Những thách thức hiện nay trong thực hiện bình đẳng giới

(Mặt trận) - Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới trên toàn cầu theo những cách khác nhau, do vai trò khác biệt của họ trong các nền kinh tế và xã hội. Do đó, việc ứng phó với cuộc khủng hoảng đại dịch mà không đánh giá trước được những tác động của nó đối với bình đẳng giới sẽ gây cản trở không nhỏ cho nỗ lực thực hiện bình đẳng giới.

 Phụ nữ và trẻ em Syria sơ tán khỏi khu vực chiến sự ở tỉnh Idlib, tới một trại tị nạn ở thị trấn Afrin,
giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù đã đạt được những thành tựu này nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức trong tiến trình thực hiện bình đẳng giới như các chuẩn mực xã hội và luật pháp có sự phân biệt đối xử với phụ nữ còn phổ biến, ở tất cả các cấp lãnh đạo chính trị có sự đại diện của phụ nữ không nhiều; 1/5 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-49 cho biết đã từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục trong khoảng thời gian 12 tháng qua.

Dưới tác động của đại dịch trong năm 2020, số việc làm của phụ nữ đã giảm 4,2% trên toàn cầu so với mức giảm 3% ở nam giới bởi các lĩnh vực mà phụ nữ có xu hướng làm việc nhiều hơn, chẳng hạn như du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Ở nước ta, báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp chủ yếu do phụ nữ làm chủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Phụ nữ tham gia mạnh mẽ nơi tuyến đầu chống dịch, cụ thể có 76% nhân viên y tế và chăm sóc xã hội và 86% nhân viên chăm sóc cá nhân trong các dịch vụ y tế là phụ nữ. Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực y tế đã và đang phải đối mặt với khối lượng công việc gia tăng chưa từng thấy, đi kèm với đó là rủi ro về sức khỏe và những thách thức đối với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia lại vào thị trường lao động trong giai đoạn phục hồi kể từ hè năm 2020, tỷ lệ việc làm tăng 1,4% đối với nam giới nhưng chỉ tăng 0,8% đối với nữ giới.

Bên cạnh đó, những hạn chế do giãn cách và phong tỏa chống dịch cũng tác động đáng kể đến việc phụ nữ làm các công việc không được trả lương và việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Phụ nữ dành trung bình 62 giờ mỗi tuần để chăm sóc con cái (so với 36 giờ đối với nam giới) và 23 giờ mỗi tuần để làm việc nhà (so với 15 giờ đối với nam giới).

Có sự thiếu hụt đáng kể của phụ nữ trong các cơ quan ra quyết định về đại dịch Covid-19. Một nghiên cứu trong năm vừa qua cho thấy nam giới đông hơn rất nhiều so với phụ nữ trong các cơ quan đưa ra quyết định ứng phó với đại dịch.

Trước khi đại dịch xảy ra, phụ nữ đã phải chờ đợi 99 năm trước khi họ mong đợi được hưởng bình đẳng hoàn toàn với nam giới. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tăng khoảng thời gian này lên đến 136 năm. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục và làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ.

Theo Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan, trừ khi chúng ta giải quyết được bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, việc theo đuổi các Mục tiêu Phát triển bền vững là không thể thực hiện được.

Không ít hơn 53 trong số 251 Mục tiêu Phát triển bền vững đề cập trực tiếp đến bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, bình đẳng giới lại chưa được đặt ra khi các quốc gia ra quyết định phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Điển hình như, trong số 225 nhóm làm việc được thiết lập để thực hiện các chương trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, phụ nữ chiếm chưa đến ¼ số lượng thành viên và không có đại diện nào trong 12% số nhóm làm việc.

Cũng theo bà Grynspan, tất cả chúng ta phải rất rõ ràng rằng sự phục hồi hiện tại là chưa đủ và không đạt yêu cầu cho xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng. Mặc dù tự do thương mại đã tạo ra cơ hội mới cho một số phụ nữ nhưng nó cũng khiến những người khác bị thiệt thòi. Ví dụ, các sản phẩm nông nghiệp do phụ nữ nông thôn sản xuất thường khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Và trong khi thương mại toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội việc làm chính thức cho phụ nữ thì đây thường là những công việc văn phòng.

Phó Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant đưa ra ví dụ về hai hiệp định khu vực Khối thương mại Nam Mỹ MERCOSUR và Cộng đồng Đông Phi (EAC). Theo bà khi xem xét các hiệp định thương mại và khu vực, chúng ta thấy rằng các công việc được dành cho phụ nữ chủ yếu là những công việc đơn giản, không bao gồm trách nhiệm quản lý hoặc giám sát. Nói cách khác, phụ nữ chưa được trao quyền cho những công việc này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các chính phủ có thể giúp tạo ra các vòng tròn đạo đức, trao quyền cho phụ nữ và cho phép họ tận dụng các cơ hội kinh tế mới, chẳng hạn bằng cách tăng cường sự độc lập về tài chính của họ.

Nếu quyền sở hữu đất đai của phụ nữ được luật pháp bảo đảm thì họ có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết để thành lập hoặc mở rộng doanh nghiệp của mình.

Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ đã đưa ra những lời kêu gọi rõ ràng đối với các chính phủ để đảm bảo các chính sách thương mại không có tác động tiêu cực đến phụ nữ.

Số lượng các sáng kiến của cộng đồng thương mại nhằm lồng ghép bình đẳng giới vào phát triển kinh tế đã nhanh chóng tăng lên theo thời gian. Chúng bao gồm các sáng kiến đa phương, chẳng hạn như Tuyên bố Buenos  Aires về Phụ nữ và Thương mại được ký bởi 127 thành viên và các quan sát viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã đưa các chương cụ thể về thương mại và bình đẳng giới vào các hiệp định thương mại tự do và các đánh giá trước đó về cách thức thương mại có thể ảnh hưởng khác nhau đến nam giới và phụ nữ.

Những sáng kiến như vậy được thực hiện đa phương hoặc bởi nhóm các quốc gia cùng mục tiêu. Điều này cho thấy cam kết ngày càng tăng trong việc sử dụng chính sách thương mại để trao quyền cho phụ nữ.

Các chính phủ cần cân nhắc về bình đẳng giới hoặc tham chiếu đến các tiêu chuẩn lao động cốt lõi trong các hiệp định thương mại bởi đây là một bước quan trọng để thiết lập một sân chơi công bằng và bao trùm hơn.

Thương mại không thể giải quyết tất cả những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt, nhưng nó tạo ra những cơ hội mới. Để nắm bắt đầy đủ những thời cơ này, cần phải giải quyết những trở ngại trên cơ sở giới trong hầu hết các hoàn cảnh ở cấp quốc gia. Điều này đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ quan chính phủ và sự thống nhất giữa các chính sách trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các nhà hoạch định chính sách cần làm việc cùng nhau nhiều hơn và vượt ra ngoài trọng tâm hạn hẹp là tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thương mại. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là có nhiều phụ nữ tham gia vào thương mại, mà còn đảm bảo rằng họ tham gia theo các điều kiện công bằng và các quốc gia có điều kiện để đưa ra các chính sách có liên quan ở cấp quốc gia.

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chiến lược đã được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với thực hiện. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Việc áp dụng những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới cùng các nội dung mới trong năm 2021 sẽ thúc đẩy và đảm bảo hơn các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm giữa nam và nữ. Cùng với Bộ luật Lao động 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đảm bảo quyền đối với lao động nữ và nam.

Thu Anh biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều