Sự tích cực của các quốc gia châu Á trong công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Công tác bảo vệ môi trường của các quốc gia bao gồm việc ra các chính sách, quy định, thủ tục nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hiện trạng môi trường tự nhiên và đảo ngược tình trạng suy thoái nếu có.

Trong những thập kỷ vừa qua, các quốc gia châu Á đã trải qua sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế nhưng đi kèm với đó các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái cũng bị tàn phá nặng nề, thiếu hụt nguồn nước sạch và lượng chất thải nguy hại cũng gia tăng. Những vấn đề về môi trường này đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và phúc lợi xã hội. Các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp bảo vệ và quản lý môi trường, dù hiệu quả đem lại ở những mức độ khác nhau.

Nhật Bản tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (Ảnh: Nowpap)

Trong suốt hơn 40 năm sau khi thành lập Cơ quan Môi trường Nhật Bản năm 1971, tình hình môi trường ở cấp quốc gia đã trải qua những thay đổi đáng kể. Nhật Bản đã đạt được những thành tựu trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí do ôxit nitơ ở các khu đô thị lớn và ô nhiễm nguồn nước do nước thải và xử lý chất thải vẫn tiếp tục gây ra những vấn đề lớn. Bên cạnh đó, các dự án phát triển đa dạng, chẳng hạn như xây dựng các khu nghỉ dưỡng đã tạo ra nhiều mối đe dọa cho môi trường tự nhiên. Thêm vào đó, quốc gia này đang phải đối mặt với những mối lo ngại mang tính toàn cầu như sự nóng lên toàn cầu, sự suy giảm tầng ôzôn, mất rừng, mất cân bằng đa dạng sinh học, mưa axit và các chất thải nguy hiểm.

Tại Nhật Bản, Luật Môi trường đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản và phương hướng xây dựng chính sách môi trường. Luật Môi trường của Nhật Bản được ban hành vào năm 1993, tháng 12/1994, một kế hoạch hành động có tên gọi Kế hoạch Môi trường cơ bản đã được thông qua. Kế hoạch này đã làm rõ một cách có hệ thống các biện pháp do chính quyền Trung ương và địa phương thực hiện cũng như một loạt các kế hoạch hành động để gắn các công dân, doanh nghiệp và tổ chức tư nhân với trách nhiệm bảo vệ môi trường vào đầu thế kỷ XXI. Kế hoạch này cũng xác định vai trò của các bên liên quan, cách thức và phương tiện để theo đuổi các chính sách môi trường có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cơ quan Môi trường Nhật Bản cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Singapore - quốc đảo xanh và sạch nhất thế giới (Ảnh: IPS)

Singapore được biết đến là quốc đảo sạch và xanh nhất thế giới, nơi mà Chính phủ và người dân luôn nỗ lực vì sự bền vững của môi trường song song với phát triển kinh tế. Chính phủ Singapore đã xác định công nghệ môi trường và năng lượng sạch là các lĩnh vực chiến lược mà Singapore có lợi thế cạnh tranh. Chính phủ đã khởi xướng một số chương trình tài trợ liên quan đến hiệu suất sử dụng năng lượng, năng lượng sạch, các công trình xanh, công nghệ môi trường, vận tải xanh, giảm thiểu chất thải và các sáng kiến môi trường.

Những nỗ lực xanh của Singapore được khởi xướng từ cuối những năm 1960 khi đất nước trải qua giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Một trong những sáng kiến đầu tiên về Thành phố Vườn hay tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu vào năm 1967 đó là biến Singapore thành một thành phố với cây xanh dồi dào, tươi tốt và môi trường sạch. Chính phủ Singapore cũng ra Đạo luật về môi trường và sức khỏe cộng đồng năm 1969. Đảo quốc này đã gặt hái được những thành quả mà cả thế giới phải ngưỡng mộ đó là xây dựng một Thành phố Vườn nổi tiếng vào cuối những năm 1980.

Ngày nay, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều lo ngại về các vấn đề môi trường như sự nóng lên toàn cầu, Chính phủ Singapore đã xây dựng Kế hoạch Xanh. Được ban hành vào năm 1992, đây là kế hoạch chính thức đầu tiên để cân bằng môi trường và sự phát triển kinh tế. Đến năm 2002, bản kế hoạch mới được ban hành với tên gọi SGP 2012, mong muốn tiến xa hơn trong việc bảo tồn môi trường bền vững. Bản kế hoạch này bao gồm các chiến lược và chương trình Singapore áp dụng để duy trì một môi trường sống chất lượng trong khi theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế. Nó cũng bao gồm một danh mục các mục tiêu về môi trường cụ thể cần đáp ứng. Một ủy ban điều phối và sáu ủy ban hành động có trách nhiệm giám sát việc xây dựng và thực hiện các chương trình nằm trong Kế hoạch Xanh để đảm bảo việc đạt được các mục tiêu đã được quy định. Năm 2006, Bộ Môi trường Singapore đã cập nhật phiên bản Kế hoạch Xanh mới.

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Đất nước Hàn Quốc nằm chủ yếu trên một bán đảo lớn và các hòn đảo nhỏ. Hệ sinh thái Hàn Quốc bao gồm khu vực núi, bờ biển, rừng nhiệt đới và rừng rụng lá.

Vào giai đoạn công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm 1970, việc bảo vệ môi trường của quốc gia này lại không được xem trọng. Chất lượng không khí tại Seoul và các tỉnh lân cận kém đi đáng kể.

Khi Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực, vấn đề môi trường đã được ưu tiên hơn. Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một loạt các điều luật về môi trường.

Trong việc theo đuổi mục tiêu cải thiện chất lượng không khí xung quanh thủ đô, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai Kế hoạch tổng thể kiểm soát chất lượng không khí đầu tiên ở Seoul (giai đoạn 2005-2014). Kế hoạch này bao gồm các dự án giảm bớt khí thải từ xe cộ, quản lý khí thải ở các cơ sở sản xuất và kiểm soát việc sử dụng năng lượng ở các thành phố. Kế hoạch này tiếp tục được kéo dài từ năm 2015-2024. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng triển khai kế dự án Four Rivers, làm sạch 4 con sông bị ô nhiễm nhất.

Trong 5 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã có những nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Điển hình như, vào năm 2010, Chính quyền thành phố Seoul đã đầu tư 8,2 tỷ USD xây dựng một trang trại năng lượng gió có công suất 2.500MW. Trong năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một kế hoạch cung cấp 1,5 triệu việc làm mới trong ngành sản xuất năng lượng sạch và cung cấp 18% lượng năng lượng sạch toàn cầu ra thị trường tính đến năm 2030.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Huffington Post)

Các nhà lập pháp Trung Quốc đã thông qua những sửa đổi trong Luật Bảo vệ Môi trường của đất nước này trong vòng 25 năm. Theo đó, các nhà quản lý môi trường có quyền lực lớn hơn và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các cá nhân hay tổ chức gây ô nhiễm môi trường. Kể từ khi Luật Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc được thông qua vào năm 1989, quốc gia này đã từng bước khẳng định vị thế kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã dẫn đến hệ lụy là môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, không khí dày đặc khói bụi, các con sông bị ô nhiễm nặng nề…

Nhà sản xuất kim loại cơ bản lớn nhất thế giới này đã đưa ra các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực sản xuất kim loại từ năm 2015. Đối với những khu vực khai thác mỏ xung quanh Bắc Kinh như Hà Nam, Sơn Tây, Sơn Đông dự kiến sẽ phải giảm 30% công suất luyện nhôm trong thời gian từ tháng 10 - tháng 3 hàng năm trong một nỗ lực để giảm lượng khói bụi.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã đưa ra kế hoạch hành động để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, các công ty sản xuất sẽ phải chịu mức phạt cao hơn so với quy định của các nước châu Âu và châu Mỹ khi thải carbon ra môi trường.

Bên cạnh đó, để khích lệ người dân sử dụng năng lượng sạch, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một chính sách cho người dân vay để mua các loại xe năng lượng mới. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018, người mua xe năng lượng mới có thể vay đến 85% chi phí từ các ngân hàng so với khoản vay tối đa để mua xe ô tô sử dụng nhiên liệu truyền thống là 80%. Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới nhận định xe năng lượng mới là một cách để giảm bớt áp lực lên môi trường. Các biện pháp được Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại xe này bao gồm việc miễn thuế, giảm giá và bắt buộc các tổ chức Chính phủ mua và sử dụng nhiều hơn.

Bảo vệ môi trường ở Việt Nam là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Ảnh Hồng Nhung  

Ở Việt Nam, Điều 63 Hiến pháp năm 2013 có quy định những chính sách cơ bản của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp, Điều 5 Luật Bảo vệ Môi trường đã đề ra những chính sách cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

Nhà nước ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung, các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường; Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường; Phát triển khoa học, công nghệ môi trường, ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường; Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều