạo giai cấp công nhân đã nhóm họp để thành lập Quốc tế thứ hai. Đây là tổ chức liên minh quốc tế với sự kết hợp của các đảng Xã hội Chủ nghĩa và một số tổ chức Công đoàn trên thế giới. Quốc tế thứ hai đã chọn ngày 1/5/1890 là ngày kỷ niệm để thể hiện sự đoàn kết, đồng thời tưởng nhớ những nhà lãnh đạo cấp tiến đã bị xử tử ở Chicago.

Tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai do Ph.Ăngghen lãnh đạo, họp ngày 14/7/1889, đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết này, năm 1890 lần đầu tiên Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thể giới.

Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên diễn ra thành công, Quốc tế thứ hai đã thông qua việc tổ chức hàng năm sự kiện này. Và trong một vài năm sau đó, ngày 1/5 đã trở thành thời điểm mà những người theo Chủ nghĩa Xã hội tụ họp ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng năm 1893 dẫn đến suy thoái kinh tế trầm trọng ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế và gây ra những biến động chính trị. Năm 1894, việc cắt giảm lương tại Công ty Ô tô Pullman Palace ở ngoại ô Chicago đã làm bùng lên một cuộc đình công, thu hút sự ủng hộ của Công đoàn Đường sắt Hoa Kỳ và nhanh chóng làm tê liệt nhiều hệ thống đường sắt trên cả nước. Tổng thống Grover Cleveland đã quyết định trấn áp cuộc đình công này, ông đã phái quân đội Liên bang tới và cuộc bãi công cuối cùng đã bị dập tắt. Năm 1894 là năm bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ của Tổng thống Grover Cleveland nhận thấy không thể đối đầu với người lao động. Cleveland và Đảng Dân chủ đã đưa ra một giải pháp khả thi đó là họ tuyên bố kỷ niệm ngày Lao động Quốc gia để tôn vinh người lao động. Tuy nhiên, ngày này không trùng với ngày 1/5.

Trở lại tháng 9/1882, một số nghiệp đoàn đã bắt đầu tổ chức ngày Lao động ở thành phố New York. Đến năm 1894, sự kiện tổ chức hàng năm vào cuối mùa hè ở New York đã được nhiều tiểu bang chấp nhận rộng rãi. Từ đó, ngày Lao động ở Hoa Kỳ được kỷ niệm vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 9.

Trong thế kỷ XX, ngày lễ này đã nhận được sự ủng hộ từ Liên bang Xô Viết và được tổ chức để kỷ niệm ngày Độc lập Công đoàn Quốc tế, đặc biệt tại các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa.  

 Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Italy. Ảnh: PINO GELATO

Ngày nay trên thế giới, ngày Quốc tế Lao động thường liên quan đến việc kỷ niệm những thành tựu của phong trào lao động. Ngày lễ này được tổ chức như một kỳ nghỉ chính thức ở hơn 80 quốc gia trên thế giới bằng những bữa tiệc lớn với nhiều chương trình chào mừng. Biểu ngữ, cờ hoa cũng được trang trí khắp nơi để kỷ niệm ngày này. Nhiều chương trình trên truyền hình, đài phát thanh với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về ngày Quốc tế Lao động, vai trò, quyền lợi của người lao động cũng được tổ chức.

Tại Vương quốc Anh và Ireland, ngày Lao động không cố định là ngày 1/5 mà được tổ chức vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 5.

Canada, Australia, New Zealand và Hà Lan cũng kỷ niệm ngày Lao động vào những ngày khác nhau có liên quan đến nguồn gốc hình thành ngày lễ này ở từng quốc gia.

Tại Vương quốc Anh, nghi thức truyền thống và lễ kỷ niệm ngày này thường bao gồm điệu múa Morris, trao vương miện Nữ hoàng tháng 5, nhảy múa xung quanh Maypole.

Ở Đức, ngày Quốc tế Lao động được chính thức kỷ niệm vào năm 1933 sau khi Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP) lên nắm quyền. Ngày lễ tượng trưng cho sự thống nhất giữa Nhà nước và các tầng lớp lao động.

Tại Ấn Độ, ngày Quốc tế Lao động của quốc gia này đã được Đảng Lao động Hindustan ở Chennai chính thức công nhận vào ngày 1/5/1923. Ngày này được coi là một ngày lễ ở Assam, Bihar, Goa, Jharkhand, Karnataka, Kerala, Manipur, Tamil Nadu, Tripura và Tây Bengal. Ngày Quốc tế Lao động ở Ấn Độ được tổ chức dưới tên gọi Antarrashtriya Shramik Diwas, được biết đến với tên gọi Kamgar Din trong tiếng Hindi, Kamgar Din trong tiếng Marathi và Uzhaipalar Dhinam trong tiếng Tamil.

Tại Italy, ngày Quốc tế Lao động thường gắn liền với sự kiện âm nhạc tổ chức hàng năm "Concerto del Primo Maggio", được tổ chức ở Rome, thu hút hơn nửa triệu người tham dự mỗi năm.

Tại Thụy Điển, ngày Quốc tế Lao động cũng trùng với lễ kỷ niệm Cơ đốc giáo, Lễ Thánh Walburga được tổ chức vào tối ngày 30/4 hàng năm.

Tại Thụy Sĩ, ngày Quốc tế Lao động là một dịp lễ tổ chức ở 11 bang như Appenzell Ausserrhoden, Basel-Landschaft, Basel-Stadt, Fribourg, Jura, Neuchâtel, Schaffhausen, Solothurn, Thurgau, Ticino và Zurich.

 Lễ hội kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Vương quốc Anh. Ảnh: INDEPENDENT

Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày lễ mang ý nghĩa lịch sử trên toàn thế giới, được các tổ chức Công đoàn tổ chức hàng năm. Mỗi năm ngày lễ này gắn với một chủ đề đặc biệt. Chủ đề năm 2012 là "Thúc đẩy việc làm cho người lao động bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng", chủ đề năm 2013 là "Hãy làm việc có giá trị bằng cách cung cấp cho người thất nghiệp sự hỗ trợ vốn ban đầu", "Xây dựng tương lai của Cameroon trong hòa bình, đoàn kết và việc làm đầy đủ" là chủ đề gắn với ngày Quốc tế Lao động năm 2015. Năm vừa qua, chủ đề của ngày này là "Chào mừng những tiến bộ của lực lượng lao động trên toàn thế giới.

Hồng Nhung (biên dịch)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều